Hội nghị Chuyển đổi số Việt Nam 2022: Nâng cao nguồn nhân lực số EVNNPT: Chú trọng xây dựng nhân lực số để bắt kịp xu hướng mới Đâu là “chìa khóa” để chuyển đổi số thành công? |
Để hiểu rõ hơn về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu mới của chiến lược chuyển đổi số trong ngành Công Thương, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Quang Hồng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương. |
Ông đánh giá thế nào về khả năng đáp ứng chuyển đổi số của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Công Thương và cán bộ công chức cần bồi dưỡng kỹ năng gì để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay?
Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu của xã hội trong thời đại hiện nay, không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của các bộ, ngành, lĩnh vực mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Bộ Công Thương, với việc xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên của bộ, ngành Công Thương trong giai đoạn hiện nay, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy và lãnh đạo bộ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác này.
Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương, triển khai Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công Thương; thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương theo ba lĩnh vực ưu tiên là thương mại, công nghiệp - năng lượng và dịch vụ logistics.
Thời gian qua, Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số và an toàn an ninh mạng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, thực hiện nhiệm vụ, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ.
Lãnh đạo Bộ Công Thương xác định, đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong việc xây dựng lực lượng nòng cốt, hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số của bộ để dẫn dắt, tổ chức, lan tỏa tiến trình chuyển đổi số, góp phần đảm bảo công cuộc chuyển đổi số của Bộ Công Thương.
Việc triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số thời gian qua đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, xây dựng và nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ công chức, viên chức tham gia vào quá trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Qua theo dõi, tổng hợp các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Công Thương, ông thấy còn những khó khăn gì cần khắc phục?
Hiện nay, Bộ Công Thương là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác chuyển đổi số. Đặc biệt, bộ đã triển khai quyết liệt các văn bản quan trọng như Quyết định số 1753/QĐ-BCT 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về đề án phát triển kinh tế số ngành Công Thương đến năm 2030, cùng với Quyết định số 1080/QĐ-BCT về kế hoạch chuyển đổi số của ngành Công Thương.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các đề án đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, tôi nhận thấy vẫn còn một số khó khăn.
Thứ nhất, về đội ngũ chuyên gia, việc giảng dạy và truyền đạt kiến thức chuyển đổi số cần có các nghiên cứu kỹ lưỡng, xây dựng chương trình và tài liệu phù hợp để phục vụ cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, người học cũng cần có sự chủ động trong việc tìm hiểu và học hỏi, đồng thời cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên để việc chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, nhận thức và ý thức về chuyển đổi số của lãnh đạo, công chức, viên chức trong Bộ Công Thương và cộng đồng cũng là một yếu tố quan trọng. Cuối cùng, hạ tầng công nghệ thông tin là một yếu tố then chốt. Để chuyển đổi số thành công, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phải được ưu tiên hàng đầu.
Đồng thời, nguồn kinh phí để nâng cấp hệ thống này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp cũng như cán bộ, công chức tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương 2024 |
Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chiến lược chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu mới, thời gian sắp tới bộ sẽ triển khai các chương trình, kế hoạch như thế nào? Ông có khuyến nghị gì với các cơ sở đào tạo trực tiếp cũng như các đơn vị thụ hưởng?
Vụ Tổ chức Cán bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cùng với các bộ phận trong Bộ Công Thương để nắm bắt xu thế phát triển của chuyển đổi số. Các bên sẽ thường xuyên trao đổi và cập nhật thông tin, từ đó tham mưu cho lãnh đạo bộ về công tác chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay và đặc biệt trong thời gian tới.
Trước mắt, chúng tôi nhận thấy hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Công Thương cần nắm vững kiến thức cơ bản về chuyển đổi số.
Thứ hai, cần tích cực trang bị các kỹ năng về công nghệ số, bao gồm sử dụng phần mềm, kỹ năng phân tích dữ liệu và các công cụ hỗ trợ khác. Đặc biệt, việc quản trị số phải bắt nguồn từ nhận thức của người lãnh đạo và được triển khai đến từng công chức, viên chức trong bộ, với ý thức rõ ràng và cam kết cao trong việc thực hiện chuyển đổi số.
Xin cảm ơn ông!