Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất |
Kinh doanh tại TP. Sơn La từ năm 2000, đến năm 2015, bà Vũ Thị Huệ (Tổ 12, phường Chiềng Lề, TP. Sơn La) là một trong những hộ doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam theo sự vận động của Sở Công Thương. Đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại cửa hàng đã lên đến 95%.
Bà Vũ Thị Huệ cho biết, xu hướng của người tiêu dùng Sơn La ngày càng thích dùng hàng trong nước sản xuất nên kể từ khi xây dựng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam, cửa hàng của bà ngày càng đông khách. Các sản phẩm được người dân ưa chuộng có thể kể đến: Sữa Mộc Châu, Cô gái Hà Lan, TH True milk; mì Vifon, Cung Đình, Hảo Hảo; bánh kẹo Kinh đô, Hải Hà, Hữu Nghị, Tràng An… “Chúng tôi định hướng sẽ bày biện cửa hàng đẹp hơn, phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để cạnh tranh tốt với hàng nước ngoài; nâng tỷ lệ hàng Việt lên cao hơn nữa” - bà Vũ Thị Huệ cho hay.
Không giống các Điểm bán hàng Việt Nam khác, Mộc Châu Farm là điểm chuyên kinh doanh hàng đặc sản địa phương với tỷ lệ 100% là hàng sản xuất trong nước. Anh Lê Hoàng Hà - quản lý cửa hàng - cho biết, trước đây, khi chưa xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam, khách du lịch còn khá e dè khi mua hàng hóa tại cửa hàng vì không tin tưởng xuất xứ. Từ khi xây dựng điểm bán, với sự bảo hộ của Sở Công Thương tỉnh Sơn La, đến nay, người tiêu dùng ngày càng tin tưởng chọn mua hàng hóa tại đây.
Ông Nguyễn Duy Nhượng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La - cho hay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hàng Việt có chất lượng tốt, giá phải chăng, từ năm 2015, tỉnh bắt đầu triển khai mô hình Điểm bán hàng Việt Nam. Đến hết năm 2017, Sơn La đã xây dựng thành công 7 mô hình. Điểm bán hàng Việt Nam cố định được ưu tiên đầu tư xây dựng tại các khu vực có hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu mỏng; hoặc những khu vực tập trung nhiều khách du lịch nhằm hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt với giá cạnh tranh; quảng bá hàng hóa đặc sản địa phương. Hàng hóa được bày bán phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm. Sau gần 3 năm triển khai, đến nay, các điểm bán thu hút đông đảo người dân mua sắm, nhân rộng hơn hiệu quả của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam khi triển khai trên địa bàn Sơn La.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, các Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh Sơn La đều nhận được sự hưởng ứng của người tiêu dùng địa phương. Để bà con được sử dụng nhiều hàng hóa có chất lượng, các Điểm bán hàng Việt Nam thực hiện ký hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất để lấy hàng với giá gốc. Từ đó, hàng hóa luôn được bán với giá thấp hơn thị trường từ 5 - 10%/sản phẩm. Đây là yếu tố quan trọng để kích thích bà con Sơn La - vốn có thu nhập không cao - đến với các Điểm bán hàng Việt Nam.
Sơn La phấn đấu đến năm 2020, mỗi huyện trên địa bàn tỉnh có ít nhất 1 Điểm bán hàng Việt Nam. |
Đưa hàng Việt đến với công nhân |
Điểm bán hàng Việt Nam: Thành công trong việc nhân rộng |
Đẩy mạnh xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam cố định |