Bảo Thắng: Chuyển đổi số chắp cánh đưa nông sản vươn xa
Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm gần đây, nông dân Bảo Thắng (Lào Cai) đã bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong các quy trình từ sản xuất đến quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị và đưa sản phẩm nông sản Bảo Thắng vươn xa.
Đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm Ocop của Bảo Thắng tại Hội chợ |
Xác định chuyển đổi số là chìa khóa quan trọng mở cánh cửa cho phát triển nông nghiệp hiện đại, đưa các sản phẩm nông nghiệp của huyện vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt có một số sản phẩm đã được xuất khẩu. Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đơn vị, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số được giao. Đồng thời, gắn nhiệm vụ triển khai Chương trình Chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp với thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2023, trong đó, lựa chọn một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng điểm, trọng tâm, phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cơ quan, góp phần quan trọng đưa nông nghiệp huyện nhà phát triển, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ của xã hội.
Cùng với đó, các đơn vị trực thuộc đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tích cực đổi mới tư duy, cách làm, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng phần mềm quản lý mã số vùng trồng; ứng dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản đối với sản phẩm chủ lực; hỗ trợ người sản xuất tham gia quảng bá và giới thiệu sản phẩm lên sàn thương mại điện tử...
Sản phẩm mật ong của hộ nông dân ở Bảo Thắng (Lào Cai) |
Theo đó chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2023 của Bảo Thắng tập trung vào 2 mục tiêu quan trọng để ưu tiên triển khai, gồm: Đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, trừ các sản phẩm thuộc danh mục cấm quảng cáo; Tỷ lệ doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình có sản phẩm OCOP được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử. Đến nay, 30/30 sản phẩm OCOP của huyện đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, như: Shoppee.vn; laocaitrade.vn; Voso.vn; postmart.vn; 15 chủ thể sở hữu các sản phẩm OCOP đã đưa lên các sàn thương mại điện tử đều có 1-3 gian hàng số, có tài khoản thanh toán điện tử. Ngoài ra, các chủ thể sản phẩm OCOP còn sử dụng nền tảng Facebook, Zalo… để quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm.
Thông qua hoạt động chuyển đổi số, đã tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho các sản phẩm OCOP, theo kết quả khảo sát sơ bộ, doanh thu của các sản phẩm OCOP năm 2023 đạt trên 18 tỷ đồng. Trong năm 2023, bằng nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, phòng đã tham mưu UBND huyện tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tổng số 194 người tham gia, đây là cán bộ phụ trách Nông thôn mới xã, Phó chủ tịch UBMTTQ xã, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn hoặc ban phát triển thôn, Chương trình tập huấn với nhiều chuyên đề, trong đó, có chuyên đề về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Có thể thấy, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất. Mục tiêu này cũng đang được các ngành, địa phương và các doanh nghiệp, người dân trong huyện đẩy mạnh, với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.
Để thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp toàn diện hơn nữa trong thời gian tới, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng tiếp tục tập trung tham mưu UBND huyện phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế, đồng thời, đề xuất nghiên cứu cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, thông tin thị trường… để giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin, từ đó, cân đối, đưa ra giải pháp phù hợp nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, cũng như hỗ trợ chia sẻ các thông tin về nông nghiệp qua các nền tảng số, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, chuỗi cung ứng sản phẩm bảo đảm chính xác, minh bạch, an toàn… hướng tới nền nông nghiệp số toàn cầu.