Khó đạt tiêu chí môi trường
Nội dung phức tạp, nguồn lực hạn chế
Trước khi triển khai xây dựng NTM, hầu hết các công trình có liên quan đến môi trường ở các thôn, bản, xã DTTS và miền núi chưa được đầu tư xây dựng. Trong đó, hệ thống thu gom nước thải, xử lý rác thải; nghĩa trang nhiều nơi chưa được quy hoạch; quỹ đất thực hiện quy hoạch các bãi tập trung rác thải, xây dựng hệ thống xử lý rác thải chưa được bố trí; quỹ đất di dời chuồng trại, mở rộng nghĩa trang hiện có hoặc xây dựng nghĩa trang mới còn rất nhiều vướng mắc... Thậm chí, ngay cả các công trình vệ sinh thiết thực, gắn với đời sống hàng ngày của đồng bào, như: Nhà tiêu, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, sản xuất, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh… nhiều hộ cũng chưa xây dựng.
Di dời chuồng gia súc là câu chuyện không đơn giản với những địa phương có quỹ đất hạn hẹp |
Bất cập, thiếu thốn là vậy song các nội dung phải thực hiện của tiêu chí môi trường khi xây dựng NTM lại khá phức tạp. Chưa kể, mỗi một nội dung lại liên quan đến từng cơ quan chức năng riêng. Muốn kiểm tra, kiểm soát hết các nội dung cần thực hiện, các xã gặp không ít khó khăn do không đủ thẩm quyền và nguồn lực dành cho môi trường lại rất hạn chế...
Đơn cử như câu chuyện ở xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng). Thực hiện phong trào xây dựng NTM, nhiều hộ đồng bào Tày, Nùng đã đầu tư một khoản tiền không nhỏ để di dời, xây dựng chuồng gia súc riêng. Tuy nhiên, do thiếu quỹ đất nên ngay cả khi chuồng gia súc được xây cách xa nhà 5 - 10 m thì các hộ ở Phúc Sen vẫn chưa đảm bảo vệ sinh theo quy định. Đây cũng chính là lý do khiến địa phương này đạt chuẩn NTM nhưng vẫn nợ tiêu chí môi trường…
Không chỉ gặp khó khăn về quỹ đất, trong quá trình di dời chuồng gia súc, chính quyền xã Phúc Sen giống như nhiều địa phương trong cả nước khá vất vả khi thuyết phục bà con. Bởi lẽ, con trâu, con bò là thứ giá trị nhất trong gia đình nên nhiều hộ vẫn muốn nhốt dưới gầm nhà sàn do sợ mất… Bên cạnh đó, do tập quán cũ, bà con cho rằng không cần xây nhà vệ sinh, bao nhiêu đời nay không có nhà vệ sinh có sao đâu; hay từ nhận thức hạn chế, nhiều hộ còn tỏ thái độ bất hợp tác với việc thu gom rác tập trung, vô tư đổ rác ra khe suối, sườn đồi… Tiêu chuẩn “4 có” (có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có chuồng trại gia súc riêng, sạch sẽ) và “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) theo đó vẫn còn khá xa vời với nhiều hộ DTTS ở vùng sâu, vùng xa.
Lúng túng lựa chọn phương thức xử lý
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng cho thấy, mới có hộ dân ven thị trấn, thị tứ chủ động đầu tư nhà tắm, nhà tiêu, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Còn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS… tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại hợp vệ sinh mới đạt gần 50%, vẫn còn 25.780 hộ có chuồng trại gia súc trong gầm nhà sàn. Với những vấn đề lớn hơn như: xử lý chất thải rắn, hay quy hoạch nước sạch khu dân cư…, không riêng gì Cao Bằng mà với đa phần các địa phương, đây vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Xây dựng NTM triển khai đã 10 năm, nhưng đến nay, nhiều xã rất lúng túng, khó khăn trong lựa chọn phương thức xử lý các vấn đề môi trường. Cụ thể, mô hình thu gom và xử lý chất thải rắn, bao bì thuốc bảo vệ thực vật như thế nào là hiệu quả? Biện pháp, phương án xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, cụm dân cư như thế nào cho phù hợp cả về quy hoạch, nguồn lực đầu tư? Nguồn kinh phí nào để duy trì các hoạt động bảo vệ môi trường khi nguồn lực còn ở mức thấp; nhận thức và sự tham gia của cộng đồng dân cư còn nhiều hạn chế… Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, làng nghề rất khó thực hiện và không có khả năng áp dụng các biện pháp phạt. Nhiều xã đã vận động người dân thu gom rác thải sinh hoạt và rác thải rắn, nhưng không đủ điều kiện để xử lý, cũng như không có mặt bằng, nhân lực, công nghệ để xử lý…
Với rất nhiều vấn đề đang đặt ra và chưa có hướng giải quyết hiệu quả, triệt để…, việc thực hiện tiêu chí môi trường rõ ràng vẫn là vấn đề nan giải, cần sự quan tâm đầu tư đồng bộ của nhiều cấp ngành và địa phương. Trong đó, thay đổi ý thức người dân tiếp tục là việc đặc biệt quan trọng.