Di sản văn hoá: Định hình bản sắc, thúc đẩy phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa |
Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Chương trình có quy mô rất lớn, được cho là sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn về nguồn lực để phát triển văn hóa trong giai đoạn tới. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội - chia sẻ về ý nghĩa của chương trình với Báo Công Thương.
Văn hoá là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN |
Thưa ông, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 đã được Quốc hội thông qua, với tỷ lệ tán thành rất cao, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn về văn hoá. Đồng thời, như đưa lĩnh vực văn hoá của dân tộc bước vào giai đoạn phát triển mới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu Ban Chấp hành khóa XIII đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia trong giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn xa hơn đến năm 2050. Trong đó, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 đã được coi là một giải pháp cấp bách và quan trọng, góp phần thực hiện thành công các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dài hạn của đất nước.
Đặc biệt, vào ngày 10/11/2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, giao Chính phủ nhiệm vụ nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa và nhanh chóng triển khai Chương trình quốc gia phát triển văn hóa. Chính những bước đi mạnh mẽ này đã khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đặt văn hóa vào vị trí trung tâm của phát triển đất nước, một lần nữa tiếp thêm hy vọng và động lực cho mọi tầng lớp nhân dân hướng đến một nền văn hóa Việt Nam hùng cường và giàu bản sắc.
Theo tôi, việc Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây sẽ là nhịp cầu nối, công cụ để hiện thực hóa những hoài bão về việc nuôi dưỡng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, đảm bảo sự nhất quán, tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ giữa các chương trình và dự án văn hóa trên khắp mọi miền.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội. |
Từ ý nghĩa trên, trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế đất nước, văn hoá tiếp tục giữ vai trò quan trọng như thế nào, thưa ông?
Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã dành một sự quan tâm sâu sắc và kiên định cho sự nghiệp phát triển văn hóa, coi đó là nền tảng cốt lõi, là trái tim của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Với một tầm nhìn chiến lược và quyết tâm mạnh mẽ, Đảng đã đưa văn hóa lên vị trí xứng đáng trong mọi giai đoạn phát triển đất nước, từ những năm tháng kháng chiến gian khổ đến thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Văn hóa Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của những tư tưởng đúng đắn ấy, đã vươn lên mạnh mẽ, ghi dấu qua bao thành tựu lớn lao, là sức mạnh tinh thần bất khuất giúp chúng ta vượt qua mọi gian nan, khắc phục mọi khó khăn, và chiến thắng mọi thế lực thù địch. Chính văn hóa, với sức mạnh vô hình nhưng mãnh liệt của mình, đã trở thành nguồn nội lực vô giá, nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, hun đúc ý chí kiên cường, và tạo nên bản lĩnh của một dân tộc không khuất phục.
Ngày nay, nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta càng nhận thấy rõ giá trị của những hành động đầy trí tuệ và quyết liệt ấy. Văn hóa không chỉ là ký ức, truyền thống, mà còn là niềm kiêu hãnh, căn cốt đã hun đúc nên sức mạnh Việt Nam, tạo thành nền tảng vững chắc để đất nước bước tiếp, phát triển và hội nhập trong một thế giới đầy biến động. Chính sức mạnh nội sinh từ văn hóa - một sức mạnh trường tồn, bất diệt - sẽ mãi là động lực để Việt Nam vượt qua mọi thử thách, tiếp tục tiến bước trên con đường vinh quang phía trước.
Trong bối cảnh mới, những bài học sâu sắc từ lịch sử càng thôi thúc chúng ta nuôi dưỡng quyết tâm mạnh mẽ cho sự phát triển văn hóa. Văn hóa lúc này không chỉ là hình ảnh của truyền thống và bản sắc dân tộc, tạo nên sự tự tin và bản lĩnh để Việt Nam vững vàng bước vào hội nhập quốc tế, mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 không chỉ là một công cụ chiến lược mà còn là niềm hy vọng. Ông có thể nêu một số đề xuất để quá trình thực hiện chương trình đạt hiệu quả?
Trong kỷ nguyên mà dân tộc Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa không chỉ là một công cụ chiến lược mà còn là niềm hy vọng, nền tảng cho sự bền vững và phồn thịnh của văn hóa dân tộc. Đây không chỉ là sự đầu tư về nguồn lực mà còn là đầu tư vào tâm hồn, bản sắc, và cốt lõi tinh thần của cả một đất nước.
Khi chương trình được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ, từ những làng quê xa xôi đến những thành phố lớn, nó sẽ tạo ra sự gắn kết trong mỗi người dân, nuôi dưỡng tình yêu và lòng tự hào về văn hóa nước nhà. Bằng việc khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo, chúng ta không chỉ giữ vững di sản của cha ông mà còn lan tỏa tinh thần Việt đến mọi miền của thế giới.
Theo đó, không chỉ dừng lại ở việc bao quát, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa phải tạo nên những đột phá thực sự, bắt đầu từ chính việc bảo tồn và làm sống lại những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc. Mặt khác, để văn hóa không chỉ là những ký ức, chương trình cần nhấn mạnh vào công tác bảo tồn, tôn vinh và lan tỏa các di sản truyền thống, làm cho chúng sống mãi trong ký ức và ý thức của thế hệ trẻ. Để chúng ta không chỉ tự hào về lịch sử, mà còn thêm vững vàng, tự tin bước đi trên trường quốc tế, mang theo hành trang văn hóa quý giá mà không sợ bị hòa tan.
Ngoài công tác bảo tồn, chương trình cần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa, để văn hóa không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là nguồn lực kinh tế vô tận, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho quốc gia. Với những ngành như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, du lịch văn hóa, phần mềm và trò chơi điện tử… Việt Nam không chỉ thể hiện bản sắc mà còn tìm được sức mạnh mới cho nền kinh tế, lan tỏa văn hóa thông qua những sản phẩm giàu giá trị. Mỗi đầu tư vào văn hóa chính là một lần ta vun đắp cho sự phồn thịnh lâu bền của xã hội.
Bên cạnh đó, để văn hóa thực sự trở thành bệ phóng cho quốc gia, cần có những không gian sáng tạo - những “vườn ươm” cho ý tưởng, để người dân có thể bứt phá và phát triển tài năng. Đồng thời, chương trình cần hướng tới định vị văn hóa Việt Nam trên bản đồ quốc tế, xây dựng một hình ảnh Việt Nam đầy tự hào với bản sắc độc đáo, tăng cường sự tự tin và khẳng định chỗ đứng của văn hóa, con người Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.
Những bước đi này không chỉ là bước tiến của hiện tại, mà còn là lời hứa hẹn cho một tương lai, nơi văn hóa Việt Nam tỏa sáng rạng ngời giữa muôn màu sắc văn hóa thế giới.
Xin cảm ơn ông!