Thỏa thuận ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau đã được Bộ Công Thương lần đầu phát động tại Lễ ký kết “Thỏa thuận giữa các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ trong việc ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau” vào năm 2012 nhằm mục tiêu góp phần thiết thực, hiệu quả hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Tại Lễ ký kết này, 16 tập đoàn, tổng công ty đã ký Thỏa thuận chung và 11 tập đoàn, tổng công ty ký kết Bản ghi nhớ song phương tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, các bên cam kết ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị máy móc và các loại hàng hóa, dịch vụ của nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh do các bên sản xuất được; đồng thời tạo điều kiện tối đa để phối hợp, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm, phù hợp với năng lực của từng bên, với quy định pháp luật hiện hành và định hướng phát triển chung của mỗi doanh nghiệp. Việc hợp tác dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng các lợi ích của từng tập đoàn, tổng công ty, công ty thành viên và phù hợp với quy định của pháp luật.
TKV, EVN ký thoả thuận ưu tiên cung cấp than cho sản xuất điện. Ảnh: TKV |
Nhìn chung, thỏa thuận kể trên đã đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các tập đoàn, tổng công ty với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử, theo Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, ngay sau khi Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế, phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động; tổ chức học tập, quán triệt và triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Đảng ủy cấp trên về các nội dung Cuộc vận động đến toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động trong Đảng bộ, đồng thời chỉ đạo các cấp uỷ đảng cơ sở tổ chức thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện của từng đơn vị.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn cũng như lãnh đạo các đơn vị thành viên luôn tuyên truyền sâu rộng tới từng cán bộ công nhân viên, nêu cao lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự tôn dân tộc; xây dựng văn hóa, khuyến khích, nâng cao nhận thức về việc ưu tiên mua sắm, sử dụng sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt; động viên khuyến khích các đơn vị ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau trong nội bộ Tập đoàn, các doanh nghiệp thuộc Khối doanh nghiệp Trung ương và các đơn vị khác trong nước.
Đồng thời, Tập đoàn luôn kêu gọi, khuyến khích các đơn vị đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thường xuyên cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình để đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và cũng là để hưởng ứng Cuộc vận động.
Trong năm 2023, các đơn vị thành viên đã chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau với tổng giá trị mua sắm nội bộ giữa các đơn vị thuộc Tập đoàn đạt xấp xỉ 3.750 tỷ đồng. Đến nay, Vinachem đã tích cực hợp tác, sử dụng nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong nước như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam... Tổng giá trị sử dụng dịch vụ, hàng hóa Việt Nam phục vụ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn trong 5 năm gần đây ước đạt khoảng 115.000 tỷ đồng.
Hoặc đối với Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), nhiều năm qua, TKV đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Đông Bắc và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc cung cấp than dài hạn cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than anthracite trong EVN.
Thông tin tại buổi làm việc của EVN và TKV về việc đánh giá kết quả hợp tác cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện trong năm 2024 mới đây cho thấy, chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng khối lượng than mà TKV và Tổng công ty Đông Bắc cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 15,22 triệu tấn, trong đó, TKV cấp 10,33 triệu tấn, đảm bảo nhu cầu huy động sản xuất điện và tồn kho thực tế của các nhà máy nhiệt điện.
Theo phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia, dự kiến trong các tháng cuối năm 2024 (từ tháng 8 đến tháng 12), tổng sản lượng điện các nhà máy nhiệt điện than trong nước là 30,338 tỷ kWh.
Trong đó, tính riêng sản lượng các nhà máy nhiệt điện của EVN và các tổng công ty phát điện (EVNGENCO) trong EVN 5 tháng cuối năm dự kiến là 11,840 tỷ kWh.
EVN đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ, cập nhật thường xuyên tình hình vận hành và thông báo kịp thời cho TKV, Tổng công ty Đông Bắc về nhu cầu, kế hoạch tiếp nhận than, điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, phù hợp với thực tế huy động của hệ thống điện theo thời gian thực.
Đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), thời gian qua, Vinatex đã tiến hành may đồng phục phục vụ cho nhiều doanh nghiệp thuộc TKV, EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...
Việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau đã giúp các doanh nghiệp nỗ lực tự đổi mới toàn diện, từ công nghệ, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; đến mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Sắp tới, chương trình “Ngày hội kết nối thương hiệu, sử dụng sản phẩm trong ngành của Khối các cơ quan Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh” năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 29 đến 31/8 tại Nhà văn hóa thanh niên (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Chương trình nhằm tăng cường kết nối, sử dụng sản phẩm trong ngành giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài khối các cơ quan trung ương tại TP. Hồ Chí Minh, qua đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là nội dung trọng tâm. Đây là một trong những hoạt động mới nhất nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hoá của nhau để phục vụ sản xuất, tiêu dùng.