Bộ Công Thương kêu gọi, địa phương "vào cuộc" kích cầu tiêu dùng hàng Việt
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 của Bộ Công Thương diễn ra mới đây, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính - Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn cuối năm, Bộ Công Thương xác định trong giai đoạn cao điẻn tiêu dùng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Các giải pháp tập trung vào xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng cuối năm.
Các địa phương, doanh nghiệp tăng cường kích cầu hàng Việt Nam (Ảnh: Cấn Dũng) |
Ngày 1/11/2024, Bộ Công Thương ban hành Văn bản số 8791/BCT-TTTN ngày 1/11/2024 về việc hưởng ứng Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên toàn quốc năm 2024. Theo đó, Bộ Công Thương phát động tổ chức Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam” “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2024 (Chương trình) gắn với kỷ niệm 15 năm thực hiện Cuộc vận động của ngành Công Thương. Trong đó, tập trung vào các hoạt động thông tin tuyên truyền, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng hàng Việt…
Hưởng ứng hoạt động kích cầu tiêu dùng của Bộ Công Thương, đồng thời triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian qua, các địa phương cũng tăng cường triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng.
Đơn cử, tại Bắc Giang, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tinh tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp, nhà phân phối ưu tiên bán những mặt hàng do Việt Nam sản xuất. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh giám sát việc thực hiện cam kết của các doanh nghiệp bán lẻ về tỷ lệ hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt trong các trung tâm thương mại, chợ truyền thống.
Thời gian qua, Ban chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Bắc Giang đã treo pano tuyên truyền trên các tuyến phố chính, siêu thị, trung tâm thương mại, bảng led điện tử tại các địa điểm công cộng. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, hàng Việt đã được người dân ưu tiên sử dụng.
Tại Bình Thuận, nhằm góp sức quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng Việt, ngành Công Thương cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm. Đây được xem là cơ hội tốt để quảng bá, giới thiệu sản phẩm lợi thế, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của Bình Thuận đến người tiêu dùng. Thông qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia. Trong đó nổi bật là chuỗi sự kiện ngành Công Thương khu vực phía Nam, hợp tác ngành Công Thương 3 tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận - Lâm Đồng, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành…
Đặc biệt với TP. Hồ Chí Minh - thị trường tiềm năng nhất cả nước, hàng năm sở chức năng của Bình Thuận tích cực hỗ trợ, vận động doanh nghiệp trong tỉnh tham gia kết nối cung - cầu. Chủ yếu tập trung vào những sản phẩm lợi thế như: Nước mắm truyền thống, thanh long và sản phẩm từ trái thanh long, hải sản và sản phẩm chế biến từ hải sản… Theo đó đã kết nối tham gia vào các hệ thống phân phối, bán lẻ lớn thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam (Siêu thị Big C), Công ty CP King Food Market, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam. Hay như Công ty TNHH Aeon Việt Nam, Công ty CP Sài Gòn HD - Genshai Mart, Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh, Công ty TNHH Recess (Lazada Việt Nam)…
Đối với Yên Bái, Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc năm 2024 gắn với kỷ niệm 15 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới đang được tỉnh.
Theo đó, Sở Công Thương Yên Bái đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh treo cờ, phông phướn, banner cổ động Chương trình với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam” “Tự hào hàng Việt Nam”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại trụ sở, website chính thức của cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn….
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã lồng ghép về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các hoạt động với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” “Tinh hoa hàng Việt Nam” và các hoạt động kết nối cung cầu tiêu dùng hàng Việt Nam tại các sự kiện lớn tổ chức trên địa bàn có sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các cơ quan đơn vị, người tiêu dùng nhằm góp phần hưởng ứng Chương trình. Từ đó, kích cầu tiêu dùng cuối năm.
Doanh nghiệp hưởng ứng
Không chỉ các địa phương mà các doanh nghiệp cũng tích cực hưởng ứng kích cầu tiêu dùng hàng Việt cuối năm. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc Siêu thị Coop Mart Hà Đông cho biết, kết nối cung cầu hàng Việt, đặc biệt là hàng nông sản là giải pháp quan trọng được Saigon Coop thực hiện thời gian qua. Theo đó, trong tháng 9 vừa qua, Saigon Coop đã tổ chức công bố vùng nguyên liệu nông sản của doanh nghiệp. Tại đây, doanh nghiệp này đã trực tiếp ứng vốn cho các hộ sản xuất để sản xuất nguyên liệu, đồng thời cam kết bao tiêu đầu ra.
Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị này đã hỗ trợ các hợp tác xã, nhà cung cấp để đảm bảo hồ sơ thủ tục, làm sao đưa sản phẩm nhanh chóng đến tay người tiêu dùng
“Chúng tôi luôn ưu tiên trưng bày hàng Việt ở những vị trí đẹp nhất, song song với đó thực hiện các chương trình khuyến mãi để hỗ trợ người tiêu dùng biết đến sản phẩm, mang lại giá trị tốt nhất” – bà Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ. Hiện nay, tại hệ thống Saigon Coop chiếm đến hơn 90% là hàng Việt Nam.
Không chỉ hệ thống Saigon Coop mà hàng Việt Nam, nhất là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng - những mặt hàng có thế mạnh còn đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại. Theo báo cáo của các địa phương, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80-90%),... Với việc tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng cuối năm, tốc độ tiêu thụ hàng Việt Nam dự kiến cũng sẽ tăng cao.