Với mong muốn gìn giữ các giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc, nhiều năm qua, nghệ nhân A Sứp (63 tuổi, ở làng Bar Gốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) luôn nỗ lực “truyền lửa” đam mê cho những người trẻ thông qua việc giữ gìn, lan toả những giá trị tốt đẹp của cồng chiêng và hát dân ca người Gia Rai.
Một nghệ nhân đa tài
Một ngày giữa tháng 10/2024, chúng tôi tìm về làng Bar Gốc để gặp nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên và thành thạo nhiều món nghề truyền thống. Ông dành một góc nhỏ trong nhà để cất giữ các loại nhạc cụ, vật dụng được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Nghệ nhân A Sứp - người nặng lòng với văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên và thành thạo nhiều món nghề truyền thống. Ảnh: Hiền Mai |
Tiếp chuyện chúng tôi, nghệ nhân A Sứp nói rằng, ông sinh ra và lớn lên tại làng Bar Gốc nên được tiếp xúc với tiếng cồng, tiếng chiêng từ nhỏ. Ông theo cha và người già trong làng đi nhiều lễ hội, được xem nhiều tiết mục biểu diễn của mọi người. Lúc ấy, ông chỉ đứng xem, lâu lâu được các già làng gọi lại chỉ dạy cho vài điều, tối về lại lấy chiêng của cha ra thực hành lại. Theo năm tháng, những thói quen tưởng chừng như bình thường ấy lại ăn sâu vào máu của ông lúc nào không hay. Để đến bây giờ, ông đã là một thành viên không thể thiếu trong đội cồng chiêng mỗi khi làng có lễ hội quan trọng.
Cũng bởi yêu âm nhạc dân tộc, từ nhiều năm nay, nghệ nhân A Sứp luôn trăn trở phải làm gì đó để bảo tồn nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Ông đã sưu tầm, bảo quản, giữ gìn bộ chiêng của mình như đứa con tinh thần. Ông nói với tôi rằng, luôn mong muốn khi khách đến nhà thấy bộ chiêng, tìm hiểu về chiêng cũng chính là cách để chiêng trường tồn.
Nghệ nhân A Sứp đang sở hữu 2 bộ cồng chiêng quý, được ông nâng niu và gìn giữ. Ảnh: Hiền Mai |
Nói xong, nghệ nhân A Sứp vào trong nhà đem ra 2 bộ cồng chiêng quý và đặt ngay ngắn giữa hiên nhà sàn rồi cẩn thận lau chùi từng chiếc. Bộ chiêng đầu tiên được ông mua lại với giá 60 triệu đồng từ một hộ dân trong huyện cách đây hơn 20 năm. Thời điểm đó ông đã bán 3 con bò và 2 con trâu để đổi lấy bộ chiêng. Còn bộ thứ 2, ông phải lặn lội vào huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) 4 năm trước tìm mua với giá gần 50 triệu đồng.
"Tiếng chiêng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con dân tộc Gia Rai nơi đây. Mỗi khi gia đình hoặc làng có lễ hội, sự kiện trọng đại đều mang cồng chiêng của tôi để biểu diễn. Tôi rất tự hào vì có thể góp phần nhỏ trong việc giữ gìn văn hóa cồng chiêng dân tộc mình" - nghệ nhân A Sứp chia sẻ.
Nghệ nhân A Sứp còn nổi tiếng bởi tài hát dân ca Gia Rai. Mỗi khi làng có lễ hội hay kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, bao giờ ông cũng là người giúp cho không khí ngày hội trở nên cuốn hút bằng các làn điệu dân ca. Rồi từ các điệu dân ca truyền thống, ông phát triển thành những bài hát có ý nghĩa tuyên truyền khác nhau. Có thể kể đến các bài như: "Ca ngợi bộ đội, nhà nước", "Tiếng chiêng gọi thanh - thiếu niên làm rẫy". Buổi sáng mát mẻ, tiếng hát của nghệ nhân A Sứp như càng lúc càng cuốn chúng tôi vào câu chuyện kể của ông. Những giai điệu lúc vui tươi, lúc da diết làm chúng tôi thêm đắm chìm.
Còn đó nỗi lo văn hoá dân gian bị mai một
Nghệ nhân A Sứp nói rằng, bây giờ hình ảnh chàng trai, cô gái cùng hòa tấu nhạc cụ, đánh chiêng, nắm tay bên ánh lửa bập bùng đã dần thưa. Chiêng, nhạc cụ dân tộc nếu không được đánh thường xuyên sẽ quên, sẽ mất dần cảm giác. Là người con của Tây Nguyên đại ngàn, các âm thanh nhạc cụ như cơm ăn, nước uống hàng ngày, như máu thịt không thể tách rời. Những ai có niềm đam mê nhạc cụ, muốn học đánh chiêng thì ông đều sẵn sàng truyền lại.
Với trăn trở ấy, khi thấy những giai điệu truyền thống, tiếng chiêng, tiếng hát dần ít đi không còn xuất hiện nhiều trong làng nữa, ông đã tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng do địa phương tổ chức. Ông còn tích cực vận động thanh - thiếu niên tham gia học tập đánh cồng chiêng, múa xoang. Với sự uy tín của mình, đội chiêng, đội văn nghệ ngày càng thu hút nhiều người dân các lứa tuổi tham gia.
Nghệ nhân A Sứp luôn tích cực vận động thanh - thiếu niên trong làng tham gia học tập đánh cồng chiêng, múa xoang. Ảnh: Hiền Mai |
Năm 2019, Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện Sa Thầy phối hợp với UBND xã Sa Sơn tổ chức lớp truyền dạy văn hóa dân gian ở làng Bar Gốc. Ông A Sứp cùng với một số người lớn tuổi trong làng trực tiếp hướng dẫn thế hệ trẻ cách đánh cồng chiêng, chế tác và biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
Nhờ đó, đến nay làng Bar Gốc đã có 2 đội cồng chiêng, múa xoang với hơn 40 người, bao gồm cả người lớn, thanh niên và các em nhỏ. Đội cồng chiêng làng đánh thuần thục nhiều bài chiêng hay và tham gia các hội thi, cuộc thi, sự kiện lớn của xã, huyện.
Anh A Sem (23 tuổi, làng Bar Gốc) chia sẻ: “Nhờ được nghệ nhân A Sứp truyền dạy, tôi và nhiều bạn trẻ khác trong làng đã biết đánh cồng chiêng và ai cũng đều rất vui khi được tham gia cùng đội cồng chiêng làng biểu diễn tại các sự kiện của địa phương”.
Với những đóng góp của mình, nhiều năm qua, nghệ nhân A Sứp được các cấp, ngành tặng bằng khen, giấy khen là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, trình diễn văn hóa dân gian.
Ông A Bứi - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Sơn cho biết: “Nghệ nhân A Sứp là một người đam mê văn hóa truyền thống dân tộc Gia Rai. Những năm qua, ông tích cực truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho dân làng, nhất là thế hệ trẻ, góp phần cùng xã thành lập 2 đội cồng chiêng thường xuyên biểu diễn ở các sự kiện lớn của xã, huyện. Không chỉ góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mà nghệ nhân A Sứp còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong làng Bar Gốc đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa”.