Tranh cãi dùng hóa chất, lòng se điếu vào 'tầm ngắm' kiểm tra Kiện toàn Ban chỉ đạo 389 các cấp sau sáp nhập tỉnh Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả |
Những ngày gần đây, lòng se điếu (phèo hai da) là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm, từ mạng xã hội đến hành lang Quốc hội liên tục có những thông tin xoay quanh từ khóa này. Đặc biệt, khi cộng đồng mạng chia sẻ một đoạn clip do một chủ nhà hàng quay vào năm 2024, thể hiện một đoạn lòng se điếu dài đến 40 mét và nặng 5,8 kg.
Đoạn clip này sau khi được chia sẻ rầm rộ đã gây ra tranh cãi, bởi từ lâu nay, món lòng se điếu được cho là đặc sản, không phải muốn ăn lúc nào cũng có. Nhiều người đã đặt dấu hỏi về tính xác thực của đoạn lòng se điếu dài đến 40 mét này, họ cho rằng đây chỉ là chiêu trò của chủ quán ăn. Thậm chí có nhiều luồng thông tin cho rằng, món lòng se điếu này là rất hiếm, việc bán tràn lan trên mạng xã hội là điều không thể.
![]() |
Một đoạn lòng se điếu được quảng cáo lên đến 40 mét. Ảnh minh họa |
Có nhiều người còn nhận định, số lòng se điếu được buôn bán, quảng cáo rầm rộ thời gian gần đây được “phù phép” từ lòng lợn bình thường, sau quá trình ngâm tẩm hóa chất và các thủ thuật của giới kinh doanh biến thành lòng se điếu nhằm bán giá cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương trưa ngày 6/5, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, hành vi quảng cáo lòng se điếu dài tới 40 mét có dấu hiệu gian lận thương mại trong chế biến. Lợi dụng hình thức trình bày gây tò mò để đẩy giá một món ăn vốn dĩ đã hiếm và đắt đỏ.
Hiện tại, sở đã chỉ đạo lực lượng chuyên môn truy xuất nguồn gốc sản phẩm, lấy mẫu lòng se điếu từ các cơ sở kinh doanh để tiến hành kiểm nghiệm thành phần, kiểm tra việc sử dụng phụ gia và xác định có tồn dư các chất độc hại hay không.
“Kết quả kiểm nghiệm sẽ là căn cứ quan trọng để xử lý nếu phát hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm hoặc gian lận thương mại”, bà Lan cho hay.
Liên quan đến chủ đề lòng se điếu, ông Phạm Xuân Dinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần chế biến Súc sản Xuất khẩu Thanh Hóa (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm xuất khẩu tại tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương rằng, thực ra thì lòng se điếu chủ yếu xuất hiện ở lợn nái (lợn sề), cứ khoảng 100 con thì mới có 1, 2 bộ, gần như không gặp ở lợn sữa hay lợn nuôi công nghiệp.
Nhận định về đoạn lòng se điếu dài đến 40 mét được chủ một cửa hàng ăn chia sẻ trên mạng xã hội, ông Dinh cho rằng điều đó là không thể, tổng cả chiều dài bộ lòng cũng chưa đến mức đó. Nếu có xuất hiện lòng se điếu cũng chỉ khoảng 0,5 mét.
![]() |
Một đoạn lòng se điếu dài 40 chỉ có thể là "nói phét". Ảnh minh họa |
Còn chị Hoa, một người có kinh nghiệm lâu năm trong kinh doanh thịt lợn tại TP. Thanh Hóa chia sẻ, lòng se điếu ở lợn tương đối hiếm, thi thoảng mới gặp và giá cũng sẽ cao hơn các loại nội tạng thông thường, giá trung bình khoảng 250 nghìn đồng/kg.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường) khuyến cáo, người dân nên mua nội tạng, trong đó có lòng se điếu tại các cơ sở giết mổ được kiểm soát, cấp phép và có uy tín.
Ngoài ra, trong quá trình mua bán, người dân không nên mua lòng se điếu trôi nổi trên thị trường, trên mạng xã hội vì các sản phẩm không rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dù chưa có kết quả kiểm nghiệm cuối cùng từ cơ quan chức năng, nhưng từ thực tế, kinh nghiệm của giới chuyên môn và những người trong nghề, có thể khẳng định quảng cáo lòng se điếu dài đến 40 mét là vô lý, có dấu hiệu của hành vi gian lận thương mại. |