Bắc Giang: “Kích hoạt” chuyển đổi số phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Hiện tỉnh Bắc Giang có 45 thành phần dân tộc thiểu số với hơn 257 nghìn người (chiếm 14,26% dân số), trong đó có 6 dân tộc thiểu số dân số đông, sinh sống thành cộng đồng gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Dao và Sán Chay (bao gồm Cao Lan và Sán Chí). Đồng bào dân tộc thiểu số tập trung nhiều ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.
Chuyển đổi số từ hệ thống hợp tác xã
Theo thống kê, hiện số hợp tác xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh Bắc Giang là hơn 140 đơn vị, trong đó 50 đơn vị tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Nắm bắt kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng, các hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số không ngừng áp dụng chuyển đổi số.
Chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho đồng bào dân tộc. |
Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết, trong Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang dành gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động thành lập mới các hợp tác xã trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Phối hợp các hoạt động khởi nghiệp, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên nhu cầu thực tiễn, tiềm năng và lợi thế vùng.
Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, nhằm đẩy mạnh quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ cao theo công nghệ 4.0, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và mô hình hợp tác xã nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh đã bố trí 2,7 tỷ đồng để xây dựng ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, cài đặt trên thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính...). Đồng thời, thực hiện hỗ trợ, phát triển các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, 5 mô hình khởi nghiệp hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
“Phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về khoa học công nghệ, thị trường, để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội vùng thông qua các nhiệm vụ, dự án. Tuy nhiên, để khai thác tốt lợi thế, từng bước nâng cao thu nhập, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng cần phải xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, năng động hơn, mạnh dạn hơn trong sản xuất”, ông Mai Sơn cho hay.
Thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số hỗ trợ đồng bào
Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang vừa triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai Chương trình, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức quản lý, tổ chức Chương trình từ trung ương đến địa phương.
Từ đó, triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số nhằm đổi mới và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình. Đổi mới phương pháp, chuyển đổi số trong truyền thông, tuyên truyền cho Chương trình. Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình các cấp.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá; 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống; 100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được thông tin tự động về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai. Thiết lập và công bố các bộ dữ liệu mở về kết quả triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình để công khai cho các tổ chức, người dân.
Phấn đấu 100% các dữ liệu được công bố có khả năng khai thác trên môi trường số (máy tính, điện thoại thông minh...); 100% cán bộ quản lý các cấp quản lý, thực hiện Chương trình được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin thường xuyên về kỹ năng số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý tác nghiệp trên môi trường số. Các cơ quan công tác quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình từ tỉnh đến địa phương được đảm bảo hạ tầng, trang bị vận hành Phòng họp trực tuyến; có ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số; 100% các hệ thống thông tin thuộc Đề án được triển khai đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin mạng.
Để đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế xã hội vùng thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Đề án. Phấn đấu từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Đề án.
Để công tác chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt hiệu quả, rất cần các giải pháp liên thông, kết nối, đồng bộ dữ liệu của Ủy ban Dân tộc với các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, cần mau chóng phát triển hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ kết nối với các hệ thống thông tin; đầu tư hệ thống thông tin báo cáo, đánh giá, giám sát phục vụ trung tâm điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.