Thứ hai 25/11/2024 10:10
Già làng Tây Nguyên:

Trụ cột trong xây dựng và phát triển buôn làng

“Già làng nói dân làng nghe, già làng hô dân làng hưởng ứng, già làng làm dân làng làm theo”… chính bởi tiếng nói của già làng có uy tín như vậy, nên với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên: Già làng chính là trụ cột trong quá trình xây dựng và phát triển buôn làng.

Đồng sức, đồng lòng xây dựng Tây Nguyên

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Toàn vùng Tây Nguyên có dân số hơn 5 triệu người với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có hơn 2.800 buôn, thôn có đồng bào DTTS - chiếm 35% tổng dân số toàn vùng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm cùng các già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên

Trước năm 2009, tình hình an ninh, trật tự xã hội ở một số địa phương khu vực Tây Nguyên tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Ở những buôn, làng đời sống đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, đói nghèo, một bộ phận đồng bào bị kẻ xấu kích động, lôi kéo để gây rối, gây bạo loạn, chống phá chính quyền, vượt biên trái phép. Một số nơi đồng bào nghe theo kẻ xấu xúi giục đã bỏ ruộng nương, bỏ buôn làng, bỏ sản xuất dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn.

Trước thực tế này, để đoàn kết xây dựng Tây Nguyên ổn định và phát triển, Đảng và Nhà nước ta xác định, vai trò của các già làng là đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, tiếng nói của già làng ở Tây Nguyên được người dân rất coi trọng; trong mắt của người dân, già làng là người mẫu mực, được bà con tin cậy, trao gửi tấm lòng.

Trên cơ sở này, tháng 3/2019, Hội nghị biểu dương Già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên đã được tổ chức tại Gia Lai với sự tham dự của 241 già làng tiêu biểu 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh phụ cận. Tại hội nghị, các già làng đã nhất trí thông qua Quyết tâm thư gửi Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ lòng quyết tâm đồng sức, đồng lòng xây dựng Tây Nguyên phát triển toàn diện, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

10 năm và những đổi thay tích cực

Thực hiện Quyết tâm thư, suốt 10 năm qua, hơn 3.000 già làng ở Tây Nguyên mặc dù tuổi cao, nhưng luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy với mọi công việc của buôn làng, sẵn sàng đi sâu đi sát giúp đỡ, hướng dẫn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong buôn làng. Bằng vốn kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong cuộc sống, với nhiệt huyết, trách nhiệm với cộng đồng, các già làng đã khơi dậy trong đồng bào tinh thần không cam chịu đói nghèo, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, cho quê hương. Đặc biệt, các già làng cũng đóng vai trò rất tích cực trong công tác vận động đồng bào các dân tộc nâng cao cảnh giác, không nghe, không tin, không làm theo kẻ xấu và các thế lực phản động. Với những cố gắng của các già làng, bộ mặt buôn làng của nhiều địa phương ở Tây Nguyên đã thay đổi tích cực, đồng bào ngày càng thêm tin tưởng vào các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên (2009 - 2019), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, các già làng đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; thực sự là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Từ hiệu quả thấy rõ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu: Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các già làng trong đồng bào DTTS. Quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời những đóng góp của các già làng có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các già làng phát huy tốt vai trò nòng cốt trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; là cầu nối chuyển tải tâm tư nguyện vọng của đồng bào các DTTS đến với các cấp ủy Đảng, chính quyền, xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước…

Quyết tâm thư của các già làng Tây Nguyên có 5 nội dung cơ bản: Xây dựng, củng cố niềm tin với Đảng, với Bác Hồ và Nhà nước; nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực vận động bà con xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền, vận động ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh với các thế lực thù địch; phát huy vai trò của người cao tuổi.
Phương Tú

Tin cùng chuyên mục

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Chú trọng công tác kiện toàn nhân sự Chương trình 1719

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'