Lực đẩy từ các chương trình khuyến mại tập trung: Khơi dậy tiềm năng kinh tế sau đại dịch
Những con số “biết nói” từ các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nộicho biết: Từ đầu năm 2022, Sở Công Thương Hà Nội đã thực hiện hàng loạt các kế hoạch, giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng, phục hồi lại nền kinh tế sau đại dịch như: Thực hiện Kế hoạch 298/KH-UBND ngày 24/12/2021 của UBND thành phố về việc kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP. Hà Nội năm 2022; tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị; UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND ký ngày 7/2/2022 về việc triển khai Chương trình khuyến mại tập trung TP. Hà Nội năm 2022.
Các đại biểu nhấn nút chính thức triển khai sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight Sale'' ngày 24/11/2022 tại siêu thị Big C Thăng Long |
Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai hàng loạt các sự kiện khuyến mại tập trung quy mô lớn, trọng tâm vào các tháng 5, 7, 11/2022 với mức giảm giá, khuyến mại lên tới 100% tại hơn 2.000 điểm bán hàng khuyến mại với mọi thành phần kinh tế tham gia, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động kích cầu, tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho và phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân Thủ đô, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhất là trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ theo kịch bản tăng trưởng của Thủ đô năm 2022 sau những ảnh hưởng từ dịch covid-19;
Tổ chức sự kiện “Hà Nội Xanh – Kết nối xanh” dành cho 50 doanh nghiệp trong lịch vực du lịch, quà tặng tham gia; Tổ chức sự kiện “HaNoi Sale Promotion” cho 100 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực hàng tiêu dùng, thời trang, mỹ phẩm làm đẹp, viễn thông - công nghệ thông tin, ẩm thực - đồ uống,…
Đặc biệt là chuỗi sự kiện ''Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight Sale'' được tổ chức ngày 24/11/2022 tại siêu thị Big C Thăng Long.
Các tên tuổi lớn như Central Retail, AeonMall, BRGMart, Co.opMart, WinMart, MediaMart, Pico, Tập đoàn Doji, Vinaphone... cùng vào cuộc tham gia với hơn 3.000 chương trình khuyến mại |
Sự kiện 'Hà Nội đêm không ngủ - HaNoi Midnight Sale' năm 2022 đã thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, các chuỗi, cơ sở sản xuất… tham gia hưởng ứng. Sự kiện đã quy tụ những tên tuổi lớn cùng vào cuộc tham gia như Central Retail, AeonMall, BRGMart, Co.opMart, WinMart, MediaMart, Pico, Tập đoàn Doji, Vinaphone,… với hơn 3.000 chương trình khuyến mại, tổng giá trị gần 25.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021.
Nhiều chương trình giảm giá, kích cầu đặc biệt lên tới 100% đã được các doanh nghiệp đồng loạt tổ chức bằng cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Nhờ đó, lượng khách đến các cửa hàng mua sắm ngay trong ngày đầu tiên diễn ra sự kiện đã tăng 200 - 220% so với các ngày trước đó, với kết quả ghi nhận hơn 2 triệu lượt người tiêu dùng tham quan mua sắm và gần 10 triệu lượt truy cập. Tiêu biểu tại các siêu thị, trung tâm thương mại, sức mua và lượng truy cập mua hàng trực tiếp và trực tuyến đều tăng mạnh.
Chính những chương trình này đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng chung của TP. Hà Nội trong 11 tháng năm 2022, cụ thể: Đến hết tháng 11/2022, tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn ước đạt 3.202,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 1,9%); trong đó, doanh thu hoạt động thương nghiệp đạt 2.544 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 79,4%, tăng 14,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 629,2 nghìn tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 6,3%); trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 407,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,8% tổng mức và tăng 18,1%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 15,4 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 0,8%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 7,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,2 tỷ USD, tăng 16%.
Đột phá cho lĩnh vực thương mại TP. Hà Nội
Theo Ban tổ chức, Chương trình khuyến mại tập trung TP. Hà Nội năm 2022 được triển khai trọng tâm trong các tháng 5, 7, 11/2022 với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã góp phần tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP. Hà Nội trong năm 2022.
Trong 3 tháng triển khai, Sở Công Thương Hà Nội đã tiếp nhận khoảng 12.000 đăng ký khuyến mại của hơn 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Tổng giá trị khuyến mại ước tính trên 50.000 tỷ đồng, tập trung trên 40% vào lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng chiếm khoảng 30%, và các ngành hàng khác gồm thời trang, may mặc, bất động sản, ngân hàng... chiếm 30%.
Chương trình đã triển khai các sự kiện khuyến mại tập trung quy mô lớn trên toàn địa bàn thành phố với hơn 2.000 điểm bán hàng khuyến mại đăng ký tham gia. Đặc biệt, trong tháng 11, chương trình đã diễn ra sôi động với 2 sự kiện lớn: Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2022 và Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Midnight Sale năm 2022. Trong đó, Chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2022 thu hút lượng khách hàng trung bình mỗi ngày đạt gần 4.000 lượt khách; tổng doanh số các gian hàng đạt hơn 25 tỷ đồng.
Nhiều khuyến mại khủng thu hút người dân đến tham qua mua sắm |
Bên cạnh đó, trong 2 ngày diễn ra sự kiện Ngày vàng khuyến mại tại 50 điểm vàng khuyến mại, đã ghi nhận tổng cộng gần 2 triệu lượt khách hàng đến tham quan, mua sắm. Doanh thu, lượng khách tại các điểm vàng khuyến mại tăng trung bình từ 20% đến 80% so với các ngày khác. Tổng doanh từ các điểm vàng khuyến mại ước đạt gần 1.000 tỷ đồng.
Tương tự, sự kiện Ngày hội khuyến mại du lịch diễn ra trong 3 ngày cuối tuần từ 18 - 20/11 đã thu hút gần 20.000 lượt du khách, với hơn 3.200 khách hàng đăng ký tour tại sự kiện, tổng doanh thu các đơn vị đạt gần 30 tỷ đồng.
Có thể nói, Chương trình khuyến mại tập trung TP. Hà Nội năm 2022 xuyên suốt trong 3 tháng 5, 7, 11/2022 và Chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2022 diễn ra vào tháng 11 là cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia, tổ chức các hoạt động kích cầu, tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho và phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân Thủ đô. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố, nhất là trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ theo kịch bản tăng trưởng của Thủ đô năm 2022 sau những ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Khuyến mại là phải thật!
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm ngăn chặn hiện tượng khuyến mại “ảo”, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa tại các điểm bán hàng khuyến mại đã đăng ký tham gia chương trình Hà Nội đêm không ngủ.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng yêu cầu doanh nghiệp tham gia chương trình phải ký cam kết với Ban tổ chức như: Hàng hóa và dịch vụ tham gia chương trình phải đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn đã đăng ký; giá cả hàng hóa phải niêm yết rõ ràng và bán đúng giá niêm yết, giá bán phải hấp dẫn hơn trước khi tổ chức chương trình khuyến mại. Ngoài ra, không chỉ có doanh nghiệp tham gia chương trình mới phải ký cam kết, mà ngay cả các siêu thị thuộc doanh nghiệp đó quản lý cũng phải ký cam kết.
Cũng từ thành công của chuỗi những sự kiện trong chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội nhận thấy tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm, tiềm năng của các doanh nghiệp và người tiêu dùng còn rất lớn. Đây sẽ là giải pháp giúp tăng trưởng tổng mức bán lẻ trên địa bàn TP. Hà Nội hiệu quả nhất.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổng kết, đánh giá cụ thể để tham mưu TP. Hà Nội xây dựng các chương trình tương tự trong kế hoạch kích cầu năm 2023.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương sẽ kết hợp cùng Viện Kinh tế - Xã hội TP. Hà Nội và cơ quan liên quan tham mưu đề xuất thời gian tới UBND TP. Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn, trước mắt là đưa sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ" thành chương trình thường niên của ''Tháng khuyến mại Hà Nội'' hằng năm.
Sự kiện này cũng được kỳ vọng là cầu nối gắn kết doanh nghiệp với người tiêu dùng Thủ đô, đồng thời tạo thêm động lực để doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển các mặt hàng thương hiệu Việt, đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm. Qua đó, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ của thành phố những tháng cuối năm 2022.