Ứng dụng AI và cảm biến trong nông nghiệp nông thôn
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến thông minh, công nghệ tưới nhỏ giọt hay phun thuốc bằng drone,… không còn là khái niệm xa lạ trên những cánh đồng ở Gia Lai. Từ nông dân, hợp tác xã đến doanh nghiệp, tất cả đang từng bước chuyển mình theo hướng nông nghiệp thông minh, tạo nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế nông thôn.
Từ trang trại thông minh đến sáng chế nhà nông
Năm 2015, anh Nguyễn Công Hoàng Gia (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) bắt tay xây dựng trang trại hơn 5 ha trồng cà phê và chanh dây theo hướng công nghệ cao. Không chỉ dừng lại ở kỹ thuật giống cây, anh Gia còn tích hợp phần mềm, công nghệ thông tin và thiết bị cảm biến vào quy trình chăm sóc cây trồng. Cảm biến thông minh giúp theo dõi chính xác nhiệt độ, độ ẩm, độ pH, độ EC…, từ đó điều chỉnh lượng nước, phân bón phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng. Nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp tự động hóa, trang trại của anh tiết kiệm tới 95% nước, phân bón và giảm 70% chi phí nhân công. Quan trọng hơn, năng suất cao hơn 50-80% so với canh tác truyền thống.
"Công ty TNHH Ánh Dương Tây Nguyên đang cung ứng và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân canh tác hơn 3.000 ha cà phê, 50 ha chanh dây (liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu), hơn 200 ha sầu riêng áp dụng giải pháp xử lý, cải tạo đất, phục hồi cây cùng nhiều diện tích rau màu áp dụng giải pháp xử lý đất, kiểm soát dịch hại bằng sinh học trên địa bàn tỉnh" - anh Gia chia sẻ.
Ông A Ngum (làng Bot Grek, xã Hnol, huyện Đak Đoa) vui mừng khi giải pháp dinh dưỡng và phòng trừ rệp sáp gốc bằng NutriNeem-Zyme và BiO Pest Control mang lại hiệu quả rõ rệt |
Ở huyện Krông Pa, nông dân Phạm Văn Bình (xã Phú Cần) cũng ghi dấu ấn với những sáng chế độc đáo. Ông chế tạo máy phun thuốc chạy bằng năng lượng mặt trời – đạt giải Nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai năm 2019. Chiếc máy có thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả cao, có thể phun đều trên cây cao từ 1-5m, điều khiển dây tự động, rút gọn công sức lao động. Không dừng lại ở đó, ông Bình còn chế tạo máy phun thuốc điều khiển từ xa với phạm vi 300-500m, giúp người nông dân đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất.
“Nông nghiệp số không còn là chuyện của tương lai, mà là cách để nông dân hiện đại hóa nghề làm nông của mình” - ông Bình nói.
Mô hình trồng chanh dây trong nhà kính |
Còn anh Trần Ngọc Thắng (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) là người tiên phong khởi nghiệp bằng mô hình ươm giống chanh dây thực sinh ứng dụng công nghệ cao. Với 600 m² đất, anh đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng nhà lưới, hệ thống giàn ươm, nhập giá thể từ Đan Mạch và giống đạt chuẩn. Mỗi đợt xuất vườn, hàng chục nghìn cây giống chất lượng cao được chuyển đến tay nông dân trong vùng, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng. Mô hình của anh Thắng là ví dụ rõ nét cho xu hướng khởi nghiệp nông nghiệp thông minh ở Gia Lai.
Nông nghiệp số: Đòn bẩy mới cho vùng đất đỏ bazan
Không chỉ nông dân, doanh nghiệp cũng đang là lực đẩy lớn trong quá trình số hóa nông nghiệp. Công ty CP Nông nghiệp AGRIS Gia Lai (tiền thân là Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai) là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 trong toàn chuỗi sản xuất, từ vùng nguyên liệu đến nhà máy chế biến.
Tại xã Hbông (huyện Chư Sê), doanh nghiệp đã số hóa bản đồ lô thửa, triển khai phần mềm FRM phân tích dữ liệu để đưa ra khuyến cáo kỹ thuật trồng mía. Máy bay không người lái được sử dụng để phun thuốc, tiết kiệm chi phí và hạn chế rủi ro. Năm 2022, ứng dụng “SBT Farmer” được ra mắt, giúp người trồng mía cập nhật thông tin đầu tư, kỹ thuật và tình hình canh tác theo thời gian thực.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chư Sê, địa phương đang tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, huyện đã có 4 dự án được tỉnh phê duyệt, 3 dự án đang chờ chủ trương và 3 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu. Hàng năm, địa phương bố trí khoảng 10 tỷ đồng để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng công nghệ mới, hướng đến mục tiêu xây dựng vùng sản xuất chất lượng cao, phục vụ thị trường trong và ngoài nước.
Hiện, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) đang triển khai hàng loạt mô hình nông nghiệp hiện đại. Điển hình như: trồng dưa lưới, cà chua, dâu tây trong nhà kính; sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ – độ ẩm – ánh sáng tự động; sản xuất theo chuẩn VietGAP, có truy xuất nguồn gốc bằng mã QR. Đồng thời, Trung tâm còn chuyển giao công nghệ trong quản lý sâu bệnh, phần mềm bảo vệ thực vật PPDMS 2.0, cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Người dân Gia Lai đổi đời nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào phương pháp canh tác cây mía |
Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã được cấp 212 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 9.300 ha và 34 mã số cơ sở đóng gói. Hơn 48.400 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến; 255.670 ha sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO… Công nghệ cũng len sâu vào chăn nuôi khi các trang trại quy mô vừa và lớn sử dụng phần mềm quản lý quá trình sản xuất, khai báo dịch bệnh trên hệ thống VAHIS, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu và vùng an toàn dịch bệnh.
Để hướng đến mục tiêu chuyển đổi số trong nông nghiệp, các sở, ngành, địa phương tại Gia Lai đang chủ động kết nối thử nghiệm các công nghệ mới như AI, công nghệ chuỗi khối (blockchain), cảm biến, nano, drone… Đồng thời, nâng cấp hạ tầng và khuyến khích người nông dân sẵn sàng tiếp cận, sử dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thông minh. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là con đường mở ra cơ hội làm giàu bền vững cho người dân nông thôn trên vùng đất đỏ bazan.
Hiện nay, Gia Lai đã ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật PPDMS 2.0 phục vụ công tác thống kê, dự báo tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng. Phối hợp triển khai, thực hiện cơ sở dữ liệu về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh; sử dụng phần mềm xây dựng và quản lý dữ liệu, thu thập dữ liệu (hồ sơ, định vị GPS…), xây dựng cơ sở dữ liệu (sử dụng phần mềm như Google Earth…). |