Sơn La đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp xanh và bền vững Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 |
Sơn La là tỉnh miền núi biên giới, có dân số trên 1,3 triệu người, với 12 dân tộc cùng chung sống; trong đó, 83,7% là người dân tộc thiểu số. Những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; phối hợp với các bộ, ngành trung ương xây dựng các đề án, kế hoạch về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030; rà soát trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 78,49% bản có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa. (Ảnh: Mùa Lầu ) |
Trong giai đoạn 2021 - 2025, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Sơn La được phân bổ hơn 335 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại địa bàn 126 xã, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, II. Đến nay, đã giải ngân thanh toán gần 213,8 tỷ đồng.
Theo đó, đầu tư xây dựng 158 công trình nước sinh hoạt tập trung; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 6.162 hộ. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 179 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Đầu tư 5 công trình đường giao thông liên xã chưa được cứng hóa; 8 công trình chợ; duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã, bản đặc biệt khó khăn.
Toàn tỉnh có 97,55% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 78,49% bản có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường, lớp học, trạm y tế xây dựng kiên cố; 94,88% đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Đến nay, hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Công tác bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được phát huy. Chất lượng giáo dục từng bước nâng lên, quy mô trường, lớp học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng mở rộng. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến; 100% người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế. Tình hình an ninh, trật tự xã hội vùng dân tộc thiểu số cơ bản ổn định; các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Người dân được hưởng lợi từ chương trình nước sinh hoạt tập trung. (Ảnh: ST) |
Các cấp, ngành cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm, học nghề cho trên 740.400 lượt lao động, tạo việc làm cho trên 120.000 người (trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số chiếm 86%); tuyển sinh, đào tạo trên 68.000 lao động ở các trình độ (trong đó lao động người dân tộc thiểu số chiếm 85%). Tỉnh cũng ban hành cơ chế hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp, HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đã có nhiều doanh nghiệp, HTX do đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là trong phát triển sản xuất nông nghiệp và hoạt động du lịch, khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Nhờ các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai kịp thời, phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 21,6% (năm 2019) giảm còn 11,1% (năm 2024).
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024 đề ra mục tiêu giai đoạn 2024-2029: Tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung các xã, thôn, bản khó khăn; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; phấn đấu từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và giữa các dân tộc.
Phấn đấu đến năm 2029, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 1%/năm trở lên; tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề và có thu nhập ổn định đạt trên 50%; xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào dân tộc thiểu số đủ điều kiện hỗ trợ phát sinh hằng năm; 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; phấn đấu 60% số xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới…
Để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tập trung giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số …