Thứ sáu 22/11/2024 17:54

Hòa Bình gia tăng giá trị nông sản qua sàn thương mại điện tử

Nắm bắt xu hướng mới, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, Hòa Bình tích cực hỗ trợ bà con vùng dân tộc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Đa dạng mặt hàng nông sản

Hòa Bình là tỉnh đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm hơn 74% dân số nhưng lại là địa phương có nhiều nông sản chủ lực như cam, quýt, bưởi, lợn bản địa, gà, cá sông Đà… Hiện toàn tỉnh có 100 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm 22 sản phẩm đạt 4 sao, 78 sản phẩm đạt 3 sao. Trong số đó phần lớn là sản phẩm OCOP của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hòa Bình là tỉnh có nhiều nông sản được người tiêu dùng yêu thích. Ảnh: Dân Việt

Bên cạnh đó, địa phương cũng có trên 10 nghìn ha cây ăn quả có múi, diện tích thu hoạch trên 8 nghìn ha. Đến nay, đã chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ cho 3.525 ha sản phẩm quả các loại, 561 ha rau các loại; chứng nhận cho 1.945 lồng cá, 22 cơ sở chăn nuôi…

Những năm gần đây, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hòa Bình ngày càng tăng; hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa, đặc biệt của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi có giá trị kinh tế cao. Một số sản phẩm nông sản được nâng tầm về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm để có mặt tại hầu hết các thị trường trong nước và từng bước tự tin vươn ra thế giới.

Số liệu thống kê cho thấy, hết năm 2022, toàn tỉnh đã xuất khẩu 1.029 tấn sản phẩm, gồm chuối, nhãn, bưởi, mía sang thị trường các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu; xuất khẩu 975 tấn sản phẩm đã qua chế biến là măng, gừng... và 35 triệu lon sản phẩm chế biến từ các loại hạt sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Hàn Quốc và thị trường một số nước châu Âu...

Cũng trong năm 2022, số doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm nông, lâm sản xuất khẩu tăng mạnh. Nhiều lô sản phẩm nông nghiệp của bà con trong tỉnh được người tiêu dùng ưa thích, đem lại lợi nhuận cao như: Mía tươi Tân Lạc, măng tươi Kim Bôi, cam Cao Phong, nhãn Sơn Thủy, chè sông Bôi… Những kết quả tích cực này đã góp phần phát triển bền vững nền nông nghiệp của tỉnh, nâng cao giá trị gia tăng cho bà con, nhất là bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong kế hoạch phát triển giai đoạn năm 2023-2025, Hòa Bình sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết với chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm tiềm năng, sản phẩm lợi thế phục vụ công nghệ chế biến và xuất khẩu; nâng cao năng lực sơ chế, bảo quản sản phẩm; năng lực chế biến sâu, chế biến tinh nông sản chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức quảng bá và tiêu thụ sản phẩm chủ lực…

Nỗ lực đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Từ năm 2021, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ hàng hóa theo phương thức truyền thống gặp nhiều cản trở. Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 194/KH-UBND về việc hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch số 194/KH-UBND, Sở Thông tin và Truyền thông đã tăng cường phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền triển khai thực hiện kế hoạch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương phối hợp cùng cơ quan chức năng và đại diện các sàn thương mại điện tử trực tiếp hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp quy định về hàng hóa theo cam kết, đảm bảo nông sản an toàn chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất còn được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử…

Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh cũng đã chủ động nắm bắt cơ hội, đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử uy tín như: Sendo, Shoppe, Lazada, Postmart, Voso…

Tính riêng tại huyện miền núi Cao Phong, niên vụ 2021 - 2022, để mở rộng kênh tiêu thụ cam, UBND huyện đã phối hợp với Sở Công Thương ký cam kết tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử Posmart.vn và Voso.vn. Qua đó, mở thêm cơ hội cho nông dân giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng cả nước. Theo số liệu thống kê, đã có 23 tấn cam Cao Phong được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và 17,5 tấn tiêu thụ tại sàn Voso.vn.

Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đã góp phần tạo thêm kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững cho nông sản địa phương; tạo không gian kinh doanh mở, định vị đúng giá trị thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, mang lại nhiều cơ hội để nông sản chất lượng cao của tỉnh Hòa Bình đến tay người tiêu dùng trong nước và vươn tới quốc tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các sở, ngành, địa phương, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử còn khiêm tốn. Nhiều tổ chức, cá nhân mới tiếp cận tham gia sàn thương mại điện tử nên còn bỡ ngỡ... Một số hộ sản xuất nông nghiệp chưa đủ điều kiện đảm bảo để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như thiếu điện thoại thông minh, điện thoại cấu hình thấp dẫn tới hình ảnh chất lượng kém…

Để tiếp tục hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã… đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… thời gian tới, Sở Công Thương Hòa Bình sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương mở lớp đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân nội dung liên quan đến thương mại điện tử...

Để nâng cao chất lượng nông sản chủ lực, tỉnh Hòa Bình khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân đầu tư vào sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản với quy mô công nghiệp, công nghệ thiết bị có thể chế biến đa dạng chủng loại sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Tâm An
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Hòa Bình

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Chú trọng công tác kiện toàn nhân sự Chương trình 1719

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao