12/02/2025 17:18
Người Jrai ‘thắp lửa’ du lịch cộng đồng ở Gia Lai

12/02/2025 17:18

Đồng bào Jrai ở tỉnh Gia Lai đã phát huy vốn văn hóa bản địa, xây dựng nơi mình sống thành điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị truyền thống.
Người Jrai ở Gia Lai ‘thắp lửa’ du lịch cộng đồng

Với lợi thế về truyền thống lịch sử, văn hóa cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đồng bào Jrai ở tỉnh Gia Lai đã phát huy vốn văn hóa bản địa, xây dựng nơi mình sống thành điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Và ở đó, điều giữ chân du khách không chỉ là những nét đặc trưng về văn hoá, di sản mà còn đến từ vẻ đẹp của chính con người tại mảnh đất phố núi Pleiku xinh đẹp khi mỗi người dân bản địa là một “đại sứ du lịch”.

Làng văn hoá hơn 100 tuổi giữa lòng phố thị

Một ngày đầu năm, trong tiết trời se lạnh của phố núi, chúng tôi đến thăm làng Ốp - ngôi làng có lịch sử thành lập gần 100 năm (1927) thơ mộng nằm ngay giữa lòng TP. Pleiku. Dù sống ngay cạnh thành phố song bên cạnh việc học hỏi, giao thoa với những tinh hoa của phố thị, nơi này vẫn còn đó những nét mộc mạc, đơn sơ và còn lưu giữ tất thảy nền văn hoá truyền thống của cộng đồng người Jrai.

Tới thăm làng Ốp, du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngôi nhà rông - nơi được xem là linh hồn của ngôi làng với vẻ đẹp hoang sơ, mang đậm bản sắc truyền thống của người dân Jrai và là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng của dân làng. Hay chiêm ngưỡng Bến nước Ia O, nơi người dân Plei Ốp hàn huyên, kể cho nhau nghe những câu chuyện vào mỗi cuối chiều. Trước nhà rông là khoảng sân rộng rãi được ốp đá với cây nêu cao vút giữa nền trời xanh thăm thẳm. Hai bên nhà rông có những hàng cây cổ thụ quanh năm rợp bóng mát, tất cả tạo nên một khung cảnh mộc mạc và yên bình.

Người Jrai ở Gia Lai ‘thắp lửa’ du lịch cộng đồng
Người Jrai ở Gia Lai ‘thắp lửa’ du lịch cộng đồng

Mỗi dịp cuối tuần, âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng lại ngân vang, hoà cùng tiếng hát ca, nhảy múa của bà con người Jrai. Ảnh: Hiền Mai

Làng Ốp có hơn 200 hộ dân sinh sống. Giữa nhịp sống hối hả, người dân làng Ốp vẫn đoàn kết gìn giữ các di sản quý giá của cha ông. Ở nơi đây vào mỗi dịp cuối tuần hay mỗi lần làng có sự kiện, có khách ghé thăm, âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng lại ngân vang, hoà cùng tiếng hát ca, nhảy múa của bà con người Jrai.

Với niềm đam mê khám phá những vùng đất mới, chị Nguyễn Thị Thu Trang - du khách tới từ TP. Hồ Chí Minh đã đặt chân đến nhiều địa danh du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, khi đến với làng Ốp, chị bị ấn tượng mạnh bởi cảnh sắc và những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc Tây Nguyên.

"Tôi thấy làng Ốp rất đặc biệt, con người thân thiện và gần gũi. Dù gần phố nhưng ở ngôi làng này vẫn mang đậm dấu ấn văn hoá bản địa. Đặc biệt, món gà nướng - cơm lam ở đây được chế biến rất ngon và mang đậm bản sắc địa phương. Tôi sẽ rủ thêm bạn bè đến đây trải nghiệm vì mọi thứ ở đây đều rất tuyệt vời” - chị Trang chia sẻ.

Người Jrai ở Gia Lai ‘thắp lửa’ du lịch cộng đồng

Đồng bào Jrai ở làng Ốp đã và đang phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng.

Đưa du lịch cộng đồng cất cánh

Phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo vốn có cùng với khung cảnh thiên nhiên ban tặng, bằng nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, đồng bào Jrai ở làng Ốp đã và đang phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng.

Tưởng chừng những người dân bản địa vốn quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì nay cũng hoà mình vào câu chuyện làm du lịch. Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch trực tiếp đón và đưa du khách tới các điểm tham quan. Những người lớn tuổi hơn thì phụ trách công việc nấu nướng đồ ăn để phục vụ du khách. Cứ thế, mỗi người một việc, cùng nhau đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng để mang lại nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho cư dân bản địa.

Người Jrai ở Gia Lai ‘thắp lửa’ du lịch cộng đồng

Anh Rah Lan Thắng dẫn du khách tham gia trải nghiệm tại làng Ốp. Ảnh: Hiền Mai

Một trong những hướng dẫn viên quen mặt với du khách khi tới với làng Ốp là anh Rah Lan Thắng. Sinh ra và lớn lên tại làng nên anh Thắng am hiểu những nét đẹp văn hoá nơi đây. Anh còn là hạt nhân của mô hình làm du lịch dựa vào cộng đồng.

Anh Thắng cho biết, trước khi tự tin làm hướng dẫn viên cho du khách, anh đã tham gia nhiều lớp tập huấn làm du lịch để có thêm hiểu biết, kỹ năng để làm nghề. Nhờ những lớp học đó mà anh biết cách truyền tải đến du khách vấn đề một cách đầy đủ, logic, dễ hiểu.

“Mình tự hào vì nơi mình sinh ra vẫn còn vẹn nguyên những giá trị cổ nên mình muốn giới thiệu cho bạn bè trên khắp cả nước về những nét đẹp văn hoá, về con người làng Ốp. Mình nghĩ để trở thành hướng dẫn viên, mỗi người phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc Jrai để giới thiệu cho mọi người khi đến thăm làng” - anh Thắng bộc bạch.

Người Jrai ở Gia Lai ‘thắp lửa’ du lịch cộng đồng

Tham gia tour trải nghiệm, du khách được tham quan các homestay của người dân và tìm hiểu các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát và ủ rượu cần. Ảnh: Hiền Mai

Du lịch cộng đồng là loại hình đem lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc giảm nghèo. Không những thế, du lịch cộng đồng còn góp phần bảo tồn, phát huy các tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc sắc của đồng bào Jrai.

Khi đến với làng Ốp vào mùa lễ hội, du khách sẽ được tham gia vào những buổi sinh hoạt chung diễn ra ở nhà rông văn hóa. Ở đây, du khách sẽ được hòa mình cùng các phong tục truyền thống của làng. Những thành viên trong làng sẽ hướng dẫn du khách cách dệt thổ cẩm, đan lát hay những điệu nhảy, điệu múa đặc sắc của địa phương.

Mới đây, giữa tháng 11/2024, sau một thời gian dài ấp ủ và chuẩn bị, tour du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại làng Ốp đã được ra mắt. Đây là tour du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng đầu tiên của TP. Pleiku. Bên cạnh mục đích nhằm lan toả, giới thiệu một điểm đến giàu bản sắc văn hoá tới du khách và bạn bè gần xa trên hành trình khám phá vùng đất cao nguyên thì tour du lịch cộng đồng còn giúp tạo sinh kế, nguồn thu nhập, góp phần nâng cao đời sống người dân trong làng.

Tour gồm nhiều hoạt động như tham quan nhà rông, giọt nước; trải nghiệm cách chế biến món ăn truyền thống. Tại đây, du khách còn được tham quan các homestay của người dân và tìm hiểu các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát và ủ rượu cần. Ngoài ra, trong tour du lịch cộng đồng còn có các màn biểu diễn cồng chiêng, múa xoang và tham gia đốt lửa trại, giao lưu ẩm thực và hòa vào không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cùng bà con Jrai tại sân nhà rông.

Người Jrai ở Gia Lai ‘thắp lửa’ du lịch cộng đồng

Du khách được tham quan các homestay của người dân và tìm hiểu về các truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai. Ảnh: Hiền Mai

Ông Nguyễn Tấn Thành - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai - cho biết: “Ưu điểm của làng Ốp là có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ trung, được đào tạo bài bản để làm du lịch. Làng nằm trong phố nhưng vẫn còn lưu giữ được bản sắc văn hóa. Không chỉ tạo kinh tế bền vững cho người dân mà du lịch cộng đồng còn đánh thức sức sống tiềm tàng của nhiều tài nguyên du lịch. Mô hình này góp phần phát huy những giá trị văn hóa bản sắc truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số qua các lễ hội, trang phục, ẩm thực... nhằm mang đến cho công chúng và du khách những trải nghiệm đặc sắc. Mong rằng sản phẩm du lịch cộng đồng làng Ốp sẽ dần hoàn thiện, để đáp ứng nhu cầu du khách yêu thích loại hình du lịch văn hóa”.

Người Jrai ở Gia Lai ‘thắp lửa’ du lịch cộng đồng
longform

THỰC HIỆN: HIỀN MAI

Bài và ảnh: Hiền Mai

Có thể bạn quan tâm

Vì sao Nhơn Hội được chọn làm trung tâm hành chính Bình Định - Gia Lai?

Vì sao Nhơn Hội được chọn làm trung tâm hành chính Bình Định - Gia Lai?

Trước bối cảnh sáp nhập hai tỉnh Bình Định và Gia Lai, Bộ Xây dựng đã chính thức đề xuất chọn Khu kinh tế Nhơn Hội làm trung tâm hành chính mới.
Bộ Y tế vào cuộc vụ hành hung bác sĩ

Bộ Y tế vào cuộc vụ hành hung bác sĩ

Bộ Y tế yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm vụ bác sĩ bị hành hung tại Gia Lai, tăng cường an ninh, bảo vệ nhân viên y tế trong cơ sở khám chữa bệnh.
Bà con nông dân Gia Lai đổi đời nhờ cây mía

Bà con nông dân Gia Lai đổi đời nhờ cây mía

Những năm gần đây, cây mía không chỉ là cây trồng chủ lực mà còn trở thành “cây hái ra tiền” giúp nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đổi đời.