Đăk Snao ơn bộ đội
Cán bộ Đoàn KTQP Quảng Sơn hướng dẫn công nhân người DTTS kỹ thuật phun phân bón lá cho vườn cao su
- Bình minh đã lên
“Chỉ dăm bảy năm nữa, Đăk Snao sẽ không còn hộ nghèo”- ông Giàng Xuân Sềnh, trưởng thôn Đăk Nao, xã Quảng Sơn, huyện Đăk G’Long (Đăk Nông) khẳng định chắc nịch.
Chừng 15 năm trước, từ phía Bắc xa xôi, hàng chục hộ dân khăn gói lên đường tìm “miền đất hứa”. Họ ra đi với hai bàn tay trắng và rồi lạc vào giữa thăm thẳm núi rừng Đăk Snao, sống cảnh màn trời chiếu đất. Cái đói buộc họ phải phá rừng làm rẫy, đi bắt con chuột, con chim… Ba năm họ di cư tự do vào Đăk Snao cũng là những ngày mà chính quyền địa phương rất “đau đầu” trước nạn phá rừng, cũng như phải vất vả giải quyết những khó khăn của họ. “Những ngày đó, cái đói bủa quanh các ngõ, dịch bệnh quanh năm, trẻ em thất học… khổ đâu tả hết. Biết phá rừng là phạm pháp, nhưng không làm thế thì lấy gì để bỏ vào miệng” - ông Sềnh nhớ lại.
Năm 2004, trước những khốn khó trăm bề ở Đăk Snao, chính quyền Đăk Nông quyết định “nhờ” Đoàn Kinh tế Quốc phòng Quảng Sơn “góp sức” xử lý. Một dự án ổn định dân di cư tự do được vạch ra cho Đăk Snao. Hơn 700 con người được dời ra khỏi rừng về nơi ở mới. Ở đó, đường xá khang trang, điện, nước đến mỗi nhà, có trường lớp… Ngoài 1 héc ta rẫy, 1.000m2 đất ở, mỗi gia đình về đây còn được có thêm vài sào đất trồng lúa có nước tưới quanh năm từ đập thủy lợi vừa mới đắp. Và cũng từ đó, những tháng ngày u ám giữa rừng của Đăk Snao đã không còn...
Ông Sềnh bảo, cái nghèo chưa “đuổi” được hết nhưng so với 10 năm về trước, cuộc sống của người dân Đăk Snao sung túc hơn gấp nhiều lần. Từ 100% hộ nghèo, 100% hộ ở nhà tạm trước khi vào vùng dự án, đến nay chỉ giảm còn còn 71% hộ nghèo, 40% hộ ở nhà tạm; 99% hộ có xe máy, 100% hộ có ti vi và có điện sinh hoạt; thôn đã có trường mầm non, trường tiểu học; xã có trường THCS - THPT và có 2 bệnh xá. Đăk Snao đang phấn đấu thoát nghèo vào năm 2020. Không chỉ thoát nghèo, một số hộ còn vươn lên có kinh tế khá, xây được nhà cửa khang trang. “Thào A Ly, Thào A Dì, Sùng A Chúng… giờ đều là những hộ có kinh tế khá, nhà cửa khang trang cả. Cái đói giờ cắt được rồi” - ông Sềnh nói.
“Bản mình ơn bộ đội”
Chỉ căn nhà hơn trăm triệu đồng đang dựng dang dở của mình, ông Sềnh tiếp: “Cái này là nhờ bộ đội. Cả làng mình ơn bộ đội nhiều lắm”. Nói về Đăk Snao, thiếu tá Nguyễn Duy Minh, Chính trị viên phó Đoàn Kinh tế Quốc phòng Quảng Sơn, cho biết, năm 2013 thu nhập bình quân đầu người năm đạt 8,2 triệu đồng, tăng 1,6 triệu đồng so năm 2012 và gấp hơn 10 lần so với năm 2004.
Trung tá Nguyễn Văn Thuyên, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế Quốc phòng Quảng Sơn, hồi tưởng: “Khi chúng tôi về, không chỉ Đăk Snao mà cả Quảng Sơn cũng khó khăn vô cùng. Đường xá cách trở, điện, đường, trường… đều không có; nạn chặt phá rừng trái phép; người dân đói nghèo, bệnh dịch hoành hành... Vậy nên ngoài nhiệm vụ giữ rừng, đơn vị đã khẩn trương huy động mọi nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống nhân dân trong vùng dự án; việc nào cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương cần hỗ trợ thì tập trung làm trước...”.
Hơn 10 năm, những người lính với nhiệt huyết của mình đã làm sáng lên một vùng đất. Hàng chục km đường nội vùng được nhựa hóa, thủy lợi, bệnh xá trường lớp… hình thành.
Ông Trần Thanh Chương, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, khẳng định: “Đoàn Kinh tế Quốc phòng Quảng Sơn làm được nhiều việc thiết thực cho địa phương. Ngoài cơ sở hạ tầng, điều đáng ghi nhận nhất là từ khi có Đoàn về đây, nạn phá rừng đã giảm một cách rất đáng kể”.
Cùng với việc chăm lo xây dựng cơ sở hạ tầng những người lính ở Quảng Sơn còn “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân; vừa mở các lớp tập huấn, lại vừa phải “xuống đồng” để hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc lúa, điều, cà phê, chăn nuôi.
Đại tá Nguyễn Văn Thạch, Giám đốc Công ty TNHH – MTV Cà phê 15, tâm sự: “13 năm qua, chúng tôi chẳng kịp lo cho chính mình. Giờ dân đã tạm yên đơn vị mới bắt tay vào chăm lo đời sống bộ đội. Dự kiến trong năm 2014 này, đơn vị huy động khoảng 10 tỷ đồng để đầu tư khu nhà ở cho anh em”.
Duy Hậu