Doanh nghiệp dệt may chủ động đáp ứng kế hoạch kinh tế tuần hoàn Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn 'khát' vốn trong quá trình thực thi tận dụng FTA? |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương mới đây, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) - cho biết, một trong những tiêu chí doanh nghiệp cần lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia Liên minh châu Âu (EU), đó là đừng quên thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó, có thúc đẩy bình đẳng giới, công bằng giới.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI. Ảnh: NH |
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng thúc đẩy bình đẳng giới tại các doanh nghiệp Việt Nam thời gian gần đây?
Có thể nói, so với thời gian trước đây, công tác bình đẳng giới và công bằng giới ở các doanh nghiệp tại Việt Nam đã thực hiện tốt hơn rất nhiều, chúng ta đã có nhiều khung chính sách thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và tại các doanh nghiệp nói riêng. VCCI thời gian qua cũng đã triển khai các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới tại doanh nghiệp trên cơ sở hợp tác với các doanh nghiệp và hợp tác với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), cũng như các bộ, ngành. Qua đó, hoạt động bình đẳng giới tại các doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên một bậc.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn công tác bình đẳng giới tại doanh nghiệp, Việt Nam vẫn cần có những kế hoạch, chương trình cụ thể hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung triển khai tốt hơn kế hoạch này trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội nếu muốn xuất hàng đi châu Âu. Ảnh: ST |
Theo ông, tiêu chí thực hiện trách nhiệm xã hội, bình đẳng giới hiện nay quan trọng như thế nào đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
Thực hiện trách nhiệm xã hội, bình đẳng giới, công bằng giới là một trong những tiêu chí rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là một trong những tiêu chí mà nếu làm tốt, tuân thủ và thực hành tốt, sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp trong bối cảnh rất nhiều thách thức hiện nay.
Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng doanh nghiệp cần phải thực hiện nếu muốn xuất khẩu hàng vào Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác. Bởi vì, EU có tiêu chí về trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững (CSRD) và có những tiêu chí chuyên sâu về bình đẳng giới, nên muốn xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu, doanh nghiệp cần tuân thủ những tiêu chí này.
Ví dụ, EU có những yêu cầu khi nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài thì những hàng hóa đó phải được sản xuất ra trong một doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và triển khai những thông lệ tốt về bình đẳng giới, về công bằng giới. Theo đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU mà không đáp ứng được các tiêu chí đó thì đôi khi sẽ gặp khó khăn. Đặc biệt, không chỉ EU mà thị trường Hoa Kỳ hay những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc hiện cũng đang đưa ra những tiêu chí về trách nhiệm xã hội, trong đó có tiêu chí bình đẳng giới tại doanh nghiệp.
Theo đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam triển khai tốt trách nhiệm xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới, công bằng giới hiệu quả thì cũng là nguồn động lực để doanh nghiệp tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Rõ ràng, thực hiện trách nhiệm xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới sẽ mang lại những cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực thi các tiêu chí này tại các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn hạn chế. Theo ông, đâu là những “rào cản” với doanh nghiệp?
Theo tôi, những chính sách của cơ quan nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội và bình đẳng giới hiện nay đã khá tốt, tuy nhiên, để thực hiện được các tiêu chí này, doanh nghiệp vẫn đối mặt với 2 rào cản chính.
Thứ nhất, doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò quan trọng của trách nhiệm xã hội và thúc đẩy hoạt động bình đẳng giới. Đây là vấn đề quan trọng, tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, nên đôi khi chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của việc thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như bình đẳng giới, thực hành công tác bình đẳng giới, nên đó cũng là rào cản đối với doanh nghiệp hiện nay.
Thứ hai, bên cạnh khó khăn về nhận thức, doanh nghiệp Việt Nam với đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn đối mặt với nguồn lực tài chính, con người… nên gặp khó khăn trong thực hiện trách nhiệm xã hội và hành thúc đẩy bình đẳng giới. Để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, VCCI cũng đã có những chương trình, kế hoạch cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua được những rào cản này.
Trong thời gian tới, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (đơn vị trực thuộc VCCI) và VCCI, cũng như các đối tác của VCCI đã có kế hoạch tiếp tục triển khai các hoạt động, kế hoạch như truyền thông, đào tạo, tập huấn, thậm chí trao giải cho các doanh nghiệp do nữ làm chủ có thực hành tốt thúc đẩy bình đẳng giới. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng năng suất và thực hiện công tác phát triển bền vững tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!