Thế giới sữa thêm sản phẩm có vấn đề về quảng cáo
Trước đó, Báo Công Thương từng phản ánh fanpage Thế giới sữa – Thegioisua.com đăng tải loạt nội dung quảng cáo sai lệch. Trong bài viết đăng ngày 08/05/2025 có tiêu đề “Lộn xộn quảng cáo thực phẩm trên Thế giới sữa – Thegioisua.com”, Báo Công Thương đã nêu rõ các dấu hiệu vi phạm: Sử dụng ngôn từ khẳng định công dụng như thuốc điều trị đối với thực phẩm bổ sung, như “tăng cân, tăng chiều cao sau 4 tuần”, nhưng không đính kèm bất kỳ tài liệu khoa học nào để chứng minh.
Fanpage này còn dẫn lại một nội dung có dòng mở đầu “VTV thông tin một số cách nhận biết sữa giả…”, rồi chuyển nhanh sang lời khuyên mua sữa tại Thegioisua.com. Cách dẫn dắt này khiến người tiêu dùng dễ hiểu nhầm rằng hệ thống này được VTV xác tín.
Trong phần giới thiệu fanpage, đơn vị này còn tự xưng là “hệ thống bán lẻ sữa nhập khẩu lớn nhất Việt Nam” mà không đưa ra bất kỳ số liệu hay chứng cứ xác thực từ cơ quan chức năng. Làm việc với Báo Công Thương, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Sữa (Thế giới sữa) là đơn vị sở hữu fanpage đã tiếp thu ý kiến, thừa nhận thiếu sót và cho biết đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, gỡ bỏ các nội dung không phù hợp.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau động thái khắc phục, Báo Công Thương tiếp tục nhận được phản ánh từ bạn đọc liên quan đến sản phẩm BioLG Enzyme JP – Men tiêu hóa, được đăng tải và quảng cáo công khai trên website thegioisua.com vốn cũng thuộc quyền vận hành của chính doanh nghiệp này.
Quảng cáo sản phẩm BioLG Enzyme JP – Men tiêu hóa trên thegioisua.com. (Ảnh chụp màn hình) |
Chỉ cần vài phút truy cập vào website thegioisua.com, kênh bán hàng được giới thiệu là thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Sữa, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp phần giới thiệu sản phẩm BioLG Enzyme JP với loạt công dụng đáng chú ý.
Dù được định vị là “thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, sản phẩm này lại được quảng bá bằng nhiều cụm từ dễ gây hiểu nhầm như: “Hỗ trợ giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa: đầy hơi, đau bụng do loạn khuẩn đường ruột”, “tiêu hóa tốt”, “hết biếng ăn”, “tăng cân hiệu quả”, “giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh”…
Những cụm từ như “hết biếng ăn”, “tăng cản hiệu quả”, “đề kháng tốt”... được trình bày theo hướng khẳng định kết quả, kiểu ngôn ngữ thường chỉ dành cho thuốc điều trị. Việc mô tả một sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo hướng điều trị rõ ràng là biểu hiện quảng cáo vượt ngưỡng, dễ đánh lừa người tiêu dùng.
Đáng lo hơn, sản phẩm này nhắm trực tiếp tới đối tượng trẻ em từ 1 tuổi, nhóm người dùng đặc biệt nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng nếu sử dụng sai mục đích.
Không minh bạch nguồn gốc, thông tin không rõ ràng
Ngoài việc quảng cáo sản phẩm có dấu hiệu thổi phồng công dụng, phần đầu trang vẫn giới thiệu đây là “thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, nhưng hoàn toàn không có dòng cảnh báo bắt buộc: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Việc thiếu dòng cảnh báo không chỉ vi phạm quy định trong quảng cáo thực phẩm chức năng mà còn khiến thông tin trở nên mập mờ, gia tăng nguy cơ hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi quảng cáo TPBVSK không ghi đúng hoặc không thể hiện cảnh báo nêu trên có thể bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Trường hợp do tổ chức vi phạm, mức phạt được nhân đôi. Đồng thời, doanh nghiệp có thể bị buộc cải chính thông tin, tháo dỡ quảng cáo và thu hồi các sản phẩm in ấn quảng bá vi phạm.
Đáng chú ý, trong phần nội dung giới thiệu sản phẩm BioLG Enzyme JP, không có bất kỳ thông tin nào về đơn vị sản xuất hay tổ chức chịu trách nhiệm công bố sản phẩm. Thay vào đó là một mô tả chung chung: “BioLG là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ chủ động từ men vi sinh & enzyme tiêu hoá. BioLG Enzyme JP với công thức độc đáo: Kết hợp giữa Enzyme Nhật Bản và 2 tỷ lợi khuẩn, mang lại hiệu quả toàn diện cho hệ tiêu hóa”.
Tuy nhiên, tương tự như một số quảng cáo trước đó, Công ty CP Đầu tư Thế giới Sữa không cung cấp bất kỳ tài liệu khoa học nào để chứng minh những khẳng định trên. Việc sử dụng ngôn ngữ “khoa học hóa” để tạo niềm tin nhưng không đi kèm dẫn chứng cụ thể là một hình thức gây hiểu nhầm nghiêm trọng.
Sau phản ánh đầu tiên, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Sữa từng thừa nhận một số thiếu sót và cam kết điều chỉnh. Tuy nhiên, sự việc liên quan đến BioLG Enzyme JP cho thấy nội dung quảng cáo khỗng rõ ràng vẫn tiếp tục tồn tại: Gán công dụng như thuốc, thiếu cảnh báo bắt buộc, không minh bạch thông tin đơn vị sản xuất .
Phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ với Công ty CP Đầu tư Thế giới Sữa để trao đổi về nội dung trên. Đại diện công ty cho biết: "Sản phẩm trên được sản xuất bởi Công ty Cổ phẩn BioLG, đơn vị phân phối là Công ty CP XNK Dược phẩm Tapmed. Chúng tôi ghi nhận những phản ánh của báo và sẽ báo lại với người phụ trách nhãn hàng về vấn đề này".
Tra cứu tên miền thegioisua.com trên hệ thống Trung tâm Internet Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, chủ thể đăng ký sử dụng tên miền là Công ty CP Đầu tư Thế giới Sữa, hiện còn hiệu lực đến năm 2027. Điều này đồng nghĩa, mọi nội dung quảng cáo đăng tải trên website là trách nhiệm trực tiếp của doanh nghiệp. |