Chuyện giảm nghèo ở Nam Trà My
Huyện “khó trăm bề”
Huyện Nam Trà My có 10 xã, thì có tới 6 xã có số hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm trên 55%, trong đó phải kể tới các xã như: Trà Cang, Trà Tập, Trà Vân, Trà Vinh. Tại 4 xã này, đường giao thông mới đến được trung tâm xã, đường giao thông từ xã về thôn và liên thôn còn khá trắc trở. Các điều kiện nhà ở, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh và tiếp cận thông tin của đồng bào đều thiếu. Ngay cả hai xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện là Trà Mai và Trà Don cũng còn xa mới tới đích, khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao gấp mấy lần tiêu chí. Hiện Nam Trà My vẫn là 1 trong 56 huyện 30a của cả nước.
Nhiều trẻ mẫu giáo người dân tộc Xê Đăng ở điểm trường Tak Ta - Mang Liệt (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My) đã biết đến những bữa cơm có thịt |
Theo ông Nguyễn Thế Phước – Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My: Nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở địa phương khá đa dạng, trong đó có tới 79,1% hộ nghèo là do chưa có kế hoạch tổ chức sản xuất - kinh doanh, chi tiêu. Từ thực tế này, việc nâng cao ý thức người dân, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất – kinh doanh được xem là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo ở Nam Trà My.
Huy động tối đa các nguồn lực
Theo đó, để giảm nghèo hiệu quả, Nam Trà My đã vận dụng tất cả các chính sách dành cho các hộ nghèo với mong muốn có được nguồn lực tốt nhất để hỗ trợ giảm nghèo. Cụ thể như, người nghèo được vay vốn qua nhiều kênh khác nhau (năm 2017, có 662 lượt hộ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi với nguồn vốn 23,314 tỷ đồng); tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp, nghề may và tạo việc làm cho lao động sau khi đào tạo; tư vấn về xuất khẩu lao động để người dân có thể tiếp cận với các thị trường lao động có thu nhập cao; hỗ trợ kinh phí để người dân khai hoang; tập huấn về quy trình thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác…
Bên cạnh việc vận dụng các chính sách giảm nghèo đặc thù của Trung ương, Nam Trà My còn lồng ghép linh hoạt các chương trình giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam, chương trình giảm nghèo đặc thù của huyện, chính sách giảm nghèo đặc thù khu vực Tây Nguyên… Từ các nguồn lực này, năm 2017, trong sản xuất Nam Trà My đã hỗ trợ được 122 mô hình trồng sâm Ngọc Linh, 315 mô hình trồng các loại cây dược liệu, 235 mô hình trồng cây chuối mốc, 328 mô hình trồng quế gốc Trà My, hơn 500 mô hình chăn nuôi gia cầm – gia súc.
Đặc biệt, bàn về câu chuyện giảm nghèo ở Nam Trà My không thể không nói đến Cuộc vận động “3 công chức, lao động giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo”. Cuộc vận động được xem như “cú hích” tạo lên những chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo ở Nam Trà My trong 3 năm trở lại đây. Nhờ có cuộc vận động này, các hộ nghèo không còn loay hoay với việc làm sao, làm như thế nào để giảm nghèo? Bởi lẽ, với sự giúp đỡ của 3 công chức, mỗi hộ được giúp đỡ đã hiểu hơn về việc: Mình được hỗ trợ những gì để giảm nghèo? Với sự hỗ trợ này, gia đình phải đầu tư nuôi con gì, trồng cây gì, chi tiêu như thế nào cho hiệu quả?
Bên cạnh đó, việc thành lập Đoàn thanh niên xung kích hàng tuần xuống cơ sở tuyên truyền, vận động bà con hiểu về chính sách; giúp bà con đào đất làm nền nhà, trồng cây, làm đường giao thông nông thôn… cũng là yếu tố quan trọng để công tác giảm nghèo ở Nam Trà My có thêm lực đẩy mới.
Thông tin thêm về công tác giảm nghèo của huyện Nam Trà My năm 2017, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Phước cho biết: Năm 2017, huyện đã phân công 90 cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn giúp đỡ 518 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo. Kết quả, tất cả các hộ đăng ký đều đã thoát nghèo. Cho dù “tính bền vững” của các hộ thoát nghèo này còn cần có thời gian để khẳng định, nhưng với 1 huyện 30a còn “khó trăm bề” như Nam Trà My, đây cũng là kết quả đáng mừng để địa phương tiếp tục triển khai cuộc vận động này trong năm 2018.
Theo lộ trình, đến năm 2020, Nam Trà My sẽ “rút” ra khỏi danh sách huyện nghèo nhất nước. Tuy nhiên, với số hộ nghèo là 3.887 (chiếm 56,07%) như hiện nay... xem ra lộ trình này cần nhiều cố gắng và cũng còn rất nhiều trở ngại đối với Nam Trà My.