Người giữ lửa nghề thủ công truyền thống
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với chị Trần Tuyết Lan – Giám đốc Công ty Cổ phần Doanh nghiệp xã hội Craft Link (Craft Link) là năm 2013 tại Hội chợ hàng thủ công truyền thống do Craft Link tổ chức. Tôi ấn tượng khá sâu sắc với chị bởi nụ cười tươi với hai lúm đồng tiền sâu hun hút, chị duyên dáng trong tà áo dài điểm xuyết hoa văn thổ cẩm tận tình giới thiệu từng sản phẩm của các nhóm dân tộc thiểu số với du khách nước ngoài.
Hơn 10 năm biết chị, từ thích thú tới cảm phục tấm lòng của chị với bà con dân tộc thiểu số trong hành trình khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống. Câu chuyện giữ lửa nghề truyền thống của chị vừa kế thừa tinh thần tương thân tương ái, vừa có sắc độ hiện đại, rất đáng học hỏi.
Được biết chị đã có hơn 26 năm đồng hành cùng Craft Link hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số phát triển nghề thủ công truyền thống, xin chị chia sẻ về hành trình này?
Năm 1996 Craft Link được thành lập bởi 8 cán bộ dự án làm việc ở 8 tổ chức quốc tế khác nhau tại Việt Nam. Ở thời điểm đó, có nhiều dự án phát triển nghề thủ công truyền thống do Craft Link thực hiện để hỗ trợ xóa đói giảm nghèo nhưng chỉ kéo dài trong 1-2 năm. Sau khi dự án kết thúc, không còn ai tiếp tục hỗ trợ cho bà con cập nhật thông tin thị trường, sản phẩm làm ra bị lạc hậu so với nhu cầu. Lúc đó, 8 bạn cán bộ dự án nghĩ rằng cần thành lập trung tâm phát triển sau dự án tại Việt Nam để tiếp tục hỗ trợ cho bà con khôi phục kỹ năng làm hàng thủ công, khôi phục văn hóa, gìn giữ truyền thống văn hóa cho thế hệ mai sau và tăng thu nhập.
Chị Trần Tuyết Lan – Giám đốc Công ty Cổ phần Doanh nghiệp xã hội Craft Link |
Cuối năm 1997, tôi vào làm việc tại Craft Link với vị trí giám đốc. Qua 1 năm làm việc, chúng tôi nhận thấy chỉ giúp các nhóm tiêu thụ sản phẩm là không đủ. Các nhóm cần được hỗ trợ nâng cao nội lực bản thân để tự vươn lên, quản lý nhóm và phát triển bền vững. Chính vì thế từ năm 1998 trở đi Craft Link có thêm một mảng phát triển, tức là hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhóm.
Trong suốt những năm qua, với mô hình doanh nghiệp xã hội, lợi nhuận thu được của Craft Link được chúng tôi tài trợ cho các dự án phát triển để hỗ trợ cho các nhóm dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Mỗi dự án kéo dài trong 2 năm, kết thúc dự án này lại tiếp tục triển khai dự án khác, có những năm chúng tôi tiến hành 4-5 dự án. Hiện chúng tôi đã hỗ trợ hơn 60 nhóm sản xuất ở khắp mọi miền đất nước, hơn 6.000 người hưởng lợi, bao gồm nhóm dân tộc thiểu số, nhóm làng nghề và nhóm khuyết tật.
Chúng tôi vui vì sự thành công của dự án và sự thay đổi khác biệt trước và sau khi tham gia dự án của các nhóm dân tộc thiểu số, nhất là với chị em phụ nữ.
Mỗi nhóm dân tộc thiểu số có thói quen, truyền thống khác nhau, chưa kể các nhóm đều ở vùng sâu vùng xa, tại sao chị lại chọn công việc khó khăn như vậy?
Trước khi tới với Craft Link tôi làm việc ở công ty du lịch và phụ trách mảng hàng thủ công, đó là niềm đam mê. Khi thấy Craft Link tìm kiếm một giám đốc để điều hành, cảm hợp với mong muốn của mình, tức là một công việc có thể hỗ trợ cho cộng đồng liên quan đến niềm đam mê nghề thủ công nên tôi lựa chọn.
Về thử thách đúng là rất lớn bởi môi trường làm việc buộc phải tiếp cận với rất nhiều người, nhiều nền văn hoá khác nhau. Ví dụ, Việt Nam có 54 dân tộc, có tới 53 nhóm dân tộc thiểu số, mỗi nhóm lại có văn hoá, ngôn ngữ riêng, ứng xử và biểu đạt riêng, khi làm việc để có thể hiểu, hoà nhập là thử thách không hề nhỏ. Đã không ít lần tôi có ý nghĩ từ bỏ bởi công việc quá khó khăn rồi lại tự an ủi và được sự hỗ trợ, động viên của các thành viên Craft Link nên vẫn cố được đến bây giờ.
Hơn 26 năm đồng hành cùng Craft Link hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số khôi phục và cải thiện sinh kế từ nghề thủ công truyền thống, thách thức lớn nhất chị phải đối mặt là gì?
Mỗi thời điểm lại có thách thức khác nhau. Ví dụ, khi mới bắt đầu tham gia Craft Link thách thức đầu tiên chúng tôi phải đối mặt là làm sao đưa ra con đường đúng để doanh nghiệp đi theo và đạt đúng mục tiêu. Năng lực của các nhóm dân tộc thiểu số không cao, họ có nội lực nhưng làm thế nào khơi dậy được nội lực đó để họ chủ động tham gia dự án là điều khó.
Cùng đó, triển khai dự án ở nhóm ở vùng sâu, vùng xa chúng tôi gặp khó về đường xá đi lại. Bản thân chúng tôi là phụ nữ có chồng con, chúng tôi đi công tác trong cảnh con ở nhà ốm, sốt cao thường xuyên xảy ra những trường hợp như thế cảm thấy rất nản.
Nền văn hoá và thói quen giao tiếp của các nhóm cũng là trở ngại ban đầu khi chúng tôi bắt đầu mỗi dự án.
Mỗi dự án có khó khăn khác nhau mà không thể áp dụng một công thức chung, mỗi nhóm sau chuyến khảo sát chúng tôi lại đưa ra kế hoạch phù hợp. Ví dụ, nhóm Hmong Cao Bằng, cộng đồng nằm ở quá sâu, quá xa kế hoạch ban đầu là để họ tự marketing sản phẩm, tiêu thụ qua kênh du lịch nhưng không khả thi do không có khách du lịch, buộc Craft Link phải tiêu thụ sản phẩm cho nhóm.
Nhiều năm qua Craft Link đã tiến hành quảng bá và đưa sản phẩm thủ công truyền thống của bà con dân tộc thiểu số ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp đã làm điều này như thế nào, thưa chị?
Chúng tôi thường tham gia các hội chợ quốc tế để giới thiệu sản phẩm của bà con. Thông thường, mỗi hội chợ kéo dài khoảng gần 1 tuần nhưng 3 – 4 tháng trước đó chúng tôi đã phải chuẩn bị. Chúng tôi lập kế hoạch và tập huấn cho nhóm về sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm mẫu để trưng bày giới thiệu với công chúng và tìm kiếm thị trường cho sản phẩm đó.
Buổi trình diễn nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Xa Phó (xã Nậm Sài, Sapa, Lào Cai) |
Trong hội chợ, cán bộ thiết kế lên phương án để có thể trưng bày đẹp nhất, thể hiện được sản phẩm, văn hoá của tất cả các nhóm. Đây là công việc cực kỳ khó, bởi hoa văn hoạ tiết, văn hoá của mỗi nhóm khác nhau chúng tôi phải sắp xếp sao cho có tiếng nói chung và phải theo đúng xu hướng của thị trường.
Ngoài việc tham gia các hội chợ quốc tế chúng tôi còn tham gia nhiều hoạt động marketing online thông qua fanpage, Instagram, Shopee, Alibaba… Khách hàng của chúng tôi cũng có hệ thống bán hàng online giúp lan toả và hỗ trợ cho các nhóm tiêu thụ khá nhiều sản phẩm.
Bối cảnh thị trường hiện nay khá khó khăn, tiêu dùng ngày một thu hẹp, vậy Craft Link có kế hoạch gì giúp các nhóm dân tộc thiểu số tiếp tục lưu giữ nghề truyền thống, đồng thời lan toả những nét văn hoá độc đáo của đồng bào, thưa chị?
Sau dịch Covid-19 chúng tôi nhận thấy nhiều nhóm bị suy yếu khi thành viên nhóm bị hao hụt, kỹ năng cần phục hồi lại, cơ cấu tổ chức của các nhóm cần thay đổi cho phù hợp. Do đó trong thời gian tới, chúng tôi tập trung nguồn lực hỗ trợ cho các nhóm củng cố lại về cơ cấu tổ chức, phát triển sản phẩm để nhóm tiếp tục chu trình sản xuất sản phẩm đưa ra thị trường.
Chúng tôi cũng tập trung tuyên truyền mạnh hơn để công chúng hiểu và có sự hỗ trợ với các nhóm sản xuất. Cụ thể, trong năm nay chúng tôi tiếp tục chuỗi trình diễn nghề để công chúng hình dung và cảm nhận chuẩn xác hơn công việc của chúng tôi. Tăng cường triển lãm sản phẩm, văn hoá truyền thống của bà con dân tộc thiểu số ở quy mô lớn để giới thiệu tuyền thống văn hoá của những nhóm dân tộc thiểu số đặc trưng cho một số vùng miền. Tiến hành dự án để hỗ trợ cho các nhóm mới, bắt đầu với nhóm Tày ở Yên Bái, tiếp tục hỗ trợ 3 nhóm dân tộc Thái ở Mai Châu, tỉnh Hoà Bình và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Trân trọng cảm ơn chị!