Kinh nghiệm vận động viện trợ nước ngoài
Hơn 100.000 người DTTS cần được hỗ trợ
Tỉnh Đồng Nai có tổng dân số gần 3 triệu người gồm 37 thành phần dân tộc; trong đó DTTS có gần 40.000 hộ, gần 200.000 người, chiếm 7% dân số toàn tỉnh. Trong đó, có 4 dân tộc sinh sống lâu đời: Chơro, Mạ, X’tiêng và Cơ Ho.
Đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác, xen kẽ trên khắp địa bàn các huyện, TX. Long Khánh và TP. Biên Hòa, chủ yếu tập trung đông ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Trong đó, 87% sống ở nông thôn, 13% sống ở thành thị), một số ít dân tộc sống tập trung thành làng dân tộc như dân tộc Chơro, Mạ, X’tiêng, Cơ Ho, Chăm, Tày, Nùng, Hoa,...
Giáo dục là lĩnh vực Đồng Nai nhận được sự đầu tư lớn hơn cả từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài |
Mặc dù có chuẩn nghèo cao hơn chuẩn cả nước, song đến nay tỷ lệ hộ nghèo tại Đồng Nai vẫn còn khoảng 9.616 hộ, trong đó có 1.282 hộ nghèo DTTS. Nhiều hộ nghèo tuy đã vượt chuẩn nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời thì nguy cơ tái nghèo là rất cao. Theo tính toán, hiện có hơn 65% dân số ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hơn 100.000 người thuộc các thành phần DTTS ở Đồng Nai cần được hỗ trợ phát triển kinh tế, giáo dục, nâng cao chất lượng cuộc sống.
5 năm, huy động trên 120 tỷ đồng
Trước những yêu cầu đặt ra, việc triển khai Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài được tỉnh Đồng Nai xem là một trong những nhiệm vụ góp phần phát triển kinh tế - ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, triển khai Đề án 2214, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát các sở, ban, ngành, các cấp triển khai thực hiện. Đồng thời, thành lập Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đồng Nai để ban hành các chương trình, dự án kêu gọi viện trợ phi chính phủ nước ngoài, đặc biệt chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Với những cố gắng này, sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án đã có 86 lượt tổ chức phi chính phủ và nhà tài trợ nước ngoài đầu tư, hỗ trợ 119 chương trình, dự án cho tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, lĩnh vực giáo dục có 44 chương trình, dự án đã được triển khai với tổng số tiền viện trợ gần 36 tỷ đồng; Lĩnh vực an sinh xã hội có 41 chương trình, dự án với số tiền viện trợ trên 33,3 tỷ đồng; Lĩnh vực y tế có 16 chương trình, dự án với số tiền viện trợ trên 30,1 tỷ đồng; Lĩnh vực tài nguyên môi trường có 8 chương trình, dự án với tổng số tiền viện trợ trên 10,4 tỷ đồng; Lĩnh vực kinh tế có 10 dự án với kinh phí gần 10 tỷ đồng.
Phần lớn các chương trình, dự án tài trợ nhân đạo cho đồng bào DTTS, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa như: Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu…
Nhờ có sự hỗ trợ của các chương trình, dự án… nhiều trường học được xây cất khang trang, nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường; thêm nhiều vùng đồng bào đã được sử dụng nước sạch, được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế có trang thiết bị đầy đủ…
Từ thực tiễn công tác viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh, đại diện tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần xem viện trợ phi chính phủ nước ngoài là nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển, từ đó kiện toàn khung pháp lý, các văn bản pháp quy cho công tác tiếp nhận và quản lý viện trợ. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cần được coi là các đối tác chứ không phải chỉ là nhà tài trợ để xác lập rõ ràng hơn mối quan hệ trong quá trình vận động viện trợ, hợp tác triển khai các chương trình, dự án. Đồng thời, đề cao vai trò, sự tham gia của người dân, xem người dân là chủ thể trong quá trình triển khai các chương trình, dự án...
Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải tăng cường trao đổi và cung cấp thông tin, là chiếc cầu nối giữa các địa phương với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Có như vậy, quá trình xúc tiến, vận động triển khai các chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài mới đạt hiệu quả như mong đợi.