Sản phẩm nông nghiệp 'cất cánh' nhờ chuyển đổi số Nông thôn mới vùng dân tộc: Giữ bản sắc trong hiện đại hóa Hội Nông dân 5.0: Chuyển đổi số để bắt kịp xu thế mới |
Tại tỉnh Kon Tum, cà phê từng là cây trồng “vua” trên nhiều sườn đồi, mảnh rẫy. Nhưng trước áp lực của thời tiết, giá cả và chi phí đầu vào tăng cao, không ít hộ nông dân bắt đầu thay đổi tư duy: thay vì phá bỏ hay mở rộng ồ ạt, họ chọn giải pháp trồng xen canh - nơi mắc ca và cà phê cùng “chia sẻ” đất, nước, công chăm sóc. Chính sự thay đổi này đã mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp vùng cao.
Trồng xen canh cà phê và mắc ca
Những năm gần đây, tại huyện Đăk Tô, cây mắc ca đang dần khẳng định giá trị nhờ mô hình trồng xen trong vườn cà phê. Hiện toàn huyện có hơn 1.200 ha mắc ca, trong đó trên 50% là diện tích trồng xen canh. Đây không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là chiến lược phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
![]() |
Gia đình ông Nguyễn Đình Cường bắt đầu trồng 200 cây mắc ca xen trong 3 ha cà phê từ năm 2015 |
Gia đình ông Nguyễn Đình Cường (xã Tân Cảnh) bắt đầu trồng 200 cây mắc ca xen trong 3 ha cà phê từ năm 2015. Đến năm 2021, ông bắt đầu thu bói được 9 tạ quả tươi, bán được hơn 40 triệu đồng. Các năm sau, sản lượng tăng dần. Niên vụ 2024, ông thu 3 tấn quả tươi, chế biến thành phẩm và bán với giá 180.000 – 200.000 đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.
“Cây mắc ca phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây, ít tốn công chăm sóc và phân bón như các loại cây trồng khác. Đặc biệt, việc trồng xen còn tận dụng được diện tích đất trống của vườn rẫy, nước tưới, phân bón từ cây cà phê. Bắt đầu từ năm thứ 6 là có thu nhập ổn định, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Việc trồng mắc ca xen cà phê mang lại hiệu quả kinh tế, trong khi chi phí đầu tư lại thấp hơn. Từ năm 2023, gia đình trồng xen canh thêm 100 cây mắc ca trong vườn cà phê với hy vọng sắp tới có thu nhập cao hơn nữa”- ông Cường chia sẻ.
![]() |
Việc trồng xen cây mắc ca sẽ tận dụng được diện tích đất trống của vườn rẫy, nước tưới, phân bón từ cây cà phê |
Tại xã Tân Cảnh, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, song mắc ca đang dần chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng. Được huyện hỗ trợ giống và kỹ thuật, người dân tích cực mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã đã có hơn 121 ha mắc ca, trong đó hơn 60% trồng xen với cà phê.
Ông Mai Huy Hưng, Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh cho biết: “Cây mắc ca phát triển tốt ở vùng này, cho năng suất 15–25kg quả tươi/cây/năm. Mỗi ha cà phê trồng xen giúp bà con có thêm 30–40 triệu đồng/năm, chưa kể tác dụng sinh thái”.
Hiệu quả kinh tế và bền vững từ tư duy làm nông mới
Không riêng Tân Cảnh, nhiều xã khác cũng đang từng bước chuyển mình nhờ mô hình trồng xen. Ông Hoàng Văn Ngoan (xã Ngọk Tụ) trồng thử nghiệm gần 200 cây mắc ca trên hơn 1 ha cà phê từ năm 2014. Dù ban đầu 20% cây chết do thiếu kinh nghiệm, nhưng phần còn lại sinh trưởng tốt. Sau 5 năm, cây cho quả bói, đến nay cho thu ổn định 3–3,2 tạ quả khô/năm.
![]() |
Trên cùng một đơn vị diện tích có cùng 2 loại cây trồng mang lại nguồn thu sẽ giúp các hộ dân có thu nhập kép |
Ông Ngoan tự chế biến, đóng gói và bán mắc ca thành phẩm với giá từ 180.000 đồng/kg, thu về hơn 70 triệu đồng/năm. “Mắc ca gần như không sâu bệnh, chăm sóc cà phê tiện tay là chăm luôn mắc ca. Mùa thu hoạch lại lệch vụ, không cần nhiều công. Quan trọng nhất là bán rất dễ, không lo tồn đọng”- ông Ngoan chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Quyết ở thôn 3, xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) là một trong những hộ đi tiên phong trồng cây mắc ca xen trong 10ha cà phê từ gần chục năm nay. Đến nay, toàn bộ diện tích mắc ca phát triển tốt, diện tích cà phê cũng cho năng suất như trước đây.
Theo ông Quyết, sau 3 năm trồng thì cây mắc ca sẽ cho quả. Dù trồng xen canh với cà phê thì năng suất quả mắc ca sẽ thấp hơn trồng thuần, tuy nhiên, trên cùng một đơn vị diện tích có cùng 2 loại cây trồng mang lại nguồn thu sẽ giúp gia đình ông khấm khá hơn.
![]() |
Từ những mô hình nhỏ lẻ, giờ đây, cây mắc ca đang từng bước góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp Kon Tum |
Ngoài thu nhập, mắc ca còn mang lại nhiều giá trị khác: tán rộng giúp chắn gió, giữ ẩm, giảm nhiệt độ cho cây cà phê, từ đó giảm thiểu thiệt hại do mưa bão, khô hạn. Đặc biệt, cây còn giúp tăng hiệu quả sử dụng đất và giữ rừng điều hết sức cần thiết ở khu vực Tây Nguyên hiện nay.
Từ những mô hình nhỏ lẻ, giờ đây, cây mắc ca đang từng bước góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp Kon Tum. Xen canh không còn là giải pháp “chống cháy” mà đang trở thành hướng đi chủ động, nơi người nông dân vừa gìn giữ đất đai, vừa nhân đôi giá trị từ chính mảnh rẫy của mình.
Ông Tưởng Văn Khanh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đăk Tô cho biết: “Huyện đang tích cực hỗ trợ kỹ thuật, giống và khuyến khích chế biến sâu để tăng giá trị mắc ca. Mục tiêu là nhân rộng mô hình xen canh, từ đó giúp nông dân nâng cao thu nhập bền vững và giữ vững diện tích cây lâu năm”. |