Thông tin phản ánh: Ngày 21/3/2025, ông N.C.M làm việc qua điện thoại với một người tên Khánh Linh (sử dụng số điện thoại 0965700350, tên Zalo “Khánh Linh”). Người này giới thiệu đang cần ông cung cấp dịch vụ để trang trí sự kiện tại Trường ĐH Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội. Bà Linh tự giới thiệu là cán bộ của trường và đặt mua nhiều thiết bị như bàn ghế học sinh, máy tính, máy chiếu, giường tầng… với tổng trị giá 530 triệu đồng.
Bà Linh đề nghị ông Mạnh đặt hàng từ Công ty TNHH dịch vụ đầu tư Nam Đại Phát, công ty mà bà từng hợp tác trước đó. Ngày 22/3/2025, bà Linh giả mạo giao dịch chuyển khoản từ tài khoản Agribank sang tài khoản MB Bank của ông M với số tiền 1,48 tỷ đồng. Sau đó bà Linh gửi ảnh chụp màn hình giao dịch qua Zalo và đề nghị ông M liên lạc với nick zalo Nội thất Nam Đại Phát để chuyển tiền nhập hàng.
Tin tưởng bà Linh, ông M không kiểm tra tài khoản mà nhanh chóng chuyển 530 triệu đồng đến một tài khoản ngân hàng BIDV do nick Zalo “Nội thất Nam Đại Phát” cung cấp. Thông tin chủ tài khoản mà ông M chuyển tiền là Công ty TNHH FAMU CONTR. Sau khi nhận tiền, các đối tượng không giao hàng và cũng cắt đứt liên lạc.
Qua tìm hiểu, ông M phát hiện công ty nhận tiền là Công ty TNHH FAMU CONTR (mã số thuế 0318844414, địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh). Ông M đề nghị cơ quan chức năng xác minh, làm rõ xử lý theo pháp luật.
Thông tin phản ánh: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Nhật Phát (gọi tắt là Công ty Tân Nhật Phát) có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 19 tỷ đồng từ những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội.
Theo phản ánh, Công ty Tân Nhật Phát đã đưa ra thông tin rằng họ có khả năng giúp khách hàng đăng ký mua nhà ở xã hội tại Hà Nội. Tin tưởng vào các lời giới thiệu từ người quen và môi giới, nhiều người đã ký hợp đồng, đặt cọc tiền với hy vọng sở hữu căn hộ. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, công ty không thực hiện cam kết, né tránh trách nhiệm và không hoàn trả số tiền đã nhận.
Các nạn nhân đã nhiều lần liên hệ với công ty nhưng không nhận được phản hồi thỏa đáng. Sự việc kéo dài nhiều tháng khiến họ rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính và tinh thần. Các nạn nhân mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.
Thông tin phản ánh: Thời gian qua trên website dalahouse.com quảng cáo và rao bán hàng chục sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Tuy nhiên trên bao bì của các sản phẩm này không hề thể hiện là thực phẩm thường hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Các quảng cáo sử dụng nhiều từ ngữ khiến cho người tiêu dùng lầm tưởng sản phẩm như thuốc trị bệnh. Ví dụ như sản phẩm có tên gọi “bột tía tô”, trên bao bì của sản phẩm ghi công dụng hỗ trợ chữa bệnh gút, trị cảm cúm, chống lại dị ứng và viêm nhiễm…
![]() |
Sản phẩm bột tía tô được quảng cáo và rao bán trên website dalahouse.com. (Ảnh: Bạn đọc cung cấp) |
Theo như quảng cáo thì các sản phẩm đều được Công ty TNHH Dala Group, địa chỉ: Tổ 2, thôn Yên Khê Hạ, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng sản xuất.
Bạn đọc mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ về hoạt động sản xuất, việc ghi nhãn và quảng cáo sản phẩm thực phẩm như thuốc chữa bệnh tại Công ty TNHH Dala Group.
Báo Công Thương sẽ tìm hiểu, làm rõ phản ánh của bạn đọc về các vụ việc nêu trên để thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân nếu như phản ánh thông tin chưa chính xác.
Mọi thông tin phản ánh xin gửi về Ban Bạn đọc – Báo Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội; đường dây nóng: 0866.59.4498; email: [email protected]. |