Làm việc xuyên lễ để chuẩn bị cho ngày ra mắt
Ngày 9/5 tới đây, UBND TP. Hà Nội dự kiến khai trương Trung tâm Báo chí Thủ đô, là cơ sở 2 của Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Công nghệ số, thuộc Văn phòng UBND thành phố. Trung tâm có trụ sở đặt tại số 17 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Ít ngày trước, đúng kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội mưa nhẹ. Phố xá chùng xuống theo nhịp nghỉ, nhưng căn biệt thự số 17 Điện Biên Phủ vẫn lặng lẽ lên đèn. Bên trong, các cán bộ Trung tâm âm thầm hoàn thiện từng chi tiết cuối cùng, chuẩn bị cho ngày ra mắt sắp tới.
![]() |
Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội tại số 17 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đây là cơ sở 2 của Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Công nghệ số, thuộc Văn phòng UBND TP. Hà Nội. |
Dẫn chúng tôi đi tham quan tòa nhà, chị Nguyễn Thị Minh Thu, cán bộ Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Công nghệ số thuộc Văn phòng UBND TP Hà Nội hôm ấy cho biết, các hạng mục mới hoàn thiện được khoảng 90%, nhưng nhịp vận hành đã định hình.
“Tầng một Trung tâm là không gian mở, gồm bài dài, ghế sofa, tủ sách, cà phê. Tầng hai là không gian ghi hình, phòng họp báo nhỏ. Tầng ba là nơi tổ chức họp báo lớn. Mỗi tầng một chức năng, mỗi không gian một nhịp riêng. Từ tác nghiệp đến phối hợp thông tin, từ phản ánh đến phản hồi, mọi thứ đang dần định hình cho một cách làm mới”, cán bộ Trung tâm hào hứng giới thiệu.
Kết nối sâu giữa báo chí, chính quyền và dư luận
Trung tâm báo chí không còn là khái niệm mới ở Việt Nam. Từ năm 2019, TP. Hồ Chí Minh đã thành lập trung tâm đầu tiên, trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông (nay là Sở Văn hóa và Thể thao). Không gian hiện đại, chức năng rõ ràng, phục vụ trực tiếp cho hoạt động họp báo, phát ngôn và hỗ trợ phóng viên tác nghiệp. Đây là mô hình gọn, tiện dụng, nhấn mạnh vào kết nối nhanh giữa chính quyền và báo chí.
“Hà Nội cũng đi theo hướng đó, nhưng tổ chức theo một cách riêng. Trung tâm Báo chí Thủ đô là cơ sở 2 của Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Công nghệ số thuộc Văn phòng UBND TP Hà Nội, một vị trí gần hơn với guồng điều hành. Cách tổ chức này mở ra khả năng kết nối sâu hơn giữa báo chí, chính quyền và các luồng dư luận trong xã hội”, bà Nguyễn Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Minh Nguyệt, tại đây, báo chí không chỉ đến để nghe phát ngôn, mà còn có không gian để phản hồi, truy xuất dữ liệu, ghi hình và quan sát thông tin được tổ chức như một dòng vận hành.
![]() |
Tầng 1 Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội được thiết kế như một newsroom mở, với bàn dài để trao đổi, ghế gọn linh hoạt, ổ cắm âm sàn cho máy tính... |
Đặc biệt, Trung tâm cũng là đầu mối phối hợp xử lý các tình huống thông tin có sức ảnh hưởng cao, tham mưu, giúp Thành phố phản ứng nhanh trong những thời điểm cần tiếng nói chính thống, thống nhất và minh bạch.
Bà Nguyễn Minh Nguyệt cho biết, Trung tâm Báo chí cũng là một phần trong tổng thể cải cách hành chính và chiến lược chuyển đổi số của Hà Nội, nơi dòng thông tin, dữ liệu, dư luận và phản hồi được kết nối với tiến trình điều hành chính sách số, kịp thời và bài bản.
Không mô hình nào giống mô hình nào. TP. Hồ Chí Minh xây dựng một trung tâm báo chí theo hướng chuyên biệt, tập trung vào tổ chức thông tin chính thống. Hà Nội triển khai một mô hình mở, tích hợp nhiều chức năng và vai trò hơn cho báo chí trong bức tranh điều hành. Mỗi cách làm đều có ưu điểm, đều phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đô thị.
Điều đáng nói là, dù lựa chọn cách tiếp cận nào, cả hai thành phố đều cho thấy sự chuyển động tích cực trong việc chuyên nghiệp hóa công tác báo chí, hướng tới một nền hành chính minh bạch hơn, biết chủ động chia sẻ, biết lắng nghe và tôn trọng kênh phản hồi từ truyền thông.
Bước tiến quan trọng
Hà Nội vốn là địa phương có truyền thống cởi mở với báo chí. Thông tin được phản ánh trên các phương tiện truyền thông nhiều năm qua đều được lãnh đạo Thành phố tiếp nhận và chỉ đạo xử lý kịp thời. Từ những vấn đề dân sinh, đô thị, môi trường cho đến các phản ánh nhỏ trong đời sống xã hội, báo chí vẫn luôn là một kênh phản ánh, còn chính quyền là nơi lắng nghe và phản hồi.
Với Báo Công Thương, thời gian qua, rất nhiều phản ánh trên báo đã được lãnh đạo TP. Hà Nội kịp thời tiếp nhận và chỉ đạo xử lý. Đơn cử như tuyến bài “Những sới bạc trên “tàu ma” giữa sông Hồng”, “Gần 100 bãi xe không phép tại Cầu Giấy”, “Hà Nội: Ai đang bức tử sông Hồng”,…
Song, việc ra đời một Trung tâm Báo chí không phải để thay đổi điều đó, mà là một bước tiến để cụ thể hóa sự cởi mở ấy bằng một thiết chế chuyên biệt. Khi có một địa chỉ rõ ràng, một không gian tác nghiệp đầy đủ và một quy trình tiếp nhận thông tin minh bạch, sự phối hợp giữa chính quyền và báo chí sẽ diễn ra thuận lợi, đồng bộ và bài bản hơn.
Không gian ấy không chỉ để tổ chức họp báo mà còn là nơi để báo chí tác nghiệp, quan sát, phản hồi và đồng hành trong các vấn đề lớn nhỏ của Thủ đô. Không còn chạy theo từng đầu mối. Không phải đợi những phản ứng riêng lẻ. Từ studio ghi hình đến phòng họp, từ bảng điện kỹ thuật đến khu phân tích dữ liệu, tất cả đều đang sẵn sàng để báo chí không chỉ “đến sau” một sự kiện, mà có thể “đồng hành từ sớm” trong dòng thông tin đô thị.
“Trung tâm đặt báo chí bên cạnh như một người đồng hành đáng tin, để tiếng nói của người làm nghề được lắng nghe, để thông tin không chỉ được phát đi, mà còn được đối thoại lại, đúng lúc và đúng nơi”, bà Nguyễn Minh Nguyệt chia sẻ.
Từ một biệt thự cũ, Hà Nội không chỉ thay màu sơn, mà định hình lại cách báo chí được đặt vào trong guồng điều hành. Không còn là nơi chỉ phát ngôn, mà là không gian đối thoại, phản hồi và tham gia vào nhịp sống chính sách theo cách bài bản hơn. |