Hà Giang: Phát triển sản phẩm bò vàng theo hướng hàng hóa
Bò vàng chống chịu khá tốt với điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên và dịch bệnh. Bên cạnh đó, bò vàng có năng suất thịt cao và chất lượng thịt thơm ngon và đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bình chọn đưa vào danh sách bảo tồn.
Trong những năm qua, khi tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2018 đến nay, bò vàng đã trở thành sản phẩm OCOP đặc thù của bà con dân tộc thiểu số 4 huyện vùng cao nguyên đá và của tỉnh Hà Giang.
Bò vàng - sản phẩm OCOP đặc thù của Hà Giang |
Bò vàng là giống đặc thù của tỉnh Hà Giang nên rất phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương như chịu rét tốt, chống chịu dịch bệnh, phù hợp với điều kiện sống khắc nghiệt trên vùng núi đá.
Bò vàng có nhiều màu sắc khác nhau từ vàng, vàng cánh gián, đen tuyền đến màu đốm đen... nhưng màu sắc chủ đạo của bò vàng là màu vàng và vàng cánh gián.
Bò vàng không những là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà thịt bò vàng còn là nguyên liệu để chế biến thành thịt bò khô. Đây chính là món đặc sản của người dân và khách du lịch khi lên tham quan trên vùng cao nguyên đá của Hà Giang.
Nhận thấy bò vàng không chỉ là sản phẩm OCOP đặc thù của 4 huyện cao nguyên đá mà còn là một trong những sản phẩm chăn nuôi góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại 4 huyện cao nguyên đá; trong những năm qua, Hà Giang đã có nhiều chính sách để bảo tồn và phát triển giống bò vàng địa phương. Đó là áp dụng tiến bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trên đàn bò và đẩy mạnh phát triển bò vàng theo hướng hàng hóa.
Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò vàng trên vùng cao nguyên đá theo hướng hàng hóa, trong những năm qua, Hà Giang đã có nhiều chính sách cụ thể và hiệu quả nhằm hỗ trợ cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò vàng nói riêng phát triển một cách hiệu quả và bền vững, dần trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của vùng.
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp của Hà Giang đã đưa giống cỏ VA 06 có năng suất và chất lượng cao vào trồng đại trà tại 4 huyện cao nguyên đá. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Trung tâm Giống cây trồng và Gia súc Phó Bảng huyện Đồng Văn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mèo Vạc đẩy mạnh triển khai, nâng cao hiệu quả của Đề án “Thụ tinh nhân tạo trên đàn bò” và đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Một góc phiên chợ bò huyện Mèo Vạc, Hà Giang |
Những con bê con ra đời từ thụ tinh nhân tạo có tầm vóc và thể trọng lớn hơn so với các bê con được sinh ra theo phương pháp giao phối tự nhiên từ 6 - 8 kg. Đây chính là hướng mở nhằm nâng cao năng suất, chất lượng giống bò vàng trong phát triển chăn nuôi bò hàng hóa tại 4 huyện cao nguyên đá.
Nhờ chủ trương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò vàng theo hướng hàng hoá tại 4 huyện cao nguyên đá, Hà Giang đã huy động được mọi nguồn lực trong phát triển chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Chương trình thụ tinh nhân tạo trên đàn bò không những góp phần bảo tồn, chống suy thoái chất lượng giống bò vàng mà còn nâng cao năng suất, chất lượng giống bò vàng của địa phương, đưa chăn nuôi bò trở thành hàng hoá có thu nhập cao, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh.
Đó là tiền đề và nền tảng quan trọng thúc đẩy quá trình xoá đói giảm nghèo bền vững và hiệu quả đối với đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá của Hà Giang.