Tại chương trình, các doanh nghiệp và diễn giả đã cùng trao đổi các thông tin liên quan đến các “bí quyết” bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; kinh nghiệm ứng dụng và triển khai áp dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản thông minh theo chuỗi giá trị; thông tin về cách thức xây dựng và vận hành hệ thống kinh doanh online tự động.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch VECOM cho rằng nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chưa quan tâm đến thương mại điện tử |
Theo ông Trần Văn Thiệp – Đại diện sàn thương mại điện tử Shopee, quy trình bán hàng trực tuyến (online) được gói gọn trong 3 bước tiếp cận khách hàng, bán hàng và hậu mãi (chăm sóc khách hàng). Trong khâu tiếp cận khách hàng, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ của Việt Nam đều tận dụng khá tốt việc tham gia các chương trình khuyến mại kích cầu, nhiều doanh nghiệp đang thực hiện bán hàng thông qua hình thức livestream sản phẩm – một hình thức quảng bá hiệu quả và dễ thực hiện. Để doanh nghiệp lên sàn bán được hàng, ông Thiệp cho rằng có 5 yếu tố quyết định việc khách hàng có “chốt” đơn hàng hay không gồm nội dung sản phẩm (tính năng nổi bật của sản phẩm), tạo danh mục sản phẩm để khách hàng đễ tìm kiếm, tạo gói sản phẩm để tận dụng chính sách miễn phí vận chuyển, tự đưa mã giảm giá riêng để kích cầu tiêu dùng và nâng cao nhận diện hình ảnh của shop.
Liên quan đến việc ứng dụng Blockchain (công nghệ chuỗi khối) trong nông nghiệp, ông Đỗ Văn Long, Giám đốc Công ty Công nghệ Blockchain Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản sẽ là xu hướng tất yếu của nông nghiệp thông minh. Việc áp dụng công nghệ này cho phép người mua hàng có thể có đầy đủ thông tin về sản phẩm, từ đó tăng giá trị gia tăng, sự tin tưởng cho sản phẩm, nhãn hiệu và doanh nghiệp, chống giả mạo hàng hóa, nhái nhãn hiệu… Việc ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bảo vệ sản phẩm đặc thù, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, từ đó, bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia, nâng cao chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng.
Chương trình thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, các chủ cửa hàng kinh doanh trực tuyến, truyền thống |
Cũng theo ông Dũng, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, internet rút ngắn mọi khoảng cách địa lý, xóa mờ quy mô doanh nghiệp, thì mọi doanh nghiệp đều có thể và có cơ hội tiếp cận với các kênh phân phối toàn cầu. Tuy nhiên, để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp phải tự trang bị, chuẩn bị và có những kiến thức cơ bản về thương mại điện tử.
Hoạt động giao dịch thương mại thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử tại TP. Đà Nẵng trong thời gian qua đã có nhiều bước tiến đáng kể thông qua lượng giao dịch sản phẩm của thương mại điện tử tăng mạnh. Cụ thể, mỗi tháng Shopee xử lý hơn 2.000 đơn hàng online tại TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, với hơn 20.000 doanh nghiệp và hơn 1 triệu dân thì hoạt động này thực sự chưa tương xứng.
Tại Đà Nẵng hiện đang diễn ra tình trạng khi doanh nghiệp khởi nghiệp thì chọn Đà Nẵng, nhưng khi họ “cứng cáp” hơn, họ lại chọn TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để thành lập công ty. “Đà Nẵng luôn là địa phương đi đầu trong thực hiện Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, nhưng thương mại điện tử thì vẫn rất chậm chân”, ông Nguyễn Ngọc Dũng nhận xét.