Với bàn tay khéo léo, những nghệ nhân đan lát người Xơ Đăng ở Kon Tum đã biến tre, nứa thành những chiếc gùi, rổ, rá độc đáo. Việc làm này không chỉ góp phần duy trì nghề đan lát truyền thống mà còn góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Nghệ nhân A Biu (74 tuổi, thôn Kei Joi, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) được nhiều người biết đến bởi tài đan lát giỏi. Dù tuổi đã cao nhưng ông luôn ý thức bảo tồn và truyền dạy cho con cháu bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Nghệ nhân A Biu được nhiều người biết đến bởi tài đan lát giỏi |
Trước mái hiên nhà, vừa miệt mài ngồi đan những chiếc gùi truyền thống, ông A Biu vừa kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên khiến ông gắn bó với nghề đan lát này, ngày xưa, khi con trai Xơ Đăng đến tuổi trưởng thành đều được ông cha truyền dạy cho cách đan lát vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Ông cũng thế, mới 12 tuổi, ông đã được theo cha vào rừng chặt lồ ô, tre để học đan lát. Nghề đan lát cứ thế theo ông đến bây giờ.
“Hồi còn nhỏ, tôi cùng cha đi vào rừng tìm những cây tre, cây lồ ô có đốt dài, ống dày (không quá già, cũng không quá non) và những dây mây già, dai, bền nhất. Hồi ấy, mỗi lần đi rừng chặt đủ để đan 2-3 chiếc gùi mới đi chặt tiếp. Nhưng nay tuổi già sức yếu, tôi thường nhờ con trai lên rừng chặt rồi để dành làm cả tháng” - ông A Biu tâm sự.
Với mỗi sản phẩm đan lát, ông A Biu đều tỉ mỉ, kiên nhẫn và mất khá nhiều thời gian |
Có được một sản phẩm đan lát chất lượng và đẹp, nghệ nhân A Biu phải trải qua nhiều công đoạn như chuẩn bị nguyên liệu, đặc biệt là việc chẻ, chuốt các sợi nan lồ ô hoặc tre sao cho đạt tỉ lệ hợp lý, bảo đảm độ mềm, nhẵn để dễ kết hình, tạo thuận lợi trong quá trình đan. Với mỗi sản phẩm đan lát, ông A Biu đều tỉ mỉ, kiên nhẫn và mất khá nhiều thời gian, từ 6-8 ngày mới đan xong một cái gùi; còn rổ, rá, nia thì mất khoảng 3-4 ngày.
Mỗi khi đan xong, ông A Biu bỏ lên xe đạp chở đi khắp các thôn trong xã để bán. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã tìm đến mua các sản phẩm do chính tay ông làm với giá trung bình từ 100.000 đồng đến 400.000 đồng/sản phẩm. Chính vì thế, mỗi tháng đan từ 5-7 cái gùi, rổ, rá, giúp ông có thêm thu nhập. Ông cũng cho biết, những vật dụng sinh hoạt trong gia đình, ở thôn này hầu hết ai cũng đặt ông đan; nhiều lúc ông không có vật liệu thì khách hàng tự đem lồ ô, tre đến.
Các sản phẩm do chính tay ông làm giá trung bình từ 100.000 - 400.000 đồng/sản phẩm |
Ở thôn Đăk Kơ Đương (xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà), ông A Đim (70 tuổi) được ca ngợi là bậc thầy đan lát truyền thống của dân tộc Xơ Đăng nơi đây.
Thoăn thoắt quấn nốt mấy vòng lồ ô cho chiếc gùi, ông A Đim nói rằng ngày mai khách sẽ đến lấy gùi và nia nên ông phải hoàn thành cho kịp. Ông A Đim cho biết, ông và các anh em trong nhà được cha dạy cho nghề đan lát từ lúc mới lên 10 tuổi. Khi ấy, ông chỉ đan lát các đồ dùng phục vụ cuộc sống gia đình là chủ yếu. Dần dà về sau, từ đôi bàn tay khéo léo của ông đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm độc đáo. Từng chiếc gùi, rổ, nia do ông làm ra không chỉ bền chắc mà còn có hoa văn rất đẹp, hút khách lui tới tìm mua.
Theo ông A Đim, làm nghề này đòi hỏi tính kiên trì và sự khéo léo của đôi tay. Nghề đan lát này nghĩ là nhàn song cũng khá vất vả, điển hình như việc dễ bị trầy xước da thịt hay bị rắn cắn khi vào rừng lấy lồ ô, chặt tre, nứa về làm nguyên liệu.
“Trước đây, hầu hết đàn ông trong làng đều biết đan nhưng nay thì hiếm nên tôi muốn duy trì nghề đan lát để bảo tồn cho thế hệ sau. Để giữ được nghề truyền thống của dân tộc thì những người lớn tuổi biết nghề cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn, truyền dạy cho lớp trẻ. Còn thế hệ trẻ phải chịu khó học hỏi để góp phần lưu truyền vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Xơ Đăng từ đời này sang đời khác” - ông A Đim bày tỏ.
Theo ông A Đim, đan lát đòi hỏi tính kiên trì và sự khéo léo của đôi tay |
Ông U Lý - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi - cho biết, đan lát là nghề có từ lâu đời của người Xơ Đăng ở xã. Có giai đoạn, nhiều hộ dân có nguồn thu nhập ổn định từ bán sản phẩm đan lát. Tuy nhiên, những năm gần đây, thu nhập của bà con có giảm do người dân không mặn mà với những đồ dùng truyền thống.
“Xã đang tích cực quảng bá nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm đan lát. Mặt khác, địa phương cũng tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ học nghề đan lát truyền thống để bảo tồn bản sắc dân tộc, có thêm nguồn thu nhập, góp phần nâng cao đời sống gia đình” - ông U Lý chia sẻ.