Thứ bảy 23/11/2024 12:27

Người đàn ông dân tộc Mông dám nghĩ, dám làm

Đến bản Nậm Vì, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) thấy ngôi nhà sàn nào to nhất, rộng nhất thì đó chính là nhà anh Chang A Dia. Bằng đôi bàn tay và quyết tâm không ngừng, gia đình anh Dia đã làm được những điều tưởng như không thể.
Căn nhà mới khang trang của gia đình anh Chang A Dia

Đón chúng tôi trong căn nhà sàn còn thơm mùi gỗ mới, anh Chang A Dia cho biết: Theo chương trình di dân tái định cư, cả gia đình anh đã chuyển từ xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) về xã Chung Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Như bao gia đình tái định cư lúc đó, gia đình anh Chàng A Dia bắt đầu từ mái nhà tranh đơn sơ với hai bàn tay trắng. “Ban đầu là trồng ngô, trồng thóc… có thóc chúng tôi lại đem đổi gà con, lợn con về nuôi. Để không bị đói, vợ chồng tôi sáng sớm đã lên nương, tối về lại cùng nhau xay thóc giã gạo, tuốt đay dệt vải ” – anh Dia nhớ lại.

Cuộc sống vất vả lại càng vất vả hơn khi 8 đứa con anh Dia lần lượt ra đời. Đứa sau cách đứa trước chưa đầy 1 tuổi. Thấy khách ngạc nhiên vì mới 42 tuổi mà anh Dia đã là bố của 8 người con, là ông nội của 2 đứa cháu. Anh Dia cười ngượng nghịu: Đường ra trạm xá xa lắm; người Mông lại rất kiêng kị bỏ thai đi… nên cứ chửa là đẻ thôi. Nhưng bây giờ cán bộ nói nhiều rồi, không đẻ nữa đâu, nuôi con cho tốt thôi…

Dẫn chúng tôi đi xem chuồng trâu, chuồng lợn được dựng tươm tất, anh Dia cười bảo: Đông con nhưng không đói đâu. Thấy người ta làm gì có kết quả tốt, vợ chồng tôi đều học hỏi làm theo. Thấy người Kinh lên trên bản bán hàng chăn nuôi lợn trắng cho hiệu quả kinh tế cao, tôi nhờ họ bày cách nuôi. Từ những con lợn ban đầu, có những lúc đàn lợn nhà tôi lên tới 40 con. Đến ngày xuất chuồng, doanh nghiệp lên tận nơi mua… phấn khởi lắm.

Có những thời điểm, Bộ đội biên phòng Đồn Leng Su Sìn vào cắm bản để tuyên truyền pháp luật, giúp dân phát triển kinh tế. Gia đình Dia nghe theo lời bộ đội làm chuồng trại che chắn cho trâu bò khỏi chết rét, tiêm phòng cho trâu bò theo hướng dẫn. Nhờ đó, đàn trâu bò của nhà anh Dia có thời điểm lên tới 20 con… Tiền bán lợn, bán trâu, gia đình anh trang trải cho con đi học, dựng nhà, mua con giống mới, mua sắm vật dụng trong gia đình.

Câu chuyện phát triển chăn nuôi, trồng trọt của gia đình được anh Dia kể lại chỉ trong vài phút, nhưng để có kết quả như ngày hôm nay, vợ chồng anh không nhớ nổi đã bao ngày dầm mưa, dãi nắng trên nương; thức thâu đêm suốt sáng để canh trâu, lợn đẻ; trằn trọc âu lo khi mùa vụ thất bát… Khó khăn thì nhiều, nhưng anh Dia cho rằng, mình là đàn ông – mình nghĩ được, làm được, vợ con mới đỡ khổ. Từ suy nghĩ này, với quyết tâm và sự chịu thương chịu khó, vợ chồng anh Chang A Dia đã trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi ở bản Nậm Vì.

Anh Dia bên cạnh chiếc xe máy mới mua được từ tiền bán trâu

Anh Dia chia sẻ: “Mình sống ở đây, có rừng có nương. Muốn giàu thì chịu khó là sẽ làm giàu được”. Hiện tại mỗi năm, ngoài gần 200 bao thóc, cùng tiền bán trâu, bò, lợn, gà…anh Dia còn có thêm thu nhập từ 2 ao thả cá, mỗi ao khoảng 300 m2. Hơn 1 héc-ta keo vợ chồng anh mới trồng năm 2016 cũng đã lên xanh. Anh Dia cũng đang ấp ủ kế hoạch trồng thêm khoảng 2 héc-ta cây chít để tăng thu nhập.

Là người không được học nhiều nên anh Dia rất trọng sự học. Các con anh đều được đi học từ nhỏ, học được đến đâu anh Dia cho học đến đó. Và không chỉ biết làm giàu cho gia đình, anh Dia còn sẵn lòng giúp con giống, thóc giống cho các hộ gặp khó khăn…

Lên bản Nậm Vì mới thấy, đường lên bản vừa xa vừa khó, bản lại có không ít các đối tượng nghiện hút thuốc phiện… vậy nhưng, trong hoàn cảnh đó, gia đình anh Chang A Dia vẫn nỗ lực vươn lên. Anh Dia chính là tấm gương cho thấy, nếu chăm chỉ và quyết tâm, đồng bào DTTS vẫn có thể thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính quê hương mình.

Mai Hoàng

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: Chú trọng giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững

Bắc Giang giành 2 giải A tại liên hoan nghệ thuật các dân tộc lần thứ VII năm 2024

Bài cuối: Đảng ta là Đảng vì nước, vì dân

Bắc Giang: Tặng Bằng khen 6 tập thể, 16 cá nhân đóng góp phát triển vùng dân tộc thiểu số

Bài 2: Động lực 'tiên quyết' giúp đồng bào Hà Giang phát triển

Bài 1: Những quyết sách mang ý Đảng, lòng dân

Hội nghị biểu dương đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Đà Nẵng lần thứ II năm 2024

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu: Hướng đến 11 mục tiêu

Lào Cai: Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Chú trọng công tác kiện toàn nhân sự Chương trình 1719

Sơn La bảo tồn và phát triển các bản du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Bắc Yên - Sơn La dành nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng thiết yếu cho bà con dân tộc

Sơn La xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ măng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuyên Quang: Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu vùng dân tộc thiểu số

Lạng Sơn: Đưa di tích lịch sử, văn hóa thành sản phẩm du lịch bền vững

Huyện Mộc Châu bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội Púng Hiéng của người Dao Tiền

Huyện Mường La - Sơn La đưa điện lưới quốc gia đến với bà con thôn bản

Huyện Mộc Châu - Sơn La đổi thay từ nguồn vốn dành cho đồng bào dân tộc thiểu số

Người Hà Lăng ở Kon Tum bảo tồn nét văn hoá truyền thống của 'nghề sinh ra từ làng'

Lạng Sơn: Từng bước nâng cao thể trạng, cải thiện tầm vóc trẻ em vùng cao