Bộ Công Thương phát triển nhân lực số để chuyển đổi số hiệu quả Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt |
Chuyển đổi số đang được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương triển khai mạnh mẽ, tạo bước tiến rõ rệt trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, đồng thời thay đổi nhận thức của người dân về công nghệ.
Tại Bộ Công Thương, chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy và lãnh đạo Bộ luôn chỉ đạo sát sao công tác này.
Để chuyển đổi số hiệu quả, việc nâng cao nhận thức và năng lực số của cán bộ, công chức, viên chức rất quan trọng. Việc sử dụng thành thạo công cụ số không chỉ tối ưu công việc nội bộ mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Dương - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ông Nguyễn Thành Dương - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương |
Ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại không còn là lựa chọn, mà trở thành hướng đi bắt buộc. Với Cục Xúc tiến thương mại, ông có thể cho biết, việc lựa chọn (tiêu chí) người đi đào tạo, bồi dưỡng sẽ thực hiện như thế nào?
Trong những năm gần đây, Cục Xúc tiến thương mại đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đặc biệt trong xúc tiến thương mại. Sau dịch Covid-19, Quyết định số 1968/QĐ-TTg của Thủ tướng về Đề án đẩy mạnh chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2030 đã được ban hành, tập trung xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Đề án hỗ trợ 3 nhóm chính: Cơ quan quản lý xúc tiến thương mại, tổ chức xúc tiến thương mại như hiệp hội và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Với cơ quan quản lý, Cục tổ chức đào tạo sử dụng các nền tảng như hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu, truy xuất nguồn gốc bằng blockchain và bản đồ xúc tiến thương mại nông sản. Các tổ chức xúc tiến và Sở Công Thương địa phương cũng được đào tạo chuyên sâu.
Đối với doanh nghiệp, Cục hợp tác với các nền tảng như Alibaba, Tiktok để tổ chức các khóa đào tạo thực tế, bao gồm kỹ năng tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và livestream bán hàng. Các khóa học thu hút đông đảo học viên nhờ nội dung thực tiễn và sự tham gia của giảng viên giàu kinh nghiệm từ các nền tảng thương mại điện tử.
Công chức, viên chức của Cục cũng được đào tạo nội bộ thường xuyên, sử dụng nền tảng quản trị cơ sở dữ liệu xúc tiến thương mại để quản lý công việc hiệu quả. Hàng năm, Cục tổ chức 20-30 khóa tập huấn với sự đổi mới về nội dung và phương pháp, giúp nâng cao năng lực chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số.
Cục Xúc tiến thương mại là đơn vị thụ hưởng trong các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, ông có thể so sánh chất lượng nguồn nhân lực trước và sau đào tạo, bồi dưỡng như thế nào?
Các chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số do Bộ Công Thương triển khai đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại Cục Xúc tiến thương mại. Khi tham gia vào các khóa tập huấn do Bộ tổ chức, phối hợp cùng Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ Công Thương hoặc Vụ Tổ chức cán bộ. Đội ngũ này đã có những chuyển biến đáng kể cả về chuyên môn lẫn tư duy làm việc.
Mặc dù chuyển đổi số là một hành trình dài, đòi hỏi thời gian và sự kiên trì, nhưng tôi nhận thấy rằng, những thay đổi bước đầu đã cho thấy tín hiệu khả quan. Sau khi tham gia các khóa học, cán bộ, công chức không chỉ nâng cao được sự chuyên nghiệp mà còn trở nên năng động hơn trong công việc. Đặc biệt, nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin đã cải thiện rõ rệt, từ việc hiểu được tầm quan trọng đến việc bắt tay vào thực hiện những đổi mới trong công việc hằng ngày.
Tôi không kỳ vọng rằng chỉ sau một vài khóa tập huấn, chuyển đổi số sẽ được hoàn thành ngay lập tức. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là đội ngũ nhân lực đã thể hiện sự thay đổi về thái độ, sẵn sàng thích nghi và học hỏi những công cụ, giải pháp mới. Những nền tảng này sẽ giúp Bộ Công Thương cũng như Cục Xúc tiến thương mại tiến xa hơn trên con đường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn, góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn mới.
Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương 2024 |
Là đối tượng thụ hưởng, ông thấy có những khó khăn nào phát sinh thực tế từ công tác đào tạo theo các chương trình của Bộ?
Trước hết, ý thức và sự thích ứng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vẫn còn là thách thức lớn. Như tôi đã chia sẻ, chuyển đổi số không phải là một quá trình có thể hoàn thành trong thời gian ngắn. Điều này đòi hỏi thời gian để thay đổi nhận thức và hình thành thói quen, đặc biệt trong việc tham gia các chương trình tập huấn do Bộ hoặc Cục Xúc tiến thương mại tổ chức.
Thứ hai, đội ngũ giảng viên cũng là một yếu tố quan trọng. Chuyển đổi số là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi giảng viên phải không chỉ có chuyên môn sâu mà còn cần kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng truyền đạt tốt. Tuy nhiên, việc tìm kiếm giảng viên uy tín, chất lượng cao thường đòi hỏi chi phí lớn, điều này đặt ra không ít thách thức trong việc tổ chức các khóa đào tạo hiệu quả.
Ngoài ra, một khó khăn khác là định hướng và hình thức tổ chức các chương trình đào tạo. Khi đã ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, chúng ta cần chuyển đổi dần từ các lớp học trực tiếp sang các hình thức học trực tuyến. Điều này sẽ giúp cán bộ, công chức và người lao động tham gia dễ dàng hơn, vượt qua các giới hạn về thời gian và không gian. Các nền tảng số, như Zoom hoặc những công cụ tương tự, sẽ hỗ trợ tốt cho việc tổ chức lớp học linh hoạt, đặc biệt là ngoài giờ hành chính.
Những thách thức này không chỉ là trở ngại, mà còn là động lực để chúng ta tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả và tính thực tiễn của các chương trình đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!