Cuộc cách mạng số đang diễn ra mạnh mẽ, tạo ra những thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Bộ Công Thương đã không ngừng nỗ lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.
Với tầm nhìn chiến lược, Bộ đã đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo và nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thời đại. Qua đó, Bộ Công Thương đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng một môi trường kinh doanh số minh bạch, hiệu quả, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có nền kinh tế số phát triển.
Báo Công Thương đã có buổi trao đổi với bà Lê Hải An - Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương để hiểu rõ hơn về vấn đề đào tạo nhân lực ngành Công Thương để đáp ứng yêu cầu mới của chiến lược chuyển đổi số.
Bà Lê Hải An - Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương, Bộ Công Thương |
Với vai trò cơ sở giáo dục đào tạo chính của Bộ Công Thương, thời gian qua, Trường đã triển khai các kế hoạch đào tạo bồi dưỡng chuyển đổi số cho Bộ/ngành như thế nào?
Trong thời gian vừa qua, trước nhu cầu thực tế về ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông và chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ, Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương - một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương, với chức năng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và cán bộ quản lý lao động doanh nghiệp của Bộ đã chủ động, linh hoạt điều chỉnh, cập nhật và bổ sung các nội dung chuyên đề về công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Những nội dung này được tích hợp vào các chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức đa dạng, với hầu hết các lớp học của nhà trường đều có ít nhất một phần hoặc một chuyên đề liên quan.
Trong năm 2023, nhà trường đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Công Thương tổ chức chương trình khảo sát thực tế dành cho 2.987 công chức ngành Công Thương. Kết quả thu thập thông qua cả phương pháp truyền thống trực tiếp và ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể là phần mềm Google Form, cho thấy hơn 50% trong số 2.432 công chức tham gia khảo sát nhận thấy rõ sự cần thiết của việc đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Trong đó, 69,3% đánh giá nội dung này là rất quan trọng, còn 96% công chức khẳng định vai trò thiết yếu của công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với chuyên môn, nghiệp vụ mà họ đang thực hiện tại cơ quan, đơn vị.
Dựa trên kết quả khảo sát, nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên biệt về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chuyên môn, nghiệp vụ dành cho công chức, viên chức và cán bộ ngành Công Thương. Hiện tại, chương trình này đang chờ Bộ Công Thương phê duyệt.
Việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo bồi dưỡng cho những người làm việc đã được trường đổi mới như thế nào để đạt được hiệu quả đề ra (bao gồm cả quy trình quản lý, chất lượng người giảng dạy, ứng dụng tiến bộ mới…)?
Việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo và bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức hiện đang được thực hiện theo đúng các quy định của Chính phủ, bao gồm Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101, cùng các thông tư hướng dẫn liên quan.
Về phía nhà trường, chúng tôi không chỉ tuân thủ đầy đủ các quy định trong việc xây dựng chương trình, giáo trình và tài liệu bồi dưỡng, mà còn chủ động áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo. Những cải tiến này bao gồm chuyển đổi các hoạt động từ khảo sát, tổ chức thi, hướng dẫn học viên đăng nhập, đăng ký thi, trao quyền thi, đến việc tổ chức thi và chấm điểm hoàn toàn bằng phương tiện điện tử. Quá trình này giúp đảm bảo kết quả chính xác, tiết kiệm thời gian, đồng thời đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa trong công tác tổ chức đào tạo.
Từ thực tiễn áp dụng, chúng tôi đã tổng kết và nghiên cứu để xây dựng các quy trình và quy chế riêng nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ và bắt kịp xu thế chuyển đổi số.
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Ảnh minh hoạ: Bnews |
Từ kinh nghiệm thực tế, về phía trường có những khó khăn gì trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chuyển đổi số, thưa bà?
Trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Trước hết, đây là một nội dung đào tạo mang tính đặc thù cao, đòi hỏi các chuyên gia không chỉ am hiểu về kỹ năng và phương pháp sư phạm mà còn cần có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chuyên sâu. Do đó, đội ngũ giảng viên của nhà trường chủ yếu là giảng viên thỉnh giảng. Việc lựa chọn, bố trí và sắp xếp giảng viên tham gia đầy đủ các chương trình đào tạo không phải là điều đơn giản. Đồng thời, chính sách đãi ngộ dành cho giảng viên thỉnh giảng cũng gặp không ít khó khăn, bởi thực tế yêu cầu sự linh hoạt, trong khi các quy định tài chính hiện hành của Nhà nước vẫn còn cứng nhắc, chưa kịp thời điều chỉnh theo tình hình thực tế của công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Khó khăn thứ hai nằm ở khâu tuyển sinh. Chúng tôi nhận thấy một số đơn vị chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, hoặc chưa bố trí, cử đủ số học viên cần thiết tham gia các lớp học về công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Điều này dẫn đến tình trạng một số lớp học không đạt đủ số lượng học viên như mục tiêu ban đầu. Dù trước đó, qua khảo sát và tham vấn, các đơn vị thường đăng ký và thể hiện sự quan tâm, nhưng khi triển khai thực tế lại phát sinh những vướng mắc, khiến việc tổ chức lớp học không như kỳ vọng.
Xin cảm ơn bà!