“Phao cứu sinh” cho nông dân và doanh nghiệp mía đường |
Câu chuyện này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo phải xây dựng vùng nguyên liệu mía đường bền vững trong bối cảnh thị trường đang thuận lợi cho doanh nghiệp mía đường khi đường Thái Lan bị áp thuế phòng vệ thương mại.
Khó khăn lớn về vùng nguyên liệu
Thông tin tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Cơ hội và thách thức cho ngành mía đường tổ chức ngày 23/3 cho thấy, tình trạng tranh mua nguyên liệu mía vẫn xảy ra trong những năm gần đây. Tuy nhiên, năm nay tình trạng càng trầm trọng vì sản lượng mía quá thấp và thiệt hại mà ngành đường Việt Nam phải gánh chịu do nhiều nguyên nhân nguồn đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu trong nhiều năm liên tiếp, tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây tại các vùng sản xuất mía…
Những thiệt hại này cũng khiến diện tích trồng mía sụt giảm mạnh. Cụ thể, niên vụ 2019-2020, diện tích trồng mía tiếp tục bị giảm 15-20%. Dự báo, niên vụ 2020-2021 tiếp tục sẽ thiếu hụt nguồn cung mía nguyên liệu cho các nhà máy. Chỉ còn 29/40 nhà máy đường còn hoạt động, sản lượng đường sụt giảm xuống dưới 1 triệu tấn so với trước đây.
Cần chung tay phát triển vùng nguyên liệu mía đường bền vững |
Cây mía không phải là loại cây trồng có thể thu hoạch được ngay mà đòi hỏi phải có thời gian khoảng 4-5 năm. Do đó việc phát triển loại cây trồng này cũng cần nhiều giải pháp.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, nếu quan hệ giữa nông dân trồng mía và một số nhà máy vững chắc thì tình trạng này ít hơn và ngược lại. Bởi vùng nguyên liệu chỉ có thể hình thành nếu người nông dân trồng mía có thu nhập đủ sống. Với sự xuất hiện của quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã khuyến cáo các doanh nghiệp mía đường tùy vào hoàn cảnh thực tế tại mỗi địa phương, cần sớm xem xét, điều chỉnh tăng giá mua mía, sao cho người nông dân có thể bù đắp đủ các chi phí, cộng thêm tối thiểu 10% lợi nhuận.
Kế đó, vùng nguyên liệu chất lượng chỉ có thể phát triển nếu canh tác có hiệu quả tức đạt được hai yếu tố năng suất cao và chi phí thấp. Như vậy các doanh nghiệp cần rà soát đánh giá và quy hoạch lại các diện tích sản xuất mía và chỉ giữ lại các vùng trồng có tiềm năng đạt được hai yếu tố trên đây.
“Tuy nhiên, ngành đường Việt Nam có sáu vùng nguyên liệu với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau. Trên cơ sở đánh giá, cần đề ra kế hoạch và mô hình canh tác cụ thể cho từng vùng để phát huy hết tiềm năng. Không nên máy móc áp dụng một mô hình cho các vùng nguyên liệu khác nhau” – ông Lộc nói và cho biết thêm, cấp độ cao hơn, vùng mía nguyên liệu chỉ có thể tồn tại bền vững nếu lợi nhuận từ cây mía cao hơn lợi nhuận từ cây trồng cạnh tranh trực tiếp tại địa phương. Có như thế, người nông dân mới có thể yên tâm tiếp tục đồng hành cùng các nhà máy, và mới có thể phục hồi diện tích trồng mía và ngành mía đường.
Cần giải pháp đồng bộ
Chia sẻ về các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu mía đường bền vững, ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An - một người đã theo dõi ngành mía đường lâu năm cho biết, việc đầu tiên cần phải quan tâm để phát triển vùng nguyên liệu là triển khai quy hoạch. Thứ hai, phải chọn được giống tốt, phát triển nhanh, có trữ lượng tốt và phù hợp với từng vùng miền. Đồng thời phải có chính sách để nông dân thay đổi giống, vì có nhiều người chưa hẳn đã chịu thay đổi giống. “Nhà nước và doanh nghiệp phải có những chính sách hỗ trợ người dân để họ có trách nhiệm thay đổi giống và năng suất. Trong giống, ngoài phù hợp về thổ nhưỡng, thì lúc nào cần là phải đáp ứng được. Chúng ta phải có một hệ thống sẵn sàng để cung cấp cho nông dân khi cần. Tôi đi tiếp xúc cử tri cũng thấy nông dân đề cập đến ý này. Ngay cả các nhà máy đường, như ở Nghệ An, có một cơ chế để hỗ trợ nông dân tiếp cận với giống, kể cả tiếp cận với vốn vay để đầu tư” – ông Nguyễn Thanh Hiền chỉ rõ.
Thứ ba, phải quan tâm việc cam kết, có "sự thủy chung" giữa nông dân trồng mía và nhà máy. Thường các nhà máy tranh mua tranh bán với nhau, nông dân không biết giá thế nào để bán cho nơi khác. Vì chuyện thương lái, các nhà máy cạnh tranh với nhau khi thiếu nguyên liệu mới làm như vậy. Nếu Hiệp hội các nhà máy xử lý tốt vấn đề này, các nhà máy gắn chặt với nông dân, thì mới tốt.
Một vấn đề cũng quan trọng là phải tạo ra được thương hiệu, mẫu mã, để nông dân có cơ hội quan tâm, phát triển, gắn liền với nhà máy để tạo thương hiệu của từng vùng, tùy theo loại giống. Thí dụ như mỗi giống ở mỗi vùng lại cho trữ lượng đường khác nhau, chất lượng đường khác nhau, từ đó tạo thương hiệu cho từng vùng và phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
Về phía người nông dân, bà Lê Thị Quỳnh Trang – Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Tân Tiến (Gia Lai) cho rằng, cần khuyến khích bà con tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp để mở rộng diện tích và thông qua hợp tác xã nông nghiệp sẽ thu hút chính sách hỗ trợ của nhà nước để hỗ trợ lại cho hộ dân phát triển cây mía. Bên cạnh đó, đối với những diện tích nhỏ lẻ, chúng ta nên mạnh dạn vận động bà con chuyển đổi vì diện tích đó chúng ta không vận dụng được cơ giới không mang lại hiệu quả với phát triển cây mía.
Ngoài ra, nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách hỗ trợ để các HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, để giảm chi phí sản xuất, có thêm chính sách hỗ trợ nông dân khi gặp rủi ro trước biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
“Ngoài ra, chúng tôi rất quan tâm giống mía. Theo tôi, công tác này cần được quan tâm hơn và cần có những chương trình lai tạo tập trung vào vùng chuyên canh để sản xuất mía giống. Hiện nay, các hợp tác xã nông nghiệp của chúng tôi có 500 ha mía, nếu làm tốt công tác này, tới đây chúng tôi sẵn sàng tiếp cận, mở rộng diện tích sản xuất lên một nghìn ha” – bà Trang chia sẻ.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho hay, mới đây, Bộ NN-PTNT đã bàn sâu về tái cơ cấu nông nghiệp trong đó có vấn đề mía đường, làm thế nào để tăng hiệu quả. Vấn đề khoa học công nghệ, các viện, trường, đặc biệt là viện nghiên cứu mía đường trực thuộc Bộ NN-PTNT đã tích cực trong vấn đề giống mía, cải thiện chất lượng giống mía.
Đồng thời, Bộ đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để có chương trình phát triển thị trường khoa học công nghệ quốc gia, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó sẽ ưu tiên lựa chọn nguồn đầu tư vào thẳng các vấn đề công nghệ chế biến sâu, trong đó ưu tiên chế biến mía đường.
“Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Bộ sẽ trao đổi sâu với Vụ Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt trong nội hàm về chính sách tín dụng thương mại đối với các nhà máy đường phù hợp với chu kỳ thu hoạch, phù hợp với khả năng tín dụng của các nhà máy mía đường; đặc biệt là mối quan hệ giữa người nông dân với Ngân hàng Nhà nước như thế nào” – ông Nguyễn Quốc Toản cho biết.
Bộ NN-PTNT cũng đang soạn thảo nghị định để trình Chính phủ về cơ giới hóa nông nghiệp. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để đẩy mạnh cơ giới hóa kết hợp với chế biến sâu, từ đó tạo động lực cho phát triển ngành mía đường.