Yên Bái: Tạm dừng các hoạt động văn hóa để khắc phục hậu quả bão số 3 Lào Cai: Nâng cao năng lực thông tin về ứng phó sự cố, thiên tai |
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn 'Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai' do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái cùng các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 23/12, tại Yên Bái.
Các công trình đảm bảo sản xuất tại Yên Bái sẽ được phục hồi trước 31/12
Là một trong 4 tỉnh chịu nặng nề nhất từ siêu bão Yagi, công tác khắc phục hậu quả được coi tỉnh Yên Bái là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, việc khôi phục sản xuất nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu. Ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái - cho biết, chủ động ứng phó với mưa bão, tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để hỗ trợ thiệt hại cho người dân, mức hỗ trợ cao hơn so với Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Toàn cảnh Diễn đàn 'Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai' |
“Trong các đợt thiên tai, dù có sự chuẩn bị từ trước, nhưng khi bão lớn xảy ra, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn phải huy động rất nhiều nguồn lực. Do đó, việc chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng cứu hộ, phương tiện, vật tư và kinh phí sẽ giúp tỉnh nhanh chóng ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai”, ông Nguyễn Thế Phước chia sẻ và đề nghị nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cùng các đơn vị của chính quyền tỉnh cùng chung sức tiếp tục khôi phục sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Sang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái - thông tin, đến nay, những kết quả khắc phục, tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp sau bão số 3 là rất khả quan trên toàn lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, đê kè, công trình nước sạch nông thôn tập trung (27/30 công trình),... Dự kiến đến hết 31/12, toàn bộ các công trình còn lại để đảm bảo sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho dân sinh sẽ hoàn thành.
Từ thực tế ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh Yên Bái đã rút ra được một số bài học, kinh nghiệm quý báu. Ông Nguyễn Xuân Sang thông tin, công tác dự báo chính xác về diễn biến các cơn bão trong mùa mưa, lũ, tăng cường thông tin tới các khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nơi nguy cơ thiên tai cao, là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của thiên tai và chủ động phòng tránh. Duy trì sự phối hợp liên ngành đảm bảo tính kịp thời, vừa nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai trong tương lai.
Đồng thời, công tác di dời và tái định cư cần được chuẩn bị trước; công tác khôi phục hạ tầng thiết yếu sau thiên tai, đặc biệt là các công trình thủy lợi, đường giao thông và nhà ở, phải được triển khai ngay khi tình hình ổn định, hỗ trợ nông dân bằng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp kịp thời, tạo điều kiện để họ nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống thiên tai
Tại diễn đàn, các cơ quan quản lý chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai cùng nhìn nhận, rút ra bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống thiên tai. Từ đó đề xuất các phương án, giải pháp, quan điểm tiến tới xây dựng các cộng đồng xã hội an toàn hơn trước thiên tai.
Trồng trọt là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên nếu bão xảy ra nhưng cũng là đối tượng khôi phục sản xuất sớm nhất. Ông Nguyễn Văn Vương - Trưởng phòng Cây lương thực, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, năm 2025 tiếp tục được dự báo là có những biến động thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt. Thêm vào đó, các thị trường nhập khẩu vẫn đang tăng cường các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu.
“Vì vậy, trong năm 2025, các địa phương cần khẩn trương xây dựng sớm kế hoạch sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình thời tiết khí hậu, cơ cấu mùa vụ, vật tư nông nghiệp và nguồn nước”, ông Nguyễn Văn Vương nói thêm.
Thủy sản là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất từ cơn bão số 3, ông Lê Quang Hưng - chuyên viên Phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhấn mạnh, để ngành thủy sản phục hồi bền vững sau bão số 3 và đảm bảo khả năng chống chịu trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Rà soát vùng nuôi trồng thủy sản, đầu tư hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cực đoan.
Xây dựng và cập nhật hệ thống cảnh báo sớm, thông tin kịp thời tới người dân. Xây dựng và ban hành hướng dẫn công tác phòng chống thiên tai; ban hành TCVN/QCVN, định mức kinh tế kỹ thuật các đối tượng nuôi để làm cơ sở xác định hỗ trợ thiệt hại. Tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản theo hướng liên kết, tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi.
Kiên quyết di dời các cơ sở nuôi trồng thủy sản ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường. Tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân trong việc ứng phó và thích nghi với các tình huống thiên tai…
Chia sẻ về bài học sau bão số 3, ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng, khi có thông tin về dự báo bão mạnh, cần có sự rà soát đối với các tỉnh, trong đó có các tỉnh miền núi, biên giới, nơi có tình huống về chia cắt giao thông, gây khó khăn cho liên lạc, khắc phục hậu quả thiên tai.
Không những vậy, cần huy động nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng trong và ngoài nước vào cuộc, trong đó có phục hồi về nông nghiệp. Phục hồi sản xuất cần gắn với sinh kế và phát triển cộng đồng. Ngoài ra, khối lượng thiệt hại về nông nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm giá trị lớn nên cần có giải pháp đảm bảo an toàn trước thiên tai trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Hải cũng kiến nghị, trong thời gian tới, cần kiện toàn bộ máy nhằm bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời hơn và kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành.
Thêm vào đó, cần rà soát, tổng hợp các dự án bố trí ổn định dân cư cấp bách do các địa phương đề xuất, rà soát, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi ở các vùng, các địa phương theo hướng thuận thiên, hiệu quả, bền vững hơn, an toàn trước thiên tai, nhất là với nông nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm có giá trị lớn, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ…