Xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Cần có chế tài xử lý rõ ràng
Tiếp tục chuỗi hoạt động lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật BVQLNTD (sửa đổi), ngày 25/3, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến về Dự thảo Luật BVQLNTD (sửa đổi) lần thứ ba tại TP. Hồ Chí Minh.
Tham dự hội thảo có hơn 90 đại biểu đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, văn phòng luật sư, cơ sở giáo dục, đào tạo tại khu vực phía Nam và đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập Luật BVQLNTD (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cho biết, Dự thảo Luật BVQLNTD (sửa đổi) gọi tắt là Dự thảo, có 7 Chương, 80 Điều. So với Luật hiện hành, Dự thảo giữ nguyên 13 Điều và sửa đổi 38 Điều, thêm mới 29 Điều, bổ sung thêm 1 Chương riêng về BVQLNTD trong các giao dịch đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh: Giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, bán hàng trực tiếp…
Hội thảo Lấy ý kiến về Dự thảo Luật BVQLNTD (sửa đổi) lần thứ ba |
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Dự thảo được bổ sung và sửa đổi khá nhiều nội dung liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, các hình thức kinh doanh. “Do đó, ý kiến phản ánh chính xác, đầy đủ của doanh nghiệp là rất quan trọng và quyết định thành công của công tác BVQLNTD cũng như quá trình sửa đổi dự án Luật” - ông Trịnh Anh Tuấn nói.
Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết, Dự thảo bổ sung nhiều nội dung lớn của Luật hiện hành như: Hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung; hợp đồng bán hàng đa cấp; nghĩa vụ của đơn vị có giao dịch bán hàng từ xa gồm sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán hàng trên mạng…; quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng. Dự kiến khi ban hành, Luật BVQLNTD (sửa đổi) sẽ tác động đến nhiều tổ chức, đơn vị trong lĩnh vực này. Do đó, ý kiến tham gia của các đại biểu là nguồn thông tin quan trọng, có đóng góp trực tiếp vào chất lượng của Dự thảo.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu nêu ý kiến góp ý về khái niệm “người tiêu dùng”. Bà Trần Thị Thanh Thư, đại diện Công ty Deloitte Việt Nam, cho rằng, khái niệm người tiêu dùng (NTD) trong Dự thảo là quá hẹp về phạm vi chủ thể và vô tình bỏ qua những chủ thể NTD xứng đáng được bảo vệ trên thực tế như NTD là tổ chức, doanh nghiệp. “Tại Dự thảo Luật, Khoản 1, Điều 3 quy định rằng, NTD là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình… Có thể thấy Dự thảo chỉ tập trung bảo vệ NTD là cá nhân và loạt bỏ khái niệm NTD là tổ chức. Bên cạnh đó, khi đọc Tờ trình Dự thảo, tôi chưa nhận thấy cơ sở giải thích hợp lý cho việc thu hẹp phạm vi NTD này” - bà Thư nêu góp ý.
Sửa đổi Luật BVQLNTD ở thời điểm này là thực sự cần thiết |
Cũng có ý kiến liên quan đến khái niệm NTD, nhưng TS. Phan Thị Hương Giang, giảng viên Đại học Kinh tế - Luật lại đồng tình với quan điểm trong Dự thảo Luật. Vì theo bà Giang, chủ thể vừa là tổ chức, vừa là cá nhân nhiều khi sẽ dẫn đến sự nhập nhằng trong việc áp dụng Luật. Tuy nhiên, trong khái niệm NTD là cá nhân mua hoặc sử dụng thì theo bà Giang là chưa đủ. NTD ở đây có thể không mua (được cho, tặng) nhưng sẽ sử dụng sản phẩm vào mục đích tiêu dùng là được.
Bà Giang nêu ví dụ: Nếu như tôi mua một sản phẩm đồ điện tử, tặng cho người thân, dù người thân chưa sử dụng sản phẩm nhưng vì lý do nào đó, sản phẩm bị lỗi hỏng, tác động trực tiếp đến quyền lợi của NTD thì cũng cần được bảo vệ. “Theo tôi, điều kiện cần nên là hành vi mua và hành vi sử dụng, còn điều kiện đủ là nhằm phục vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt” - bà Giang nêu quan điểm.
Góp ý về nghĩa vụ của NTD, theo Dự thảo Luật, NTD có nghĩa vụ kiểm tra hàng hoá trước khi nhận để đảm bảo không gặp phải những rủi ro liên quan đến chất lượng hàng hoá. Tuy nhiên, theo bà Giang, trường hợp này không chỉ là nghĩa vụ, mà nó còn phải là quyền của NTD. Vì nhiều trường hợp NTD mua hàng qua các sàn thương mại điện tử và các sàn này không cho phép NTD được kiểm tra hàng hóa trước khi nhận. “Thay vì chỉ quy định là nghĩa vụ thì chúng ta nên thay đổi nó là quyền của NTD, đặc biệt cũng cần quy định đấy là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân này phải cho NTD kiểm tra hàng hoá trước khi nhận” - bà Giang đề xuất.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Bình, Văn phòng luật sư Thành Trung, Sửa đổi Luật BVQLNTD ở thời điểm này là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật, phải được xây dựng trên cơ chế có giả định, có quy định và có chế tài xử lý rõ ràng, không nên đưa quá nhiều chính sách vào luật. “Dự thảo Luật hiện nay tính chế tài đang mờ nhạt và thiếu vắng” - ông Bình nhận định.
Ngoài ra, góp ý về việc tạm ứng án phí khi NTD tổ chức khởi kiện tại toà. Theo luật sư Bình, tại sao Luật không để là miễn tạm ứng án phí? Ông Bình đưa ví dụ: Đối với luật chuyên ngành là Luật Lao động quy định rất rõ là người lao động đi kiện thì không phải nộp tạm ứng án phí; hay người cao tuổi (trên 60 tuổi) theo Luật người cao tuổi trong Bộ luật Dân sự nếu đi kiện cũng sẽ được miễn tạm ứng án phí… vậy tại sao ở Luật BVQLNTD, NTD lại phải tạm ứng án phí? “Tôi mong Ban soạn thảo dự án Luật BVQLNTD (sửa đổi) lưu ý, để chúng tôi những người luật sư được hành nghề một cách suôn sẻ nhất và cũng để quyền lợi NTD được đảm bảo tốt nhất” - luật sư Bình nói.