Hiệp hội Rau quả Việt Nam "bắt bệnh" việc một số siêu thị tại Anh dừng bán thanh long Việt
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, mấy ngày gần đây có thông tin về một số siêu thị tại Anh dừng bán thanh long Việt và cơ quan chức năng tại Vương quốc Anh đang đề xuất nâng tần suất kiểm tra thanh long từ 20% lên 50%. Ông lý giải gì về việc này?
Hiện lượng xuất khẩu mặt hàng thanh long của Việt Nam sang thị trường Anh khá thấp. Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nếu năm 2020 con số xuất khẩu thanh long tươi chỉ có 5,76 tấn, đến năm 2021 là 155,75 tấn; năm 2022 là 184,82 tấn và từ đầu năm 2023 đến nay là 253,295 tấn. Con số này so với tổng sản lượng thanh long Việt Nam khoảng 1,3 - 1,4 triệu tấn là khá khiêm tốn.
Sản lượng xuất khẩu mặt hàng thanh long của Việt Nam sang thị trường này khá thấp |
Tuy nhiên, có một yếu tố đó là hiện nay Tây Ban Nha triển khai trồng thanh long khá nhiều. Tây Ban Nha là quốc gia thuộc châu Âu, giống như hàng nội địa của EU, dần dần họ xâm chiếm hệ thống bán hàng thanh long của Việt Nam tại thị trường EU nói chung và tại thị trường Anh nói riêng.
Hiện chúng ta đã có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Điều này đồng nghĩa hàng rào thuế quan giảm, họ cũng không thể cấm mình xuất khẩu trái cây sang họ. Thay vì cấm, họ sẽ dựng các hàng rào kỹ thuật bảo vệ hàng nội khối. Tôi cho rằng, đây là biện pháp họ dựng lên để tiêu thụ hàng trong khối của họ.
Số liệu thực tế cho thấy, năm ngoái chúng ta xuất khẩu gần 200 tấn, từ đầu năm đến nay, thanh long xuất khẩu sang thị trường này cũng tăng, nhưng chúng ta không nghe bất kỳ thông tin gì phản ánh về vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu hay nhận được thông báo vi phạm nào về an toàn thực phẩm.
Hiện Văn phòng SPS Việt Nam cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan và Hiệp hội Rau quả Việt Nam để đưa ra những kiến nghị, đề xuất Vương quốc Anh giữ nguyên tần suất kiểm tra và đề nghị cung cấp hồ sơ đánh giá nguy cơ để thay đổi tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam.
Việc nâng mức kiểm tra thanh long lên 50% có vi phạm quy định của WTO không, thưa ông?
Chừng nào họ cấm Việt Nam xuất khẩu thanh long thì mới vi phạm, nhưng họ không cấm mà chỉ nâng mức kiểm tra với lý do có dư lượng thuốc trừ sâu tiềm ẩn rủi ro cao cho sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam |
Tôi cho rằng, đây là cách thức mà phần lớn các nước có FTA dựng lên các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước.
Như Malaysia, trước đây chúng ta vẫn xuất khẩu ớt tươi sang thị trường này bình thường nhưng mấy năm gần đây họ nói ớt Việt Nam bị dư lượng nhiều quá. Lý do là họ muốn bảo vệ trái ớt của nông dân họ.
Việc một số siêu thị tại Anh đã dừng bán thanh long Việt Nam và đề xuất tăng tần suất kiểm tra thanh long ở mức 20% lên 50% sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành hàng thanh long Việt Nam nói riêng và ngành hàng rau quả nói chung, thưa ông?
Theo tôi, con số xuất khẩu sang thị trường Anh khoảng gần 200 tấn (năm 2022) là khá khiêm tốn so với sản lượng thanh long của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý của cả người sản xuất và người tiêu dùng. Việc này cũng có thể tác động theo hiệu ứng domino đến các thị trường xuất khẩu khác.
Quay trở lại với thị trường Anh, phía Hiệp hội Rau quả Việt Nam có kiến nghị gì với cơ quan chức năng không, thưa ông?
Chúng tôi đang phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam làm công văn xin đề nghị họ giữ nguyên tần suất kiểm tra 20% và nếu được thì giảm xuống nữa, vì nếu đưa lên tỷ lệ kiểm tra 50% thì chắc chắn không doanh nghiệp nào xuất khẩu được.
Chúng ta gửi đi 10 thùng hàng, bị khui 5 thùng để kiểm tra, cộng với giá cước vận chuyển thì thanh long Việt Nam thua thanh long Tây Ban Nha là chắc chắn.
Xin cảm ơn ông!