Hà Giang – Phát huy vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên trong loại bỏ hủ tục
Thời gian qua, nhờ phát huy tốt vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên tại cơ sở, đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giangđã từng bước loại bỏ các hủ tục ra khỏi cuộc sống, xây dựng nếp sống văn minh trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân tại các thôn, bản.
Các cấp chính quyền cùng vào cuộc
Thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang và Chỉ thị số 09 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ hủ tục, lạc hậu ở đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Sau một thời gian thực hiện, nhiều địa phương của Hà Giang đã trở thành những điểm sáng trong việc loại bỏ hủ tục ra khỏi đời sống sinh hoạt với những cách làm hay và hiệu quả.
Tại Đồng Văn, nhằm thực hiện Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27, Huyện ủy Đồng Văn đã ban hành chương trình hành động với từng mục tiêu, giải pháp triển khai cụ thể. Đồng Văn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhiều biện pháp quyết liệt, nhiều hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu đã dần được gỡ bỏ.
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 27 trên địa bàn huyện thời gian qua thấy rõ, ngoài sự định hướng đúng đắn, sự vào cuộc kiên quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương còn có sự đóng góp tích cực của các cá nhân, tập thể trong bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.
Theo đó, công tác tổ chức quán triệt, tuyên truyền bài trừ các hủ tục lạc hậu tới cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân. Đồng Văn đã thành lập Ban Chỉ đạo 2 cấp, thống nhất phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; củng cố, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên các cấp; yêu cầu các địa phương tổ chức hội thảo, mạn đàm, gặp gỡ nghệ nhân dân gian, gặp mặt, biểu dương người có uy tín, tổ chức ký kết với từng hộ dân trong việc xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, rườm rà trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng chí Dương Ngọc Đức- Trưởng ban dân vận Huyện ủy- Phó ban chỉ đạo bài trừ hủ tục huyện làm việc với cấp ủy, chính quyền xã Sáng Tủng về việc triển khai Chỉ thị 09 và Nghị Quyết 27 của Tỉnh ủy Hà Giang về bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh |
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã ghi nhận 29 dòng họ, 19 thôn, tổ dân phố và 26 cá nhân tiêu biểu trong xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, rườm rà, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân.
Đại diện lãnh đạo Huyện ủy Đồng Văn cho biết, địa phương đã lựa chọn 2 xã Thài Phìn Tủng và Lũng Cú làm điểm; chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” và Hội thảo Thanh niên với công tác bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn huyện…
Phát huy vai trò của tổ chức Đảng và Đảng viên tại cơ sở
Nhờ sự quán triệt và phát huy vai trò của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên chi bộ tại các cơ sở đảng, đến nay các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đồng Văn tổ chức quán triệt được 22 hội nghị, với 868 đại biểu là Ủy viên BCH Đảng bộ xã, các ngành, các đồng chí Bí thư, Trưởng thôn, mặt trận tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến được 540 buổi với 1.700 người tham gia.
Các thôn/tổ dân phố tổ chức 450 hội nghị lồng ghép với các buổi sinh hoạt Chi bộ và sinh hoạt thôn đến 3.800 đảng viên và gần 16 nghìn hộ. Tuyên truyền lưu động 18 buổi đến từng thôn, xóm, khu dân cư; sản xuất và tiếp sóng phát thanh, truyền hình trên 500 tin, phóng sự tuyên truyền về bài trừ hủ tục lạc hậu trên đài truyền thanh, truyền hình và trang thông tin điện tử của huyện. 19/19 xã, thị trấn đều đã ban hành Chương trình hoặc kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 09.
Điển hình, một số xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân. Nhiều xã đang là điểm sáng như: Lũng Cú, Tả Lủng, Sà Phìn, Sính Lủng, Lũng Thầu, Sính Lủng, Sủng Trái, thị trấn Đồng Văn.
Đơn cử như ở Sà Phìn là xã có 100% dân số là người Mông và đang tích cực triển khai các biện pháp bài trừ hủ tục lạc hậu. Xã đã rà soát và nhận diện có 12 hủ tục trong việc tang, 3 hủ tục trong việc cưới và 4 hủ tục trong đời sống sinh hoạt của người dân như: Không đưa người chết vào áo quan, người chết để lâu trong nhà và còn bón cơm; giết mổ nhiều gia súc trong đám tang; lễ vật thách cưới cao; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; con gái không được cho đi học nhiều…
Đồng thời, nhận thấy không phải tất cả các dòng họ, thôn xóm đều có các hủ tục giống nhau. Vì vậy, xã đã tổ chức gặp mặt, mạn đàm, tuyên truyền tới Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, người có uy tín, ban quản lý thôn thông tin, tuyên truyền về các hủ tục lạc hậu và hậu quả mà nó mang lại cho đời sống, kinh tế-xã hội để họ vận động các gia đình dần xóa bỏ, xây dựng nếp sống văn minh.
Bí thư Đảng ủy xã Sà Phìn Nguyễn Văn Hãnh cho biết: Qua thời gian tuyên truyền, vận động và triển khai các biện pháp bài trừ hủ tục lạc hậu, hiện đã có 1 thôn cam kết không ăn cơm trên máng gỗ khi tổ chức đám tang; có 9 đám tang không để người chết quá 48 giờ mới đem chôn; không mổ quá 2 con gia súc; không còn tình trạng thách cưới cao; 5/8 dòng họ trên địa bàn đã đưa người chết vào áo quan; tình trạng tảo hôn dần được xóa bỏ; vận động người dân đi viếng đám ma (trả lễ) bằng tiền thay vì gia súc như trước đây…
Từ sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn, sau 01 năm triển khai Chỉ thị số 09, huyện Đồng Văn đã tổ chức cho 829 gia đình cam kết không để con tảo hôn, hôn nhân cận huyết; vận động 100% các đám cưới thực hiện tiết kiệm, không tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài; trên địa bàn huyện không còn kết hôn cận huyết thống; vận động giải quyết dứt điểm 112 cặp tảo hôn.
Trong việc tang, các dòng họ như: Ly, Lầu, Thào, Sùng, Sình, Vừ, Vàng, Tráng ở xã Sà Phìn, Tả Lủng, Phố Cáo đã đưa người chết vào áo quan, không để người chết trong nhà dài ngày, không giết mổ nhiều gia súc trong đám tang; riêng dịp Tết nguyên đán 2022, 96 đám tang rút ngắn thời gian tổ chức không quá 24 tiếng.
Các địa phương cũng không ghi nhận có hiện tượng mê tín dị đoan. Trong đời sống, sinh hoạt, huyện đã phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền lồng ghép với các chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cải tạo vườn tạp, vệ sinh môi trường nông thôn. 100% các trường học tích hợp nội dung bài trừ hủ tục lạc hậu vào chương trình giảng dạy, ngoại khóa. Các thôn, bản từng bước đưa nội dung bài trừ hủ tục lạc hậu vào quy ước, hương ước…
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đồng Văn Dương Ngọc Đức cho biết: Những kết quả bước đầu đạt được khi triển khai Chỉ thị số 09 của huyện đến từ sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt, xuyên suốt của Ban thường vụ Huyện ủy và toàn hệ thống chính trị, với những các làm phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi xã, mỗi thôn, dân tộc và dòng họ trên địa bàn, như: Chỉ đạo 100% các chi, đảng bộ bổ sung nội dung thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu gắn với xây dựng nếp sống văn minh vào chương trình công tác trọng tâm, coi đó là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục từ huyện đến xã. Lấy đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ làm nòng cốt trong tuyên truyền, vận động. Củng cố đội ngũ tuyên truyền viên người dân tộc thiểu số. Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho hội nghệ nhân dân gian, khuyến khích và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng…
Đồng chí Dương Ngọc Đức (áo trắng)- Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện ủy- trưởng ban dân vận Huyện ủy đến từng hộ dân thăm hỏi, tuyên truyền xoá bỏ hủ tục- xây dựng nếp sống văn minh |
Hay như tại Phố Cáo, đây là 1 trong những xã đi đầu trong bài trừ hủ tục, tích cực xây dựng nếp sống văn minh.
Toàn xã có 12 dòng họ, trong đó có 5 dòng họ đi đầu trong bài trừ hủ tục, gồm: Dòng họ Hầu thôn Sủa Pả A, dòng họ Thào thôn Chúng Pả A, dòng họ Sùng thôn Sủa Pả B, dòng họ Lầu thôn Tráng Phúng B và dòng họ Ly thôn Sảng Pả. Thời gian qua, 5 dòng họ trên đã thực hiện tốt việc đưa người chết vào áo quan trong quá trình tổ chức tang lễ, các gia đình trong dòng họ thực hiện bài trừ các hủ tục như: Không mổ nhiều bò, không tổ chức tang lễ dài ngày, thực hiện ăn uống hợp vệ sinh. Đây cũng là 5 dòng họ được cấp ủy, chính quyền xã chọn làm điểm trong cam kết thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục của xã.
Ông Hầu Súa Mỷ, thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo chia sẻ: Cách đây rất nhiều năm, gia đình tôi và các gia đình trong dòng họ đã bắt đầu nhận thức được việc cần thiết phải tổ chức đám tang văn minh, cho người chết vào áo quan. Đến nay, dưới sự tuyên truyền, định hướng của cấp ủy, chính quyền xã, 100% các nhánh trong dòng họ Hầu của tôi đã đồng tình và thực hiện theo; dòng họ Hầu cũng được đánh giá là dòng họ tiêu biểu, đi đầu trong đưa người chết vào áo quan và thực hiện văn minh trong việc tang.
Dòng họ Vàng và Giàng là 2 dòng họ thực hiện văn minh trong việc tang, ngay từ rất sớm của xã Sà Phìn. Ông Vàng Chìa Sò, thôn Sà Phìn A, chia sẻ: Trước đây, mỗi đám tang mổ nhiều trâu, bò đã để lại nặng gánh nợ nần cho người sống. Tuy nhiên, đến nay, đám tang kéo dài nhiều nhất chỉ để 3 ngày, mổ 1 con bò, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, hạn chế tình trạng uống rượu, không xảy ra xích mích trong các đám tang, đám cưới,…
“Được nêu gương là cá nhân tiêu biểu trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, tôi nhận thấy trách nhiệm của mình phải giúp nhiều người trong thôn, trong xã nhận thức đúng đắn, xóa bỏ hủ tục nghìn đời nay để phát triển. Tôi đã cùng với cán bộ Tổ Dân vận thôn đến từng hộ chưa thực hiện để vận động. Mong muốn một ngày không xa, bà con đều nhận thức được ý nghĩa của việc bài trừ các hủ tục và tiếp tục gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào”, ông Hầu Súa Mỷ chia sẻ.
Cũng theo ông Dương Ngọc Đức, thời gian tới, huyện sẽ chú trọng nhân rộng các cá nhân, tập thể điển hình; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ này để họ và đội ngũ các nghệ nhân dân gian, thầy mo, thầy cúng chung tay với cấp ủy, chính quyền địa phương. Những kết quả đạt được trong việc xóa bỏ các hủ tục để xây dựng đời sống văn hóa mới chính là những bước tiến vững chắc trong xây dựng Nông thôn mới và từng bước giúp bà con nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.