Đồng Doong: Xa rồi những ngày gian khó
Thôn Đồng Doong thuộc xã Minh Cầm (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) với 3 dân tộc cùng sinh sống, chiếm đại đa số là dân tộc Tày và Dao, còn lại là dân tộc Kinh. Năm 2016, Đồng Doong có 42 hộ nhưng có tới 10 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo, nhiều gia đình vẫn còn ở trong những ngôi nhà tạm, gió lùa tứ bề. Nằm cách trung tâm xã chưa đầy 3km, nhưng nhắc tới Đồng Doong, nhiều người vẫn hình dung về một thôn nghèo, xa xôi, gian khó.
Các Trà hoa vàng trở thành sản phẩm hàng hóa - cơ hội làm giàu cho đồng bào ở Đồng Doong |
Năm 2016, Quảng Ninh thực hiện Chương trình “Phấn đấu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135”, như nhiều thôn bản khác, Đồng Doong triển khai chương trình với nhiều buồn vui, âu lo. “Khi đó, huy động người dân đóng góp ngày công vào công trình chung còn khó. Ngay cả cán bộ thôn cũng chưa thấm nhuần hết trách nhiệm của mình cũng như ý nghĩa mà chương trình mang lại” – ông Chu Văn Bạo – Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Doong chia sẻ.
Để bà con trong thôn thông suốt, Bí thư Chu Văn Bạo đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong Ban chi ủy, tổ chức họp chi bộ để phân công nhiệm vụ đến từng gia đình. “Với phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà”chúng tôi đã từng bước tuyên truyền, vận động, nhắc nhở đối với các hộ không tham gia, chưa tích cực đóng góp ngày công vào các công trình. Đồng thời vận động các hộ có đủ điều kiện về đất đai, lao động mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả” – ông Bạo nhớ lại.
Thôn bản đẹp hơn nhờ những con đường được bà con hiến đất, góp công xây dựng |
Với cách thuyết phục này, cùng việc công khai, cụ thể các chương trình, kế hoạch; phân công cán bộ thôn phụ trách theo từng dự án… cán bộ và nhân dân Đồng Doong đã tìm được tiếng nói chung trong việc thực hiện Chương trình 135 và xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, từ năm 2016 - 2019, hàng năm nhân dân trong thôn đều khai thác, tận dụng các diện tích trồng cây lương thực, hoa màu để phục vụ cho gia đình và chuyển thành hàng hóa. Đặc biệt các hộ dân trong thôn thường xuyên khai thác, trồng rừng sau khai thác, đưa diện tích trồng rừng bình quân trong thôn đạt 65 héc-ta/năm. Bên cạnh đó, đồng bào trong thôn còn duy trì chăn nuôi đàn lợn 80 con/năm, đàn gia cầm 650 con/năm.
Cũng theo ông Bạo, từ năm 2016 - 2019, bà con trong thôn Đồng Doong đã thực hiện hiến trên 3.000 m2 đất sản xuất, 6.250 cây ăn quả, cây lâm nghiệp để làm đường giao thông; tham gia 420 ngày công làm 1.470 m đường nội thôn, ngõ xóm, 327 m đường ra cánh đồng. 650 m cống rãnh thoát nước thải… số ngày công của người dân đóng góp quy đổi thành tiền là khoảng 90 triệu đồng. Không chỉ giúp cho thôn, xóm sạch đẹp, khang trang… cách nghĩ, cách cảm của người dân về lối sống, nếp sinh hoạt cũng đã văn minh, sạch sẽ hơn rất nhiều.
Dẫn chúng tôi đi vòng quanh thôn, men theo những vườn ba kích, trà hoa vàng đang lên xanh… Bí thư Chu Văn Bạo phấn khởi: Đây đều là diện tích cây dược liệu mới được triển khai trong giai đoạn 2016 - 2019. Hy vọng, khi các loại cây trồng này cho thu hoạch, thu nhập bình quân đầu người của thôn Đồng Doong sẽ cao hơn nhiều, chứ không chỉ dừng lại ở 60 triệu đồng/người/năm như hiện nay.
Kết thúc năm 2019, Đồng Doong đã được ra khỏi danh sách các thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh. Sau niềm vui thoát nghèo, đồng bào dân tộc Tày, Dao ở Đồng Doong đang bắt đầu nghĩ tới một tương lai mới tốt đẹp hơn, với cuộc sống ngày một giàu đẹp, no ấm.