Điểm bán hàng Việt Nam - điểm phát luồng các đặc sản địa phương |
Lấp lánh điểm sáng
Chị Hoàng Thị Hòa, công nhân Khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn (Hà Nam) chia sẻ "2 năm gần đây, chúng tôi chọn mua hàng ở điểm bán hàng Việt Nam tại Siêu thị Lan Chi Đồng Văn. Hàng hóa tại đây không chỉ chất lượng tốt, mẫu mã phong phú mà giá rất phải chăng". Cũng giống như cô công nhân KCN Đồng Văn kể trên, từ năm 2015 đến nay, người tiêu dùng nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa KCN… đã quen với tấm biển hiệu nền đỏ chữ trắng với dòng chữ quen thuộc "Điểm bán hàng Việt Nam". Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có một Điểm bán hàng Việt Nam như vậy được dựng lên là cả sự nỗ lực lớn.
Ông Tạ Quang Hậu - cán bộ Sở Công Thương Hà Nam - chia sẻ thêm, để thuyết phục doanh nghiệp (DN) tham gia xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam không đơn giản. Bởi ngân sách nhà nước có hạn, mỗi điểm bán chỉ được hỗ trợ 40 triệu đồng, không thấm vào đâu so với chi phí đầu tư xây dựng. Điểm bán hàng đòi hỏi 100% là hàng Việt Nam, nhưng DN nào cũng muốn đa dạng hàng hóa tại điểm bán.
Trong bối cảnh đó, Công ty Lan Chi - chủ đầu tư hệ thống Lanchimart chính là DN đầu tiên của Hà Nam nhận lời phối hợp với Sở Công Thương xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam. Kinh doanh hàng Việt Nam chính là giải pháp DN phân phối này ủng hộ DN sản xuất trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh đó, với định hướng mở rộng hệ thống phân phối về khu vực nông thôn, các Điểm bán hàng Việt Nam của Lanchimart đều được đặt ở những vị trí nhu cầu hàng hóa Việt ở mức cao như gần các KCN, khu dân cư…
Ông Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Siêu thị Lan Chi Hà Nam - cho hay, từ năm 2015, điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên được mở tại Siêu thị Lan Chi - Đồng Văn, cạnh KCN Đồng Văn. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, sản lượng tiêu thụ hàng hóa tăng đáng kể. Đây đã trở thành điểm mua sắm hàng hóa quen thuộc của hàng nghìn công nhân KCN Đồng Văn. Phát huy kết quả đạt được, năm 2017, Điểm bán hàng Việt Nam thứ hai tiếp tục được Lan Chi mở tại Siêu thị Lan Chi thị trấn Vĩnh Trụ (huyện Lý Nhân).
Địa điểm mua sắm quen thuộc của người lao động |
Giống như Lan Chi, Siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc - An Giang) đã gắn bó với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ) ngay từ những ngày đầu tiên. Mang đậm đặc trưng của người dân miền Tây hồn hậu với làn da đỏ au vì nắng, tiếng cười hào sảng, ông Tạ Minh Sơn - Giám đốc DN tư nhân Tứ Sơn - vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi nhớ về hành trình DN gắn bó với hàng Việt. Ông Sơn cho hay, là địa phương giáp biên, đã có thời điểm An Giang tràn ngập hàng hóa nhập lậu giá rẻ. Để khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt, ông chủ Tứ Sơn đã dùng chính hình ảnh và uy tín hơn 30 năm xây dựng, phát triển của siêu thị để bảo lãnh cho hàng hóa Việt.Đồng thời kiên định mục tiêu mang đến các sản phẩm tốt, giá phải chăng cho người tiêu dùng. Hàng Việt Nam đáp ứng hoàn toàn các điều kiện đó. Do vậy, Tứ Sơn lên kế hoạch chinh phục người tiêu dùng bằng một phương thức kinh doanh duy nhất: Siêu thị. Ở khu vực trung tâm, Tứ Sơn xây dựng các siêu thị lớn, hiện đại với băng rôn, khẩu hiệu "Điểm bán hàng Việt Nam". Từ điểm bán này, hàng năm, Tứ Sơn thường xuyên mang hàng hóa về nông thôn, biên giới với mô hình siêu thị lưu động. Với diện tích lên đến 1.500m², trưng bày hàng nghìn sản phẩm hàng Việt Nam, mỗi phiên chợ mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng. "Từ chỗ người dân vùng nông thôn, biên giới chưa hề có ý nghĩ sẽ dùng hàng Việt, doanh thu "khủng" này là minh chứng rõ ràng cho sự thành công trong việc xây dựng các mô hình Điểm bán hàng Việt của Tứ Sơn" - ông Tạ Minh Sơn nhấn mạnh.
Điểm phát luồng hàng hóa
Từ những thành công bước đầu, mô hình Điểm bán hàng Việt Nam đang tiếp tục hành trình thứ hai - ý nghĩa không kém, đó là điểm phát luồng hàng hóa của địa phương ra thị trường. Cuối năm 2016, Siêu thị Tứ Sơn tổ chức lễ khai trương gian hàng "Rau, củ, quả sạch" tại Điểm bán hàng Việt Nam TP. Châu Đốc, mở ra mô hình DN đầu tiên của tỉnh An Giang tiên phong tự trồng, tự tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn trên diện tích 5.000m2. "Nếu DN đầu tư sản xuất theo quy trình khép kín và lo đầu ra cho sản phẩm thì chắc chắn sản phẩm rau sạch tại siêu thị sẽ tươi ngon hơn, niềm tin của khách hàng sẽ cao hơn. Bởi DN đã gánh trách nhiệm và sẵn sàng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng" - ông Sơn khẳng định.
Cùng chung chí hướng, ở một tỉnh vùng cao khác, Điểm bán hàng Việt Nam tại cửa hàng Trâm Nhung (thị trấn Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La) đang hướng tới mục tiêu trở thành điểm phát luồng hàng hóa Sơn La đi các địa phương khác khi đầu tư quầy hàng đặc sản, nông sản sạch do bà con Sơn La tự sản xuất. Ông Nguyễn Văn Trâm - chủ cửa hàng bày tỏ: "Đầu tư cho mặt hàng này khá mạo hiểm bởi vốn đầu tư cao, thời gian bảo quản ngắn, lượng tiêu thụ bấp bênh, nhưng tôi muốn góp phần mở rộng điểm tiêu thụ hàng hóa cho bà con".
Theo Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, từ nay đến năm 2020, mỗi địa phương xây dựng ít nhất 1 điểm bán hàng Việt Nam, ưu tiên ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi |