Thực thi Hiệp định CPTPP: Doanh nghiệp chủ động hơn trong cải thiện năng lực cạnh tranh
Kể từ khi Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14 tháng 1 năm 2019, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên của Hiệp định đã có bước tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi vẫn còn nhiều thách thức phía trước đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Công Thương.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang khai thác hiệu quả Hiệp định CPTPP |
Sau 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP, ông có đánh giá nào về tác động của Hiệp định đối với hoạt động xuất khẩu cũng như năng lực tiếp cận thị trường của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam?
Là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, CPTPP gồm 11 nước thành viên là: Úc, Brunây, Canada, Chi Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam. Với quy mô của thị trường, có thể nói, tham gia Hiệp định CPTPP đã mở ra một thị trường xuất khẩu lớn đối với Việt Nam.
Sau cú sốc dịch Covid-19, với những số liệu về xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên của Hiệp định CPTPP trong năm 2021 và 2022 cho thấy các doanh nghiệp ngành hàng đã nắm bắt được cơ hội mà hiệp định này mang lại để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Đáng chú ý, không chỉ tăng trưởng về xuất khẩu hàng hoá mà số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào quá trình xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đang tăng rất tích. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan là có khoảng 50 nghìn doanh nghiệp, điều này cho thấy rằng CPTPP đã hỗ trợ, khuyến khích khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này cũng như tự tin bước vào sân chơi quốc tế rộng lơn.
Khi tham gia vào sân chơi quốc tế này, cũng thể hiện rõ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đủ khả năng vượt qua và đáp ứng tiêu chuẩn cao, khắt khe của thị trường CPTPP.
Bên cạnh những thuận lợi mà Hiệp định CPTPP mang lại, ông có thể nêu một số thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận thị trường các nước thành viên của hiệp định?
Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) |
Các thách thức là điều mà chúng ta không thể tránh trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP. Trong đó về điều kiện khách quan, năm 2022 là năm đầu tiên phục hồi kinh tế của thế giới sau đại dịch Covid-19.
Theo đó, do cách thức phòng dịch, mở cửa khác nhau của mỗi quốc gia cho nên thị trường xuất khẩu của Việt Nam có những rào cản nhất định. Ngoài ra, tình hình chiến sự Ukraina đã tạo ra những biến động về nguyên liệu quan trọng như xăng dầu, vận chuyển… Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hoá của các nước nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.
Đến nay, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã đạt được thành công trong xuất khẩu, nhưng muốn khai thác hết tiềm năng của thị trường CPTPP chúng ta phải quan tâm đến ngành hàng khác. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đó là nguồn lực của doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế. Đơn cử, để cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, chúng ta phải hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và muốn đổi mới công nghệ phải có vốn và nhân lực. Tuy vậy, đây lại là hai yếu tố còn nhiều bất cập khiến cho việc khai thác cơ hội từ CPTPP gặp khó khăn.
Ngoài ra, trong quá trình khai thác thị trường các nước thành viên CPTPP hoạt động thông tin, quảng bà thương hiệu hàng hoá Việt Nam còn khiêm tốn, chưa có sự kết nối thị trường một cách chặt chẽ. Vì thế, cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, ngành hàng, thiết nghị Bộ Công Thương cần khuyến khích, đẩy mạnh tuyên truyền nhiều hơn về sản phẩm Việt Nam ra thị trường thế giới. Cùng với đó, môi trường kinh doanh, các thủ tục hành chính về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu phải được đẩy mạnh cải thiện, giảm các rào cản để tạo điều kiện thuận lợi, thông suốt cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường CPTPP.
Cùng với các Bộ ngành chung tay hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP, phía Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã và đang có những hoạt động trọng tâm nào, thưa ông?
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luôn luôn hỗ trợ mọi mặt cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Và dựa trên tình hình thực tế, chúng tôi triển khai các hoạt động làm sao cho phù hợp nhất. Ngay trong năm 2022-2023 chúng tôi xác định tập trung hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh hướng tới xuất khẩu, để khai thác các FTA, trong đó có CTPPP nhằm mở ra thị trường mới, cũng như phát huy tiềm năng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.
Riêng năm 2022, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về tiếp cận thị trường quốc tế, thông tin tuyên truyền về thực hiện các FTA cho hơn 4.000 doanh nghiệp. Đặc biệt, các chương trình đào tạo còn chú trọng cung cấp cho doanh nghiệp các định hướng kinh doanh bền vững, cũng như tổ chức các khoá đào tạo nghiệp vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận thị trường, chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Thông qua các chương trình hỗ trợ của Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có thêm động lực nắm bắt cơ hội để tiếp cận thị trường tiềm năng của CPTPP. Và ở chiều ngược lại, khi thành công trong tiếp cận thị trường, thì chính Hiệp định CPTPP lại tạo động động lực hơn cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị để tự tin, vững vàng trong sân chơi hội nhập.
Xin cảm ơn ông!