Hộp thư ngày 4/4: Công ty Shark Thủy bị tố bất tín; Công ty Trường Minh kêu cứu vì mất nhà máy
Mục Hộp thư bạn đọc Báo Công Thương vừa qua nhận được một số thông tin phản ánh, cụ thể như sau:
Báo Công Thương nhận được đơn của đại diện tập thể các hộ dân tại tổ dân phố Gò Dung, Khu Hành chính 16, phường Liên Bảo và các hộ dân khác đang sinh sống tại thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đơn, các hộ dân phản ánh sai phạm trong quá trình thu đất, giao đất thực hiện dự án đầu tư trồng mía và cây ăn quả của Công ty Kim Long, địa điểm tại Đồi Gẩy, xã Định Trung, phường Liên Bảo, xã Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên. Bên cạnh đó, các hộ dân cũng phản ánh dấu hiệu sai phạm của nhiều dự án khác như: Dự án Khu vui chơi giải trí Tam Đảo, Dự án điểm du lịch sinh thái và vui chơi giải trí tại Tây Thiên… Trong đơn các hộ dân cũng cho rằng, UBND thành phố Vĩnh Yên cùng các sở, ngành của tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều dấu hiệu bao che, tham nhũng...
Phản ánh tới Báo Công Thương, Công ty TNHH Trường Minh tại số 47 Nguyễn Tuân, Hà Nội cho rằng Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Yên Bái đã có nhiều dấu hiệu sai phạm trong quá trình tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với nhà xưởng gắn liền với quyền sử dụng đất, hệ thống máy móc, thiết bị nhà máy sản xuất viên nén nhiên liệu và các sản phẩm từ gỗ tại Khu công nghiệp phía Nam, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Đồng thời, Công ty Trường Minh cho rằng, chấp hành viên đã ký kết hợp đồng thẩm định giá với Công ty Cổ phần Thẩm định và Đầu tư tài chính Hoa Sen có nhiều dấu hiệu sai phạm.
Hộp thư bạn đọc Báo Công Thương nhận được phản ánh về dấu hiệu sai phạm trong quá trình cưỡng chế thu hồi tài sản tại Nhà máy viên nén nhiên liệu gỗ của Công ty Trường Minh tại Yên Bái |
Báo Công Thương cũng nhận được phản ánh của bà N.L.A có địa chỉ tại Ninh Bình cho rằng Công ty Cổ phần Đầu tư và Phân phối EGAME do ông Nguyễn Ngọc Thủy (thường gọi Shark Thủy) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị có dấu hiệu "bội tín", gian lận thương mại bằng các hình thức ký hợp đồng hợp tác chiến lược thông qua việc cho tặng, cổ phần tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục EGroup.
Nhiều nhà đầu tư đang phải "nếm trái đắng" buộc phải căng băng rôn để đòi tiền Shark Thủy - Ảnh Internet |
Công dân cho rằng, với hình thức kể trên, Công ty của Shark Thủy có lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của rất nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên tất cả các nhà đầu tư này đều không hề biết số tiền mà họ nộp cho Tập đoàn Egroup được doanh nghiệp này dùng vào việc gì và sử dụng như thế nào?
Báo Công Thương sẽ xác minh, làm rõ phản ánh của bạn đọc để thực hiện công tác quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân cũng như bảo vệ uy tín của doanh nghiệp nếu như phản ánh thông tin chưa chính xác.