Xuất khẩu hàng hóa vượt 120 tỷ USD, xuất siêu cao Bộ Công Thương: Cần chuyển nhanh, mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch Xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Đan Mạch tăng 53,6% |
Điểm sáng xuất khẩu
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, xuất nhập khẩu hàng hóa, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine… nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 6 vẫn phục hồi mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 65,02 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5% và cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
Cụ thể, về xuất khẩu hàng hóa, tháng 6/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,65 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 28,4%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 49,26 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%, chiếm 73,5%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khối các ngành có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).
Đối với các nhóm hàng cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản tháng 6/2022 ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng 5/2022 và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất nhập khẩu hàng hóa khởi sắc nửa đầu năm |
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 13,5%), chiếm 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Những mặt hàng tăng trưởng cao trong nhóm này gồm có thủy sản; cà phê; hạt tiêu; sắn và các sảm phẩm về sắn…
Thủy sản được coi là điểm sáng trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản trong tháng 6 với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 1,05 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt 5,7 tỷ USD, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu cao của thị trường thế giới đối với thủy sản Việt Nam.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là chủ lực trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2022, ước đạt 27,6 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 5/2022 và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 18%).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng góp chính vào tốc độ tăng trưởng chung của xuất khẩu với kim ngạch ước tính đạt 159 tỷ USD, tăng 17% so với quý cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 31,3%) và chiếm 85,7% tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Đối với thị trường xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2022: Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,96 tỷ USD, chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 43,3%). Tiếp đến là Trung Quốc; thị trường EU; thị trường ASEAN; Hàn Quốc; Nhật Bản.
Về nhập khẩu hàng hóa, tháng 6/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 32,37 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất với khoảng 88,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 164,5 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ tăng 35,6%).
Trong 6 tháng đầu năm có 30 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 87% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Với xu hướng xuất nhập khẩu như vậy, tháng 6/2022, cán cân thương mại của cả nước ước tính xuất siêu 276 triệu USD (tháng 6 năm 2021 nhập siêu 618 triệu USD). Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,97 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,68 tỷ USD.
Kỳ vọng nào cho nửa cuối năm?
Hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào các yếu tố như sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các FTAs của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ở trong nước, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…
Tuy nhiên, những xung đột chính trị trên thế giới dự báo sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất khẩu hàng hóa nói riêng. Do đó, để đạt được các chỉ tiêu đề ra trong năm nay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.
Đồng thời, theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than,... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, vừa tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), từ đầu năm 2022, hàng chục cuộc kết nối giao thương với các thị trường quốc tế và khu vực được tổ chức, qua đó giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều cơ hội xúc tiến đầu tư với các thị trường lớn và tiềm năng, để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh, nhanh chóng phục hồi sau dịch bệnh, cũng như đa dạng chuỗi cung ứng.
Các phiên tư vấn là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tạo cơ hội giá trị để các địa phương, doanh nghiệp chia sẻ, xác định được hướng đi và biện pháp thâm nhập, phát triển hiệu quả vào các thị trường xuất-nhập khẩu mục tiêu. Từ đó, doanh nghiệp cải thiện nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế, vững vàng vượt qua khó khăn do COVID-19 và đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế cũng như sự phát triển bền vững của nền ngoại thương Việt Nam.