Chủ nhật 24/11/2024 20:13

Chi hội trưởng nông dân tiêu biểu xuất sắc

Không chỉ là người có nghị lực vươn lên ở vùng khó, ông Cút Văn Cháu - người dân tộc Khơ Mú còn rất nhạy bén, tích cực áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để bà con nông dân cùng học hỏi.

Đến từ xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, ông Cút Văn Cháu gây thiện cảm cho người đối diện bởi tác phong nhanh nhẹn và nụ cười hiền hậu. Kể về những năm tháng đã qua, người đàn ông dân tộc Khơ Mú cho hay: Ông sinh ra và lớn lên ở vùng sâu, vùng xa với rất nhiều thiếu thốn. Từ xã nơi ông ở xuống huyện Mường Lát không chỉ xa mà đường đi rất khó khăn. Đặc biệt, vào mùa mưa đường giao thông thường xuyên bị sạt lở nên có khi di chuyển cả ngày mới xuống đến trung tâm huyện.

Ông Cút Văn Cháu chia sẻ kinh nghiệm vượt khó tại Lễ Tuyên dương chi hội trưởng nông dân tiêu biểu xuất sắc

Cũng chính bởi giao thông cách trở, kinh tế chưa phát triển nên việc học hành, tiếp thu kiến thức của đồng bào DTTS ở huyện Mường Lát còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh Thanh Hóa. Thêm vào đó, do địa hình núi cao, độ dốc lớn nên các xã trong huyện thường xuyên xảy ra thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét. Thậm chí, có khi chỉ sau vài ngày mưa lũ, hàng trăm hộ trở nên trắng tay vì nhà cửa, hoa màu đã trôi theo dòng nước lũ.

So với nhiều bà con trong thôn bản, ông Cút Văn Cháu may mắn hơn vì được học đến lớp 7. Nhờ đó mà ông có thể đọc thông viết thạo, nắm bắt các thông tin được tiếp cận, từ đó tính toán để công việc đạt kết quả tốt nhất. “Sau khi lập gia đình và ở riêng, tôi được vay nguồn vốn 50 triệu đồng thông qua Tổ tiết kiệm vay vốn của Hội Nông dân xã Mường Chanh. Có sự tiếp sức của Hội, tôi đã chăm chỉ làm ăn, lo tích lũy trả nợ và phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng là cơ duyên để sau này tôi trở thành Chi hội trưởng nông dân xã Mường Chanh” – ông Cút Văn Cháu nhớ lại.

Là người chịu khó, nhanh nhạy, khi có đồng vốn trong tay, ông Cháu triển khai trồng gỗ lát, gỗ xoan. Tiếp đó là tham gia mô hình trồng dược liệu do Hội Nông dân huyện Mường Lát hướng dẫn. Cây lớn, bán được tiền, ông mạnh dạn mua xe tải phục vụ vận chuyển nông, lâm sản cho bà con trong vùng, đầu tư mua thêm máy xúc để khai hoang ruộng nước, đào ao thả cá và làm đường giao thông…Việc làm của ông không chỉ được bà con ủng hộ mà còn gợi mở cho nhiều hộ đồng bào DTTS về tinh thần quyết tâm, tự tin để phát triển kinh tế ngay trên chính đồng đất quê nhà.

Gia đình có của ăn, của để cũng là lúc ông Cút Văn Cháu dành nhiều thời gian, tâm sức để giúp đỡ người dân trong bản cùng phát triển kinh tế. Trung bình mỗi năm, ông Cháu hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh cho 20 lao động, tạo việc làm ổn định cho 16 lao động với mức lương trung bình 4,9 triệu đồng/tháng. “Những lao động này đều được tôi hướng dẫn và chỉ bảo tận tình cung cách làm ăn và có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm. Tôi thường lấy chính tấm gương tiết kiệm, vun vén và nỗ lực của mình trong cuộc sống hàng ngày để hướng dẫn họ” - ông Cháu chia sẻ.

Cũng theo ông Cháu, cùng với sự nỗ lực không ngừng của bản thân, trong quá trình phát triển sản xuất – kinh doanh, ông luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hội Nông dân các cấp trong việc tạo điều kiện để ông được vay vốn, góp ý cho ông về hướng phát triển kinh tế và cả những kiến thức khoa học kỹ thuật hữu ích. Không chỉ làm giàu cho gia đình, với kinh nghiệm của mình, những năm qua, ông Cháu đã giúp đỡ, hỗ trợ cho 7 hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh. Giờ đây, 7 hộ gia đình này đều phát triển sản xuất ổn định, con cái đều được đi học đầy đủ - trong niềm vui của mỗi gia đình, có niềm vui không nhỏ của ông Cút Văn Cháu.

Mới đây, tại Lễ Kỷ niệm 90 năm ngày lập Hội Nông dân Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh; Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V và Tuyên dương chi hội trưởng nông dân tiêu biểu xuất sắc, ông Cút Văn Cháu vinh dự được đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi và khẳng định ông xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để bà con nông dân cùng học hỏi.

Phương Tú

Tin cùng chuyên mục

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Chú trọng công tác kiện toàn nhân sự Chương trình 1719

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'