Chàng trai giàu nghị lực
Chúng tôi gặp Đỗ Đình Tiệp khi anh đang có mặt tại huyện đoàn huyện Yên Lập để dự họp. Chững chạc, tự tin và nhiều hoài bão là những gì có thể cảm nhận được khi tiếp xúc với chàng trai này. Sinh ra tại xã Đồng Lạc, tuổi thơ của Đỗ Đình Tiệp khá thiệt thòi khi bố mất sớm, mẹ đi làm ăn xa, Tiệp chủ yếu sống cùng ông bà. Có lẽ chính vì phải tự lập từ nhỏ nên Đỗ Đình Tiệp rất có ý chí cố gắng. “Học xong trung cấp kế toán, tôi có lên Hà Nội làm việc tại một cửa hàng kinh doanh lớn. Đúng lúc thạo việc thì bà ốm, tôi nghỉ việc về quê chăm bà…” - anh Tiệp tâm sự.
![]() |
Đỗ Đình Tiệp (thứ 2 từ phải sang) tham gia đoàn tặng quà hộ nghèo |
Về quê, thấy bà con trong xã xây nhà thường phải đi mua gạch ở các huyện khác, Đỗ Đình Tiệp nảy ra ý định sản xuất gạch để bán. Tìm hiểu trên thị trường, anh Tiệp nhận thấy sản phẩm gạch không nung đang được nhiều người ưa chuộng vì bền, giá lại chỉ bằng 1/4 gạch nung. Đặc biệt, gạch dễ sản xuất, nếu sản xuất ở Đồng Lạc có thể tận dụng nguyên liệu bột đá được khai thác tại chính các mỏ đá trong huyện Yên Lập.
Không dừng lại ở ý tưởng, năm 2010, anh Đỗ Đình Tiệp bắt tay vào mua máy sản xuất gạch không nung bằng 60 triệu đồng tiền vốn tích cóp được. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sản phẩm gạch không nung do xưởng của anh Tiệp làm ra ngày càng được nhiều người dân trong xã tin dùng. Năm 2013, Đỗ Đình Tiệp được tỉnh đoàn Phú Thọ tạo điều kiện cho vay 120 triệu đồng với lãi suất 0,65%. Có thêm vốn, anh Tiệp mua xe tải 3 tấn, vừa để vận chuyển gạch, vừa làm dịch vụ chở hàng hóa thuê… Anh chia sẻ: “Xưởng của tôi đang sản xuất 2 loại gạch là gạch có lỗ và không có lỗ. Tùy vào công trình của khách là nhà, bếp, trang trại hay trường học... mà tôi tư vấn sản phẩm nào cho phù hợp. Năm 2018, có khách hàng tin tưởng đặt xưởng 40 vạn để xây trang trại. Tôi vui lắm”.
Có trách nhiệm với sản phẩm, lại tư vấn nhiệt tình nên khách hàng của Đỗ Đình Tiệp giờ đây không chỉ là bà con ở xã Đồng Lạc, mà còn có cả khách hàng ở huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa (Phú Thọ), thậm chí có khách hàng tận Yên Bái cũng đặt mua. “Hiện cơ sở của tôi có 6 lao động, mức thu nhập trung bình mới là 4,5 triệu đồng/tháng, nhưng mọi người luôn đoàn kết, nên công việc khá thuận lợi. Nếu thị trường tiêu thụ tốt, tôi sẽ mua thêm máy móc để có thể cung cấp được nhiều sản phẩm hơn nữa…” - anh Tiệp tự tin cho biết.
Bí thư chi đoàn năng nổ, tích cực
Với tinh thần chăm chỉ, chịu khó phát triển kinh tế, tích cực với công việc cộng đồng, năm 2013, Đỗ Đình Tiệp được các đoàn viên bầu là Phó Bí thư đoàn xã Đồng Lạc, năm 2018, anh được tin tưởng bầu vào vị trí Bí thư đoàn xã. Với vai trò của mình, anh Tiệp không chỉ năng động mà còn khá khéo léo trong việc tổ chức cho đoàn viên tham gia các hoạt động đoàn như: Khám chữa bệnh cho người nghèo, cấp chứng minh thư, tặng quà, tặng xe đạp cho các trường hợp khó khăn. Đồng thời, tổ chức nhiều chương trình văn hóa, thể thao ý nghĩa như: Giải chạy Olimpic, giải bóng chuyền hơi nam – nữ, giao lưu văn nghệ…
Đáng nói hơn là, được sự ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, Đoàn thanh niên xã Đồng Lạc do anh Tiệp làm Bí thư đã thành lập được 4 tổ vay vốn, bao gồm 240 đoàn viên với số vốn cho vay là 6,1 tỷ đồng. Đến nay, các mô hình kinh tế do các đoàn viên làm chủ (cơ khí tổng hợp, chăn nuôi gà, kinh doanh ốc nhồi…) đều phát triển tốt. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều đoàn viên trong xã Đồng Lạc đã thoát nghèo, tự tin lập nghiệp trên quê hương…
Từ thực tế địa phương, Bí thư Đỗ Đình Tiệp cho rằng: Để tập hợp được thanh niên, cần có những chương trình hướng nghiệp bài bản kết hợp với việc tạo điều kiện cho vay vốn và hỗ trợ thanh niên kiến thức về khởi nghiệp. Có như vậy, thanh niên mới gắn bó với quê hương, tích cực lao động, sản xuất trên chính quê hương, làm giàu cho mình, cho xã hội.