Đòn bẩy giúp vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững Tu Mơ Rông chú trọng đầu tư phát triển dược liệu và sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh |
Hỗ trợ phát triển dược liệu quý
Nhằm góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu: Giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện của 21 tỉnh, với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.
Mục tiêu của chương trình là bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gien dược liệu đảm bảo các quy trình, tiêu chuẩn quản lý chất lượng; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi tạo sinh kế bền vững cho người dân. Ảnh minh họa |
Đối tượng của chương trình là các dự án phát triển sâm và dược liệu quý có hoạt động ở địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số (ưu tiên dự án sử dụng trên 50% lao động là nữ), do các tổ chức kinh tế và cá nhân, hộ gia đình người dân tộc thiểu số, hộ nghèo sinh sống trong vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp cùng tham gia thực hiện và cam kết hỗ trợ thu mua, sản xuất, tiêu thụ dược liệu trong vùng…
Để thực hiện hiệu quả chương trình này, Đảng và Nhà nước đã có chương trình hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị dược liệu. Lần đầu tiên sâm và dược liệu quý nhận được sự quan tâm đầu tư từ ngân sách nhà nước với mức hỗ trợ, đầu tư lớn nhất từ trước đến nay.
Tổng mức đầu tư hỗ trợ có thể lên tới 65 tỷ cho một vùng dự án. Với các nội dung như: Hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp đào tạo nghề cho lao động tại chỗ; hỗ trợ chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm....
Đánh giá của Cục quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế): Đây là một quyết sách mang tính chiến lược trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn phát triển dược liệu với sinh kế của người dân.
Giá trị kinh tế lớn
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền và thuốc từ thảo dược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu. Doanh thu hàng năm của thuốc từ dược liệu trên toàn thế giới đạt trên 100 tỷ USD và nhu cầu về dược liệu, thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng.
Dự báo của Fortune Business Insights, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.
Nhiều loài cây thuốc có nguy cơ tuyệt chủng nên việc hỗ trợ phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa quan trọng |
Tại Việt Nam, tổng số loài cây thuốc có nhu cầu sử dụng trong y học cổ truyền khoảng 800 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30,000 tấn/năm. Tổng số loài thảo dược có nhu cầu sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghiệp thực phẩm, đồ uống khoảng 300 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30.000 tấn/năm. Tổng giá trị xuất khẩu thảo dược Việt Nam ước khoảng 400 triệu USD/năm, trong đó đóng góp chính là quế, hồi và thảo quả.
Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: Quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng theo các chuyên gia, con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.
Nhằm chủ động tham gia vào sân chơi toàn cầu, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như: Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
TS. Nguyễn Minh Khởi - Viện Dược liệu - cho biết: Từ năm 2011 đến nay, thông qua Chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen cấp Quốc gia, Viện Dược liệu đã chủ trì và phối hợp nghiên cứu trên một số đối tượng: Đảng sâm Việt Nam, hà thủ ô đỏ, ngũ vị tử, sâm Ngọc Linh, bạch truật, sâm bố chính, cát cánh, độc hoạt, kim ngân, huyền sâm. Sản phẩm đạt được từ các nhiệm vụ này là cơ sở dữ liệu về phân bố và đa dạng nguồn gen cây thuốc, vườn giống gốc, tiêu chuẩn giống, mô hình nhân giống, mô hình trồng và sơ chế dược liệu. Kết quả đạt được từ các nhiệm vụ này là tiền đề cho việc nhân rộng mô hình trồng ở quy mô lớn hơn nhằm phát triển vùng nguyên liệu làm thuốc cho địa phương.
Trong bài tham luận của mình về chính sách phát triển dược liệu Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế dược liệu Việt Nam vừa được tổ chức, tiến sĩ Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền - nhấn mạnh: Việt Nam đã bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án gấp hai lần so với thời điểm trước khi triển khai dự án. Hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, ý thức bảo tồn nguồn gien dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững.
Dược liệu Việt Nam là tài nguyên quý giá của đất nước, là thế mạnh của kinh tế tập thể hợp tác xã, song để các sản phẩm dược liệu mang thương hiệu Việt từng bước khẳng định ra thế giới, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - cho rằng: Rất cần sự liên kết của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, doanh nhân. |