Thứ bảy 28/12/2024 07:48

Kiên quyết đề xuất dừng mỏ sắt Thạch Khê: Hà Tĩnh cần bám sát chủ trương của Bộ Chính trị

Dù đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị cho phép tiếp tục nghiên cứu dự án mỏ sắt Thạch Khê nhưng lãnh đạo Hà Tĩnh vẫn cương quyết đề xuất dừng.

Bất khả thi vì tư duy đóng

Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã nêu quan điểm tỉnh Hà Tĩnh kiên quyết đề xuất dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê với lý do "nhiều hệ luỵ".

Quan điểm này cũng được Bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng khẳng định tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam(TKV) ngày 3/7/2023.

Thống kê và tìm hiểu lý do mà lãnh đạo tỉnh này đã nhiều năm liền phản đối dự án mỏ sắt Thạch Khê là "lo ngại" vấn đề môi trường từ sự cố Formosa.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phấn sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, nằm trên địa phận 5 xã Thạch Hải, Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc của huyện Thạch Hà. Với tổng mức đầu tư dự mỏ sắt Thạch Khê là 14.517,2 tỷ đồng, công suất khai thác giai đoạn 1 là 5 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 là 10 triệu tấn/năm, và khai thác đến độ sâu âm 550m.

Công nghệ khai thác lộ thiên; trữ lượng 544 triệu tấn, trong đó 369 triệu tấn được huy động vào thiết kế khai thác; thời gian tồn tại của mỏ là 52 năm; tổng diện tích đất sử dụng 4.821ha, bao gồm 3.898ha trong đất liền và 923ha lấn biển.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tỉnh Hà Tĩnh được thực hiện từ năm 2008 đến năm 2011 thì dừng lại.

Theo thống kê, vốn đã đầu tư tại dự án mỏ sắt Thạch Khê là 1.984 tỷ đồng, trong đó, vốn được góp bởi các doanh nghiệp nhà nước là 1.529,6 tỷ đồng (riêng vốn góp của TKV là 1.076,33 tỷ đồng).

Đã có qúa nhiều cuộc hội thảo, đề xuất, kiến nghị nhưng vẫn chưa có lối ra cho dự án mỏ sắt Thạch Khê cho đến ngày 10/02/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu tổng quát: “Điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu tin cậy về địa chất, khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hoà các-bon”.

Đối với vấn đề mỏ sắt Thạch Khê, trong mục 4, phần III về nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết 10-NQ/TW nêu rõ: “…Đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến: Sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh)…hoàn thành trước năm 2030”.

Nghị quyết 10-NQ/TW của của Bộ Chính trị đã kế thừa và tiếp tục chủ trương của Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 25/4/2011 “về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu chung là: “Hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu như lọc hoá dầu, sắt thép.... có tầm cỡ trong khu vực”. Và mục tiêu cụ thể đối với công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, trong đó có quặng sắt là: “Điều tra, đánh giá ở độ sâu đến 500m để làm rõ tiềm năng một số loại khoáng sản quan trọng, chiến lược, có quy mô lớn như: …sắt..”.

Đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trong đó có sắt thép, Nghị quyết 02 cũng nêu rõ là “Hình thành một số cụm công nghiệp khai thác - chế biến khoáng sản tập trung cho một số loại khoáng sản như than đá, đồng, thép, bô-xít - nhôm, cromit, titan - zircon, đất hiếm, chì - kẽm, đá ốp lát, cát trắng; tăng cường đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản”.

Tưởng rằng Nghị quyết 10-NQ/TW ra đời sẽ tạo cơ hội cho chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu triển khai dự án nhưng gần 2 năm qua vẫn dậm chân tại chỗ vì Hà Tĩnh vẫn "bảo lưu" quan điểm với lý do cũ.

Thiết nghĩ khi vẫn còn tư duy đóng thì TKV và các bộ ngành có muốn "nghiên cứu" tiếp để báo cáo Bộ Chính trị sẽ là nhiệm vụ bất khả thi.

Và đương nhiên, nếu cứ kéo dài thì bản thân những người dân ở khu vực dự án tiếp tục còn khốn khổ.

Một nghịch lý nữa là mặc dù UBND tỉnh Hà Tĩnh kiên quyết dừng song các cơ quan quản lý nhà nước tại Hà Tĩnh vẫn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với TIC trong thời gian TIC phải tạm dừng dự án; Cục Thuế Hà Tĩnh vẫn phong tỏa hóa đơn, tài khoản ngân hàng của TIC...

Việc dừng dự án cũng gây quá nhiều khó khăn cho chủ đầu tư cả về mặt tài chính, giải quyết lao động và cũng chưa có hướng giải quyết nào khi đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê

Cần cân bằng nặng nhẹ

Có thể thấy, số phận dự án mỏ sắt Thạch Khê vẫn còn nan giải khi các nhà khoa học, một số bộ ngành vẫn còn 2 luồng ý kiến trái ngược. Một là chấm dứt hẳn, giải quyết những tồn tại về đền bù giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án; hai là cho nghiên cứu tiếp và có thể làm thử nghiệm từng bước với đầy đủ dữ liệu khoa học, khả thi, hiệu quả về kinh tế - xã hội, môi trường; được giám sát chặt chẽ.

Ở luồng ý kiến thứ nhất, chủ yếu là những lo ngại về vấn đề môi trường. Phải thừa nhận rằng, do nhiều nguyên nhân đã có những sự cố xảy ra nhưng chúng tôi đã từng lý giải để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng như Formosa là do sự chủ quan, vô trách nhiệm của con người đến từ chủ đầu tư, vận hành dự án đến sự thiếu kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

Ở luồng ý kiến thứ hai ủng hộ quan điểm triển khai tiếp vì có liên quan đến nhiều yếu tố ích lợi cho quốc gia bởi lẽ hiện Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo hướng tự chủ, rất cần nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, trong đó sắt thép giữ vai trò quan trọng. Trong khi với công nghệ hiện nay, hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường. Rất tiếc luồng quan điểm thứ 2 chưa được ủng hộ nhiều.

Thực tế đã chứng minh dự án Boxit Tây Nguyên cũng đã từng bị phản đối kịch liệt về môi trường nhưng đến nay đã đạt được hiệu quả to lớn về mặt kinh tế - xã hội, môi trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, bất kỳ dự án nào dù lớn hay nhỏ mà không có lợi ích đi kèm với mặt trái. Vấn đề là cân bằng nặng nhẹ vì lợi ích chung của đất nước trong tình hình mới.

Và có lẽ dự án mỏ sắt Thạch Khê cần đến chỉ đạo ở cấp cao hơn để tháo gỡ nút thắt trong quan điểm. Và để cấp cao hơn có quyết định chính xác thì cần phải có dữ liệu đầy đủ hơn, do đó việc triển khai nghiên cứu tiếp là cần thiết lúc này.

Là một trong những Bộ được giao nhiệm vụ quản lý ngành công nghiệp, quan điểm của Bộ Công Thương là không đánh đổi kinh tế lấy môi trường. Bộ luôn chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của người dân, lãnh đạo địa phương và sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ trên cơ sở nghiên cứu đánh giá các cơ sở khoa học kỹ lưỡng, toàn diện.

Đứng ở góc độ ngành Công Thương, sắt là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp thép, công nghiệp hỗ trợ. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện quặng sắt Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sản xuất trong nước, còn lại là nhập khẩu và bị phụ thuộc vào nguồn cung, giá cả biến động theo giá thế giới. Bộ Công Thương nhận định phát triển ngành thép trong nước đang bị mất cân đối giữa thượng nguồn và hạ nguồn.

Nhiều ý kiến cho rằng, với trữ lượng lớn, mỏ sắt Thạch Khê nếu xử lý được vấn đề môi trường, công nghệ khai thác không chỉ giúp giải quyết những vấn đề nhập quặng mà còn giúp phát triển địa phương, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập và nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Liên quan đến mỏ sắt Thạch Khê, ngày 11/6/2022, trong quá trình khảo sát thực địa và nghe báo cáo về dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần phải có sự tính toán theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn hướng đi phù hợp trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ kinh tế đến tính chất xã hội, đời sống người dân, môi trường và các vấn đề liên quan; việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hơi. Sau đánh giá, trường hợp có lợi thì tổ chức triển khai, nếu chưa có lợi thì dừng lại và tiếp tục nghiên cứu.

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, việc này phải sớm có quyết sách đúng đắn để ổn định đời sống dân cư địa phương. Quyết sách này phải đảm bảo cơ sở khoa học và hợp lòng dân.

Vấn đề này tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 245/TB-VPCP ngày 26/6/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp, kiểm tra về tình hình sản xuất và cung ứng điện tại một số nhà máy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và cung ứng than trong nước cho sản xuất điện.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kỹ, toàn diện các vấn đề liên quan đối với Dự án này để hoàn thiện, báo cáo xin ý kiến của Bộ Chính trị về chủ trương đối với Dự án (Đề án trình Bộ Chính trị).

“Yêu cầu TKV phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh trong quá trình xây dựng Đề án bảo đảm đúng tình hình, khách quan, khoa học, vì lợi ích chung, không tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Đình Dũng
Bài viết cùng chủ đề: Mỏ sắt Thạch Khê

Tin cùng chuyên mục

Quản lý nhà nước ra sao đối với hiện tượng lan truyền tà đạo trên mạng?

Tình trạng lừa đảo trên không gian mạng: Nhận diện và giải pháp đến từ chuyên gia

Giải cứu người trong vụ hỏa hoạn tại TP. Hồ Chí Minh: Thêm anh hùng giữa đời thường

Để Thương vụ Việt Nam là 'cánh tay nối dài' của Chính phủ và doanh nghiệp

Lửa giận thiêu lý trí, bài học chua cay từ bi kịch cháy quán hát Hà Nội

Cuộc đua taxi bay trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Một nhịp đèn hơn 300 xe máy đi ngược chiều: Đừng để nhanh 1 phút, chậm nhiều cuộc đời!

Lấy vi phạm để 'chạy truyền thông', Tiktoker Dưỡng Dướng Dường quá ngông!

Cuộc chiến chống tin giả: Thách thức đối với an ninh mạng

Bàn về một số vấn đề khi sắp xếp tinh gọn bộ máy: Nhìn từ Đà Nẵng

Chuyện thưởng Tết và góc khuất của nghề freelancer

Nhìn lại 4 “đại án” năm 2024 và tinh thần ‘4 không’ trong chống tham nhũng

Đưa hàng hiệu giá hấp dẫn đến với người tiêu dùng: ‘Chìa khoá’ chinh phục niềm tin trong khó khăn

Thực phẩm chức năng 'nổ' như thuốc chữa bệnh: Phải xử nghiêm hành vi trục lợi

Từ Phan Sào Nam đến Phó Đức Nam: Khi trí tuệ bị đặt nhầm chỗ

Chuyển đổi xanh phải thay đổi từ kế hoạch đến hành động

Cơ cấu nợ cho khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3- chính sách tín dụng đậm ý nghĩa nhân văn

Trong trại giam, Mr Pips Phó Đức Nam có thấu?

Thời trang Việt Nam và ước mơ thương hiệu ‘trăm năm’

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tinh gọn bộ máy đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước