Độc đáo với AFarm - mô hình trồng rau hộ ứng dụng công nghệ thông tin Đắk Lắk: Lan tỏa phong trào khởi nghiệp tại huyện biên giới Buôn Đôn |
Những năm qua, trên địa bàn huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp, tìm cách thoát nghèo từ tiềm năng sẵn có của địa phương. Trong đó khởi nghiệp từ mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được nhiều thanh niên lựa chọn. Và anh Ksor Y Phan (sinh năm 1995, dân tộc Ê đê, trú buôn M'riu, xã Cư Huê, huyện Ea kar, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những thanh niên mang trong mình quyết tâm như vậy.
Chân dung anh Ksor Y Phan. Ảnh: NVCC |
Sinh ra tại mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, thấu hiểu tình cảnh của bà con đồng bào mỗi khi làm nông nghiệp, vất vả nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao, anh Ksor Y Phan phấn đấu học tập với ước mơ "đổi đời" cho quê nhà, nơi có 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống.
Vào năm 2017, sau tốt nghiệp loại Giỏi ngành Kinh tế nông nghiệp tại trường Đại học Tây Nguyên, anh Ksor Y Phan có cơ hội được đến Israel học tập kinh nghiệm của nền nông nghiệp công nghệ cao trong vòng 11 tháng.
Israel là quốc gia nổi tiếng với những phát kiến về tăng trưởng nông nghiệp trong điều kiện thổ nhưỡng không mấy màu mỡ và sử dụng nguồn nước một cách hiệu quả như áp dụng công nghệ trong nông nghiệp, tái chế nước thải trên toàn quốc thành nước tưới, trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt, thuốc trừ sâu sinh học, phân bón sinh học an toàn cho năng suất cao... Nhờ những sáng tạo đó mà ngành nông nghiệp của quốc gia Trung Đông này luôn bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm. |
Tại đây, chàng trai dân tộc Ê đê này đã học được các phương pháp cơ cấu cây trồng mới, cũng như những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
“Ở Israel, chúng tôi được trải nghiệm, và học hỏi nhiều thứ. Đặc biệt là cách họ áp dụng công nghệ và cơ giới vào tất cả các khâu có thể, từ khâu làm đất, gieo trồng cho đến khâu thu hái và bảo quản sau thu hoạch. Chúng tôi được trực tiếp làm việc tại các vườn ươm giống cây trồng, tiếp thu nhiều kỹ năng cũng như mô hình mới” - anh Ksor Y Phan chia sẻ.
Anh Ksor Y Phan trong quãng thời gian học tập tại Israel. Ảnh: NVCC |
Theo sự phát triển của khoa học và công nghệ, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế trong phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, dược liệu bảo vệ môi trường như mô hình trang trại sầu riêng ghép, bơ booth, nấm linh chi…
Nhận thấy rằng mình cần phải thay đổi triệt để mô hình canh tác, vào cuối năm 2019, anh Ksor Y Phan quyết định sử dụng 8 sào đất của gia đình đang có để tiến hành áp dụng canh tác công nghệ mới. Đó chính là sử dụng mô hình tưới tự động, đồng thời kết hợp tưới phân, thuốc qua hệ thống tưới nhỏ giọt có hệ thống vào cây chanh leo bằng cách dùng trụ tiêu lúc trước khi còn canh tác làm trụ cây chanh leo.
Bước đầu, anh Ksor Y Phan ứng dụng mô hình tưới tự động trên 3 sào đất với khoảng 100 cây chanh leo và đã đem lại những kết quả tích cực như chi phí thấp, ít tốn công sức mà thu lại lợi nhuận cao. "Sau 6 tháng trồng thử nghiệm, 3 sào chanh leo có thân cây phát triển cân đối, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thúc cây ra nhiều hoa, sai trĩu quả, năng suất cao. Sau khi trừ chi phí ban đầu khoảng 10 triệu đồng, mình vẫn có lợi nhuận trên 30 triệu đồng", anh Ksor Y Phan cho biết và chia sẻ thêm: “Trước đây gia đình mình trồng tiêu, dù đã áp dụng mọi cách: tưới nước; bón phân nhưng tiêu vẫn chết tận. Khoảng thời gian 2015 đến 2017 gia đình mất trắng và không thu được lợi nhuận nào, khi vẫn áp dụng những mô hình canh tác truyền thống".
Theo tính toán của anh Ksor Y Phan, mỗi một năm, 1 sào chanh leo áp dụng mô hình tưới tự động, kết hợp tưới phân, thuốc qua hệ thống tưới nhỏ giọt cho thu hoạch khoảng 1 tấn quả chanh leo tươi, được lợi nhuận ổn hơn so với những năm trước, kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt.
"Sau khi thử nghiệm thành công trên 3 sào chanh leo, mình đang tiếp tục trồng chanh leo trên 5 sào đất còn lại và đang trong quá trình ra hoa", anh Ksor Y Phan thông tin thêm và cho biết: "Mô hình tưới tự động, kết hợp tưới phân, thuốc qua hệ thống tưới nhỏ giọt này còn có thể sử dụng trên những địa hình khác nhau làm cho việc tưới nước và bón phân trở nên đơn giản, thuận tiện và tiết kiệm thời gian, kinh tế cho người nông dân. Trong tương lai, mình dự kiến sẽ mở rộng thêm địa hình canh tác chanh leo, cũng như nhiều cây trồng khác".
Ứng dụng công nghệ tưới tự động cho cây chanh leo tại vườn của anh Ksor Y Phan. Ảnh: NVCC |
Trong quá trình phát triển mô hình nông nghiệp của mình, anh Ksor Y Phan ý thức được mình cần chia sẻ, tuyên truyền cho bà con đồng bào địa phương thay đổi tư duy trong sản xuất, canh tác nông nghiệp để mang lại hiệu quả cao, nhất là về cách vận hành của mô hình canh tác nông nghiệp cao mà anh đang phát triển.
“Để cho mọi người có thể biết nhiều hơn về mô hình ứng dụng công nghệ cao này, mình đã tuyên truyền bằng cách thực hiện quay những thước phim liên quan đến mô hình mà mình đang phát triển, chia sẻ cho mọi người cách vận hành bằng những kinh nghiệm của mình”, anh Ksor Y Phan bày tỏ.
Theo đó, anh đã xây dựng một kênh truyền thông trên nền tạng mạng xã hội Youtube với hàng ngàn lượt theo dõi, chia sẻ những nội dung chăm sóc cây trồng thông qua những mô hình mà anh đang ứng dụng. "Nhận được rất nhiều phản hồi tích từ mọi người, đây cũng chính là động lực để mình phát triển hơn về mô hình, cũng như công tác tuyên truyền, vận động đến người dân", anh Ksor Y Phan chia sẻ.
Biểu dương tấm gương của anh Ksor Y Phan, ông Y Mon Niê - Phó Chủ tịch UBND xã Cư Huê cho hay, dù mới chỉ ứng dụng công nghệ thông minh vào canh tác nông nghiệp theo mô hình hộ gia đình, nhưng anh Ksor Y Phan đã trở thành tấm gương sáng để thanh niên các thôn buôn trên địa bàn xã miền núi xã Cư Huê nói riêng và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk học tập, noi gương.
"Hiện nay, việc ứng dụng mô hình công nghệ cao vào nông nghiệp trên địa bàn xã Cư Huê vẫn còn hạn chế, nhiều hộ gia đình, vẫn canh tác theo mô hình truyền thống. Vì vẫn còn nhiều hộ dân chưa nắm bắt được thông tin về mô hình này. Thời gian tới, xã cũng sẽ cố gắng tăng cường vận động cho người dân hiểu rõ hơn về mô hình canh tác này", ông Y Mon Niê cho biết.
Đến nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, đây được coi là xu hướng tất yếu giúp sản xuất nông nghiệp phát triển vượt bậc, qua đó làm thay đổi bức tranh nông nghiệp địa phương.