Thứ bảy 28/12/2024 08:24

Du lịch tạo sức bật cho nền kinh tế hàng hóa ở vùng cao Yên Minh (Hà Giang)

Nhờ phát triển du lịch, nông sản, hàng hóa trên địa bàn huyện Yên Minh (Hà Giang) được tiêu thụ, nhờ đó đời sống người dân đã từng bước được cải thiện.

Du lịch tạo sức bật cho tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù và tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, sinh kế tạo việc làm, hỗ trợ sản xuất… như: hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và Chương trình 135. Nhờ đó, đời sống của đồng bào đã dần được nâng cao; các chính sách an sinh xã hội được tăng cường; cơ sở hạ tầng thiết yếu được cải thiện.

Là một trong 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc, nằm trong số 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang, Yên Minh có 17 dân tộc, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số, như: Mông, Dao, Tày, Giáy, Xuồng, Pu Péo, Cờ Lao,… đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên với các chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua nhiều chương trình hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế đã được triển khai tại Yên Minh, qua đó đã giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Chia sẻ với phóng viên ông Hoàng Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Minh cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, nên việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Yên Minh đã có những đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…

Đơn cử như Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND tỉnh Hà Giang ngày 16/7/2021 về quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội, đối tượng khó khăn trên địa bàn tỉnh Hà Giang được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Qua đó nhiều hộ gia đình tại Yên Minh đã được hỗ trợ nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ Nghị quyết 35 mà nhiều hộ dân ở Yên Minh đặc biệt là tại xã Du Già- địa phương có tiềm năng phát triển du lịch đã mạnh dạn đầu tư các mô hình Homestay để đón du khách. Mỗi gia đình được chính quyền hỗ trợ không hoàn lại số tiền 60 triệu đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lưu trú”- ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Thác nước Ba Tiên, xã Du Gà là địa điểm ưa thích của du khách quốc tế khi đến với Yên Minh

Tại xã Du Già, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 lượt khách du lịch đến đây, trong đó 90% là khách quốc tế. Hiện Du Già có trên 30 hộ dân làm Homestay, trong đó có 19/26 hộ dân đã được nhận hỗ trợ 60 triệu đồng theo Nghị quyết 35 của Hội đồng nhân dân tỉnh để đầu tư làm homestay đón du khách.

Ông Nguyễn Kiên Cường – Phó chủ tịch UBND xã Du Già cho biết: Trước kia đầu ra nông sản của người dân địa phương không có, nhưng từ khi Du Già phát triển du lịch, các sản phẩm nông sản của người dân địa phương đã cung cấp trực tiếp cho các Homestay. Ngoài ra, các homestay cũng đã thu nhận lao động địa phương đến làm việc, trung bình mỗi gia đình thuê từ 3-5 lao động, những thời điểm đông khách lực lượng lao động bán thời gian lên tới 30-50 lao động. Du lịch phát triển đã góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, trung bình mỗi lao động làm tại các homestay có thu nhập từ 5-15 triệu đồng/ lao động/tháng.

"Đặc biệt, số hộ nghèo ở Du Già giảm nhanh chóng, trước năm 2019 hộ nghèo của xã đạt trên 80% tuy nhiên sau 3 năm phát triển du lịch, hộ nghèo theo chuẩn mới ở Du Già chỉ còn trên 50%. Thu nhập trung bình của mỗi hộ làm homestay ít nhất cũng đạt 60 triệu đồng/tháng, sau khi trừ hết các chi phí ”- ông Cường khẳng định.

Khách du lịch lưu trú tại các homestay ở Du Già

Du lịch đã đem lại đổi thay trong diện mạo đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của Yên Minh, nói về vấn đề này, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm: Có thể khẳng định, hoạt động du lịch và dịch vụ ở Yên Minh đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt là năm 2022 khi mà dịch Covid-19 đã từng bước được khống chế, từ 15/3 du lịch trong nước đã được mở cửa, trong 9 tháng của năm 2022 lượng du khách đến với Yên Minh đạt 72.520 lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt trên 15,2 tỷ đồng. Yên Minh cũng đã kêu gọi và thu hút 2 dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch với tổng số vốn đăng ký thực hiện là 80 tỷ đồng.

Cùng với sự phát triển của du lịch, số cơ sở lưu trú và chất lượng dịch vụ cũng được tăng lên.Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 61 cơ sở lưu trú, trong đó có 07 khách sạn; 19 nhà nghỉ; 35 Homestay với tổng số 338 phòng. Công suất sử dụng phòng đạt 55 - 60%, doanh thu từ du lịch - dịch vụ tăng bình quấn trên 20%. Hơn 15 nhà hàng ăn uống, trên 20 quán ăn nhỏ, các dịch vụ ăn, nghỉ cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.

Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Nhờ phát triển du lịch, du khách khi đến với Yên Minh không chỉ đơn thuần sử dụng các dịch vụ ăn, nghỉ, thăm quan, trải nghiệm tại địa phương, mà nhiều mặt hàng nông sản, hàng hóa được Yên Minh xây dựng, phát triển thành các sản phẩm đặc trưng của huyện và đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao cũng được du khách thưởng thức và lựa chọn mua về làm quà.

Điển hình phải kể đến sản phẩm thịt chua của gia đình anh Nông Văn Hải ở thôn Bó Mới, xã Đông Minh. Nhận thấy du khách đến với Yên Minh ngày một đông, anh Hải đã bàn với gia đình mở xưởng chuyên làm thịt chua đặc sản dân tộc Nùng, dân tộc Xuồng để phục vụ nhân dân và khách du lịch.

Điều này không chỉ giúp gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Kết quả đến nay, trung bình mỗi năm gia đình anh Hải đã cung ứng ra thị trường gần 1 tấn thịt chua mỗi năm.

Còn với HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thanh Niên với các sản phẩm được nhiều du khách ưa thích như: Mật ong bạc hà, Ớt gió Ngọc Tuyên…Phát triển các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa nông sản đồng thời thúc đẩy kinh tế hàng hóa địa phương phát triển. Chỉ tính riêng trong năm 2022, HTX đã có 2 sản phẩm được Hội đồng OCOP tỉnh xếp hạng 3 sao. Xác định được tầm quan trọng của Chương trình, HTX đã không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã bao bì để sản phẩm vươn ra thị trường.

Yên Minh đã phát triển các sản phẩm OCOP cùng với du lịch, đời sống kinh tế người dân đã từng bước được cải thiện

Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, hiện chương trình OCOP và du lịch đã tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện. Qua đó, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có, góp phần phát huy, nâng cao giá trị nhiều sản phẩm thế mạnh.

Từ năm 2019 đến nay, huyện Yên Minh đã phát triển được 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Trong đó, sản phẩm tập trung ở các ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống và thảo dược. Trong năm 2023, Yên Minh đã có 18 sản phẩm của 13 chủ thể là các hợp tác xã, hộ kinh doanh tại 12 xã/thị trấn đăng ký tham gia đánh giá. Hiện, ngành chuyên môn huyện đang phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, đánh giá khả năng, quy mô sản xuất và các giấy tờ thủ tục liên quan của chủ thể để định hướng, hướng dẫn tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Tỉnh Hà Giang

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: cô gái Nùng khởi nghiệp thành công với hồng vành khuyên treo gió

Lạng Sơn: đưa con chữ đến từng bản làng

Sơn La: nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hà Nội: Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025 có gì đặc sắc?

Sơn La: Các hộ dân nghèo xã Chiềng Kheo được hỗ trợ ổn định nhà ở

Lạng Sơn: Chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số và người có công

Thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc trong phát triển kinh tế

Sắc màu văn hóa các dân tộc tỉnh Lai Châu tại TP. Đà Nẵng

Bài 3: Cơ hội cho Hà Giang chuyển mình

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Lạng Sơn: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu