Thứ sáu 09/05/2025 20:52

“Lán cách ly 0 đồng” ở huyện Mai Sơn (Sơn La): Hình thức chống dịch linh hoạt, sáng tạo

Giữa tháng 8/2021, khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố, cũng là lúc tại xã Phiêng Pằn (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) bắt đầu xuất hiện những chiếc lán dựng bằng tre, nứa ở giữa thiên nhiên thoáng đãng, cách xa bản làng. Đây là những căn lán đầu tiên của mô hình “lán cách ly 0 đồng” được địa phương này thực hiện với mục đích đón các công dân trở về từ các tỉnh, nhất là từ những vùng dịch.

Theo thống kê, huyện Mai Sơn hiện có gần 6.000 công dân đang đi làm ăn xa quê. Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, đã có gần 2.000 công dân của Mai Sơn trở về quê hương. Dự báo số người trở về sẽ còn tiếp tục tăng nếu tình hình dịch bệnh chưa được khống chế.

Nhân dân và bộ đội chung sức hoàn thành “lán cách ly 0 đồng”

Trước thực tế này, chuẩn bị cho việc đón các công dân trở về, nhất là các công dân về từ vùng dịch, tháng 8/2021, huyện Mai Sơn đã thống nhất triển khai mô hình “lán cách ly 0 đồng” tại 18 xã, thị trấn trong huyện - bắt đầu từ xã biên giới Phiêng Pằn. “Lán cách ly 0 đồng” được dựng tại các khu đất rộng, không gian thoáng, gần gũi thiên nhiên, cách xa nhà dân, đảm bảo khoảng cách an toàn và có lực lượng giám sát. Mỗi lán có diện tích 5 - 10 m2, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như: Điện, nước, khu vệ sinh theo mẫu do Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Mai Sơn thiết kế.

“Nhiều người dân muốn về quê tránh dịch nhưng lại lo phải đi cách ly tập trung dễ bị lây nhiễm chéo. Vì vậy, chúng tôi muốn giải tỏa tâm lý cho họ bằng cách đưa các lán cách ly về từng bản. Gần nhà, gần gũi thiên nhiên, thuận tiện hơn cho người nhà nấu cơm đưa đồ ăn tiếp tế và dễ quản lý hơn. Như vậy, người dân sẽ thấy việc cách ly không có gì đáng lo ngại, từ đó sẽ thực hiện nghiêm túc, tránh lây lan dịch bệnh. Hơn thế, các lán cách ly này cũng sẽ phần nào giảm bớt áp lực lớn đối với khu cách ly tập trung của huyện” - ông Nguyễn Việt Cường - Bí thư Huyện ủy huyện Mai Sơn thông tin về lý do để địa phương này quyết tâm triển khai mô hình “lán cách ly 0 đồng”.

Thật may, ý tưởng của chính quyền đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của người dân. Bởi qua công tác tuyên truyền, vận động, đa phần bà con đều hiểu: Với địa phương miền núi, biên giới, địa bàn trải rộng như Mai Sơn, nếu để dịch bùng phát thì sẽ rất khó khăn để đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất và điều kiện y tế.

Cũng theo Bí thư Nguyễn Việt Cường, sở dĩ gọi là “lán cách ly 0 đồng” vì nguyên liệu dựng lán là tre nứa, gỗ, lá cọ, lá dừa… có sẵn tại địa phương. Quá trình dựng lán, cùng với người dân trong bản, Bộ đội Biên phòng, công an và đoàn viên, thanh niên xã cũng tham gia góp ngày công, vật liệu, tấm lợp, bạt quây...

Trước mắt, mỗi xã sẽ căn cứ vào số lượng công dân đi làm ăn xa sẽ trở về địa phương, rà soát để dựng số nhà, lán trại cách ly cho phù hợp. Khi các khu cách ly dự phòng phải đưa vào sử dụng, gia đình có người cách ly tự chuẩn bị chăn, đệm, bữa ăn hàng ngày cho người cách ly. Các lực lượng tại chỗ như cán bộ y tế xã, thôn bản sẽ được tăng cường để thường xuyên kiểm tra hoạt động y tế tại các lán. Nếu người cách ly có những dấu hiệu bất thường, đội phản ứng nhanh của huyện sẽ vận chuyển, thu dung đến khu điều trị của huyện.

Là đơn vị phối hợp rất tích cực với xã Phiêng Pằn trong quá trình dựng các lán cách ly, Trung tá Nguyễn Văn Hanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phiêng Pằn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) cho biết: “Tới đây, nếu phải sử dụng các khu cách ly này, lực lượng biên phòng sẽ cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi, giám sát và quản lý đối với các trường hợp cách ly”.

Từ những căn lán đầu tiên được xây dựng tại xã Phiêng Pằn, đến ngày 26/8, huyện Mai Sơn đã làm được 154 “lán cách ly 0 đồng” tại 18 xã, thị trấn trong huyện (kế hoạch của huyện Mai Sơn là làm 300 lán). Với ưu điểm vừa phát huy được sức dân, vừa đảm bảo các điều kiện về khoảng cách, thoáng gió và hạn chế được tình trạng lây nhiễm chéo, mô hình “lán cách ly 0 đồng” của huyện Mai Sơn đang được tỉnh Sơn La dự kiến sẽ nhân rộng ra tất cả các huyện, với mục tiêu tất cả các thôn, bản đều có ít nhất 1 khu lán cách ly COVID-19 dự phòng.

Phương Tú

Tin cùng chuyên mục

Khánh thành trường học cho học sinh miền núi Sơn La

Longform | Phát triển chợ vùng dân tộc và miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù

Cao Bằng: Du lịch thúc đẩy kinh tế vùng dân tộc

Chợ miền núi Bắc Kạn: 'Khơi thông' dòng chảy hàng hoá

Longform | Để nông sản miền núi không còn ‘lỡ hẹn’ những mùa vàng

Bà con dân tộc thiểu số bắt ‘trend’ chợ mạng

Đắk Lắk khơi dòng tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Kon Tum: Diện mạo các vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc chuyển mình mạnh mẽ

Lan toả văn hoá ẩm thực nông thôn bằng công nghệ số

Bình Định: Xã “vùng lõm” cuối cùng có điện lưới quốc gia

Lễ hội Khâu Vai 2025: Kết nối sản phẩm vùng cao

Đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu từ nông sản sạch

Phụ nữ nông thôn chủ động thích nghi với chuyển đổi số

Tiếp sức xây dựng thương hiệu sản phẩm khu vực dân tộc miền núi

Longform | Chè Thịnh An: Thương hiệu được ‘chưng cất’ từ khát vọng vùng cao

Na Võ Nhai, gà Phú Bình, chè Trại Cài: Thái Nguyên ‘làm thương hiệu’ từ sản phẩm bản địa

Thắp lửa văn hóa đọc ở nông thôn, gieo mầm tri thức

Quảng Ngãi: Độc đáo lễ mừng nhà mới của đồng bào Hrê

Bình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng cao

Người cao tuổi Kon Tum góp sức dựng xây nông thôn mới