Bình đẳng, đoàn kết, hỗ trợ cùng phát triển
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định vấn đề dân tộc, tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Công tác TTTT về dân tộc, tôn giáo đóng vai trò quan trong trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo |
Ông Hà Việt Quân – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc - nhấn mạnh, quan điểm của đảng về vấn đề dân tộc là xuyên suốt và cụ thể. Trong tất cả các văn kiện của Đại hội Đảng, luôn luôn khẳng định vấn đề dân tộc, đại đoàn kết dân tộc là cốt yếu, cốt tử của chủ trương chính sách. Dựa trên quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, Đảng, Nhà nước luôn xác định chủ trương các dân tộc đều bình đẳng, đoàn kết, hỗ trợ cùng phát triển.
Cùng với chính sách dân tộc, theo PGS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam – cho hay, từ khi thành lập Đảng đến nay, chính sách tôn giáo được Đảng quan tâm, thực hiện xuyên suốt, trong đó, tập trung vào các nội dung: Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân; bình đẳng giữa các tôn giáo, các tôn giáo và bình đẳng trước pháp luật; đoàn kết tôn giáo, gắn với đoàn kết dân tộc; phát huy giá trị đạo đức, nhân văn, các điểm tích cực của các tôn giáo. Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng đưa ra quan điểm rất mới, đó là ngoài phát huy các giá trị tích cực đạo đức, giá trị nhân văn của tôn giáo còn tập trung phát huy các nguồn lực của tôn giáo; chống lợi dụng tôn giáo để chia rẽ đoàn kết tôn giáo, cũng như phá hoại sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước đã đề ra và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án quan trọng, có tác dụng to lớn đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo. Song song đó, công tác tuyên truyền, truyền thông (TTTT) về dân tộc, tôn giáo, giúp cho cộng đồng hiểu rõ chính sách dân tộc, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta và thực tế tình hình cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và phát triển được đẩy mạnh.
Ông Đặng Khắc Lợi – Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) - cho biết, Việt Nam có gần 800 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình… đây chính là công cụ, lực lượng lớn để triển khai thực hiện TTTT về công tác dân tộc, tôn giáo trên cả nước; để đồng bào hiểu rõ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, góp phần xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Với vai trò cơ quan quản lý các cơ quan truyền thông, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, tôn giáo, dân tộc, theo ông Đặng Khắc Lợi, Bộ TTT&TT đã nỗ lực thực hiện có hiệu của các chương trình TTTT về dân tộc, tôn giáo, như: Phủ sóng, số hóa các chương trình, tăng cường thời lượng tin bài, thông tin tuyên truyền hướng về cơ sở, tăng thời lượng, nâng cao chất lượng phát thanh truyền hình bằng tiếng dân tộc và dân tộc thiểu số; đẩy mạnh TTTT phổ biển các quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với các cán bộ, nhân dân nhất là trong các chức sắc, tín đồ tôn giáo. Ngoài các ấn phẩm chuyên môn về tôn giáo, liên quan đến công tác tôn giáo, mỗi một tôn giáo đều có ấn phẩm riêng để tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng về chính sách dân tộc, tôn giáo.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng DTTS, thời gian qua, Ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế về kinh tế đã chú trọng xây dựng các chương trình, kế hoạch TTTT về hội nhập kinh tế quốc tế, làm sao giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - thông tin, hiện có 5 mảng lớn được Ban chỉ đạo tập trung thực hiện: Thứ nhất, đó là phát triển hạ tầng thương mại và kinh tế vùng biên mậu, chú trọng xây dựng hạ tầng các khu logistics, chợ vùng biên, bến bãi… giúp bà con biên mậu đẩy mạnh xuất nhập khẩu; xây chợ nâng cao đời sống bà con biên giới, hải đào. Thứ hai là kéo điện về vùng đồng bào, góp phần phát triển kinh tế vùng khó khăn, tiếp cận các phương tiện, chương trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ ba, là thực hiện chức năng khuyến công, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn vốn giúp bà con đáp ứng đầu tư trang thiết bị máy móc. Thứ tư là phát triển thị trường trong nước, thông qua việc triển khai chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của đồng bào DTTS. Thứ năm, là TTTT về hội nhập kinh tế quốc cho bà con.
Hơn 15 thực hiện Nghị quyết của Đảng về dân tộc và tôn giáo, công tác TTTT về dân tộc, tôn giáo được ghi nhận là góp phần quan trọng, đạt nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên hiện công tác TTTT về dân tộc, tôn giáo vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Chỉ rõ nguyên nhân thực trạng trên, ông Hà Việt Quân - cho hay, vùng đồng bào DTTS địa bàn rộng, chia cắt, trải dài, điều kiện tự nhiên xã hội khó khăn; nhiều nhóm dân tộc khác nhau về ngôn ngữ, đặc trưng văn hóa cũng như khả năng tiếp cận TTTT. Mặt khác, công tác TTTT chưa chủ động, sáng tạo về vùng đồng bào DTTS. “Các hình thức truyền thông chưa thực sự chạy theo đời sống thường ngày của bà con, chủ yếu là tuyên truyền theo cách cổ điển qua các hội nghị, hội thảo. Chưa phát huy sự sáng tạo của các loại hình truyền thông, nhất là chưa tận dụng được lợi thế và truyền thông trên mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ hiện nay”- ông Quân nêu.
Trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm, dễ thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế. Đây cũng là lĩnh vực dễ bị lợi dụng vào các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Theo PGS Chu Văn Tuấn, từ trước đến nay, công tác TTTT về tôn giáo chủ yếu là về chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước, trong khi còn hạn chế về các giá trị tốt đẹp, đóng góp của tôn giáo; sự tham gia của tôn giáo về các vấn đề của đời sống xã hôi. Chính vì vậy, xã hội chưa hiểu về tôn giáo, thậm chí e ngại tuyên truyền về tôn giáo.
Công tác TTTT về công tác dân tộc, tôn giáo đang đặt ra nhiều đòi hỏi trong tình hình mới |
Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo
Trước bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam đi kèm với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng 4.0; sự thay đổi của tình hình chính trị, kinh tế thế giới đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế xã hội Việt Nam nói chung và công tác dân tộc, tôn giáo nói riêng đòi hỏi chúng ta phải có những cơ chế chính sách mới phù hợp hơn, đồng thời đẩy mạnh công tác TTTT về công tác dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới.
Ông Hà Việt Quân - cho rằng, cần phải cập nhật thông tin đời sống kinh tế vùng đồng bào DTTS nhiều hơn nữa; bỏ qua một số định kiến nhất định trong việc tiếp cận thông tin của đồng bào; hình thức, phương pháp TTTT cần có sự sáng tạo, đổi mới phù hợp hơn với vùng đồng bào DTTS. "Chỉ khi nào cung cấp các thông tin tới đồng bào một cách chủ động, tích cực, có hữu ích thì mới nghĩ đến câu chuyện hội nhập bền vững"- ông Quân nói.
Để tăng tính hiệu quả trong công tác TTTT về tôn giáo, PGS Chu Văn Tuấn - đề xuất, trước hết người làm công tác TTTT phải được trang bị hiểu biết đầy đủ kiến thức, hiểu biết về tôn giáo. Đặc biệt đội ngũ làm TTTT có chương trình, kế hoạch bồi dưỡng, giúp họ có kiến thức cơ bản. Tránh sai sót, tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng. Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần có chuyên mục về tôn giáo, thực hiện thông tin về chính sách pháp luật cũng như đóng góp các giá trị tôn giáo đối với đời sống xã hội.
Việt Nam có gần 100 triệu dân, 130 triệu thuê bao điện thoại, 65 triệu dùng mạng xã hội. Đại diện Bộ TT&TT - đánh giá, đây là lợi thế trong cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, các cơ quan, Bộ ngành cần nắm bắt tình hình tâm tư tình cảm, các bức xúc của cán bộ, nhân dân về các vấn đề tôn giáo, dân tộc để phát hiện kịp thời các âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch trên không gian mạng; tăng cường TTTT đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của thế lực thù địch, phán động; phát huy vai trò của báo chí về thông tin chính thống, định hướng dư luận xã hội; tăng cường TTTT về đất nước, con người Việt Nam để cung cố sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời, cơ quan báo chí nên thúc đẩy chuyển đổi số, sử dụng các nền tảng mạng xã hội trong nước như zalo, mocha để lan tỏa thông tin tích cực, chính thống nhằm pha loãng các luống thông tin sai trái, sai sự thật.
Để góp phần nâng cao nhận thức đúng đắn của xã hội về chính sách pháp luật về dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo; góp phần giữ gìn các trị tuyền thống lịch sử, văn hóa, các giá trị tín ngưỡng của các dân tộc, ngày 21/2/2019 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 219 phê duyệt Đề án hỗ trợ TTTT về dân tộc, tôn giáo, mục tiêu là đẩy mạnh hơn nữa công tác TTTT về dân tộc, truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa về dân tộc, tôn giáo; các quan điểm của Đảng, các chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, những giá trị của tôn giáo đối với xã hội; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc hiện nay.
Đại diện Bộ TT&TT - cho biết, trước yêu cầu đặt ra, hiện Bộ này đã làm việc với các quan liên quan, triển khai các nội dung, cách làm để Đề án đạt hiệu quả, góp phần xây dựng nhận thức đúng đắn của người dân về vấn đề dân tộc, tôn giáo; các chính sách về dân tộc, tôn giáo. Qua đó, giữ gìn các giá trị tuyền thống, tăng cường đoàn kết dân tộc; thực hiện mục tiêp phát triển kinh tế; đấu tranh các biểu hiện lệch lạc về dân tộc, tôn giáo.
Trong chương trình thực hiện mục tiêu về dân tộc, tôn giáo, Quốc hội khóa XIV cũng đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14, Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, trong chương trình hành động mục tiêu Nghị quyết, cũng dành riêng một dự án riêng về TTTT về luật pháp, thị trường, kiến thức khoa học công nghệ, nông nghiệp để bà con phát triển kinh tế. “Giai đoạn tới được coi là thời gian quyết định trong công tác TTTT về dân tộc, làm sao để phát huy mọi nguồn lực, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi nhanh, bền vững”- ông Quân cho hay.
Trong suốt 20 năm lăn lộn TTTT về hội nhập kinh tế quốc tế khắp các địa phương, vùng đồng bào DTTS, nhận thấy nhiều đồng bào vùng DTTS nói không sỏi tiếng phổ thông, trình độ văn hóa hạn chế khi tiếp cận thông tin. Vì vậy, ông Trịnh Minh Anh - cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã xây dựng một đề án về TTTT về kinh tế quốc tế. Theo đó, thời gian tới, Ban chỉ đạo sẽ đẩy mạnh đa dạng hóa TTTT về hội nhập kinh tế, như TTTT qua mạng hệ thống các trang điện tử từng Bộ ngành; in ấn các ấn phẩm về cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường Việt hóa ngôn ngữ đàm phán để bà con có thể hiểu được. Ngoài ra, áp dụng các hình thức mới, như biên soạn sổ tay cho các cán bộ TTTT, trong đó lựa chọn thông tin chắt lọc, dễ hiểu nhất cho bà con. Tích cực phối hợp các bộ ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp nhằm đa dạng hóa hình thức TTTT để tạo hiệu quả cao nhất.