Cô đỡ thôn bản - cánh tay nối dài của ngành y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em |
Thầm lặng giúp sức
Những cô đỡ thôn bản tiêu biểu lần này đại diện cho gần 3.000 cô đỡ từ các vùng miền khác nhau trong công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Họ là người dân tộc thiểu số (DTTS), được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương. Thông qua dự án “Cô đỡ thôn” của Bộ Y tế, họ đã được tham gia khóa đào tạo về y tế kéo dài 9 tháng để cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ mang thai tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Sau khóa đào tạo, các cô đỡ đều quay trở lại cộng đồng, không quản ngày đêm, vượt bao khó khăn, gian khổ, tuyên truyền, vận động người dân, tư vấn, giáo dục sức khỏe, cấp cứu kịp thời cho các bà mẹ DTTS.
Là người được lên báo cáo kết quả hoạt động tại Hội nghị biểu dương cô đỡ thôn bản tiêu biểu, Y Ngọc,
38 tuổi, người dân tộc Xê Đăng ở thôn Kạch Lớn II, xã Đắk Sao, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum chia sẻ: “Quê em 100% là dân tộc Xê Đăng. Đây là xã đặc biệt khó khăn, đường đi lại rất hiểm trở. Cả xã có 10 thôn nhưng tới 7 thôn cần phải có cô đỡ vì đường xá xa xôi, phong tục lạc hậu. 8 năm qua, mỗi năm em đã giúp khoảng 10 bà mẹ sinh nở an toàn… Những năm gần đây, nhiều mẹ đã đến trạm y tế để sinh nở, nhưng vẫn yêu cầu em lên trạm y tế làm cô đỡ”.
Còn Ngô Thị Mỵ, sinh năm 1991, người dân tộc Mông ở thôn Pác Tao, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho biết: Đường đến các thôn ở Sóc Hà khá xa, có thôn phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới tới nơi. Nhưng 2 năm qua, Mỵ không ngại ngày hay đêm đã giúp nhiều chị em được “mẹ tròn, con vuông”, hướng dẫn cho chị em trong thôn thực hiện kế hoạch hóa gia đình…
Cũng như Mỵ hay Y Ngọc, các cô đỡ thôn bản dù vất vả, đối mặt với nhiều hiểm nguy nhưng khi đã chọn nghề thì họ vượt lên tất cả, với một tấm lòng yêu thương, mong muốn các chị em được chăm sóc sức khỏe tốt nhất có thể.
Còn nhiều trăn trở
Theo số liệu của Bộ Y tế, tỷ suất tử vong mẹ tại Việt Nam đã giảm mạnh từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống năm 2009 và chỉ còn khoảng 58/100.000 năm 2015. Tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 58‰ năm 1990 xuống còn 21,8‰ năm 2016; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi cũng giảm từ 44,4‰ - xuống còn 14,5 ‰.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, thành công này có đóng góp không nhỏ của cô đỡ thôn bản trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho đồng bào DTTS ở các vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang gặp nhiều thách thức như: Sự khác biệt đáng kể về tình trạng sức khoẻ, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc; tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở khu vực miền núi vẫn cao hơn từ 3 - 4 lần so với khu vực đồng bằng và thành thị.
Tại Hội nghị biểu dương, nhiều cô đỡ cũng chia sẻ: Vì nể bà con và muốn bà con của thôn bản mình được mạnh khỏe nên họ đã thuyết phục gia đình tiếp tục cho đi làm thôi, chứ nhiều năm đi làm không có phụ cấp, trong khi vẫn phải làm nương để nuôi gia đình nên vất vả lắm.
Phát biểu tại buổi gặp mặt với các cô đỡ thôn bản vào sáng ngày 28/2/2018, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã ghi nhận sự đóng góp của cô đỡ thôn bản, đồng thời nhấn mạnh: “Các cô đỡ thôn bản chính là những cánh tay nối dài của ngành y tế, là cầu nối giữa các cơ sở y tế với đồng bào DTTS, đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào… Ngành y tế cần phối hợp các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất chính sách để duy trì và phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; đảm bảo thực hiện tốt chế độ đãi ngộ để cô đỡ thôn bản yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.